Đơn vị hỗ trợ
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo
Ngày cập nhật 24/06/2021

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921 - 8/8/2021). Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế trân trọng giới thiệu toàn văn bản Đề cương.

Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Lê Quang Đạo với cách mạng Việt Nam và quê hương Bắc Ninh”.

I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ, QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ QUANG ĐẠO
Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Năm 1930 - 1936, Nguyễn Đức Nguyện học và tốt nghiệp tiểu học ở trường làng. Từ năm 1937 - 1939, học Trường tư thục Gia Long, sau chuyển sang học ở Trường Trung học tư thục Thăng Long – Hà Nội. Trong thời gian này, Nguyễn Đức Nguyện đã tham dự những buổi nói chuyện chính trị ở trụ sở Đảng Xã hội tại Hội quán Trí Tri phố Hàng Quạt; tham gia Đoàn Thanh niên dân chủ Hà Nội, rồi Thanh niên phản đế.
Tháng 8/1940, Nguyễn Đức Nguyện được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; cuối năm 1940, được phân công là Bí thư Chi bộ Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Giữa năm 1941, Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng và lấy tên là Lê Quang Đạo; cuối năm 1941 đến đầu năm 1942, được phân công làm Bí thư Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh.
Từ tháng 4/1942 đến tháng 4/1943 là Bí thư Ban Cán sự đảng bộ tỉnh Phúc Yên, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ.
Từ tháng 5/1943 đến tháng 10/1944, là Bí thư Ban Cán sự đảng bộ thành phố Hà Nội, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ.
Từ tháng 5/1945 đến tháng 8/1945, phụ trách báo Quyết Thắng và mở các lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh ở chiến khu Hoàng Hoa Thám (Bắc Giang).
Giữa tháng 8/1945, Đồng chí được cử làm chính trị viên Chi đội Giải phóng quân Bắc Giang, tham gia lãnh đạo tổng khởi nghĩa ở Bắc Giang.
Từ tháng 10/1945 đến tháng 6/1946, đồng chí Lê Quang Đạo tham gia thành lập Thành ủy Hải Phòng và trở thành Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Từ tháng 6/1946 đến tháng 12/1946 là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Từ tháng 12/1946 đến cuối năm 1947, Đồng chí là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội (khu XI). Tháng 11/1947, là Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Năm 1948, đồng chí Lê Quang Đạo là Bí thư liên Tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông; cuối năm 1948 là khu ủy viên, rồi Ủy viên Thường vụ Liên khu III, phụ trách công tác tuyên huấn.
Từ năm 1949 đến tháng 8/1950, Đồng chí giữ chức Phó Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng.
Tháng 9 năm 1950, Đồng chí được điều động vào Quân đội nhân dân Việt Nam; giữa tháng 10/1950 được phân công làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy chiến dịch Biên giới, phụ trách công tác tuyên huấn của chiến dịch.
Từ tháng 10/1950 đến năm 1953 làm Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy chiến dịch, Chính ủy Sư đoàn 308 tham gia suốt chiến dịch.
Tháng 7/1954 là Phó Trưởng đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến Việt - Pháp.
Tháng 5/1955 đến tháng 8/1978 là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên huấn, địch vận, đối ngoại. Năm 1958, được phong quân hàm Thiếu tướng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960), Đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tại Hội nghị lần thứ 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (tháng 3/1972) được bầu vào Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương.
Năm 1974, Đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976), Đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tháng 12/1978, Đồng chí rời Quân đội và được phân công là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.
 
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục được bầu vào Ủy viên Trung ương Đảng và Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp làm Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Năm 1983, phụ trách công tác Dân vận của Trung ương và tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), Đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 6/1987, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, Đồng chí được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Tháng 11/1988, tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III, Đồng chí được cử vào Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đầu năm 1993, thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội để chuyên trách về công tác Mặt trận với cương vị Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc. Tháng 8/1994, tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IV, Đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 24/7/1999, đồng chí Lê Quang Đạo mất tại Hà Nội.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo đã có những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ghi nhận công lao to lớn của Đồng chí với dân tộc, Đảng, Nhà nước tặng Đồng chí Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
II. ĐỒNG CHÍ LÊ QUANG ĐẠO - NHÀ LÃNH ĐẠO CÓ UY TÍN LỚN CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN TA
1. Người thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một Bí thư trẻ tuổi dũng cảm, năng động, hoạt động ở những địa bàn quan trọng
Sinh ra và lớn lên ở một quê hương giàu truyền thống cách mạng, căn cứ địa, an toàn khu cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo sớm giác ngộ và được kết nạp vào Đảng từ năm 19 tuổi, trực tiếp làm việc với các nhà hoạt động cách mạng như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt..., được dự lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; đồng chí Lê Quang Đạo được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách lần lượt làm Bí thư Ban cán sự Đảng các tỉnh, như: Bắc Ninh, Phúc Yên (tức Bí thư Tỉnh ủy hiện nay), Xứ ủy viên, rồi Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ với nhiệm vụ chủ yếu lúc này là xây dựng các cơ sở Đảng, tuyên truyền phát triển các tổ chức quần chúng ở vùng căn cứ địa Bắc Ninh - Vĩnh Phúc - Hà Nội giúp Trung ương đào tạo cán bộ cho phong trào quần chúng đấu tranh sâu rộng, mạnh mẽ, tạo những tiền đề và điều kiện thuận lợi cho khởi nghĩa thắng lợi ở vùng này.
Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Đồng chí được cử về tham gia thành lập Thành ủy Hải Phòng và được cử làm Bí thư. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong lúc cách mạng đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đồng chí đã tích cực đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức cứu quốc, củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang và chỉ đạo tổ chức thành công Tổng tuyển cử ở Hải Phòng, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.
Đối với Hà Nội, đồng chí Lê Quang Đạo có ba lần giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Lần thứ nhất từ tháng 10/1943 đến tháng 10/1944, khi Hà Nội trong tình thế vô cùng khó khăn trước những cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp; trên cương vị Bí thư Thành ủy, Đồng chí đã thể hiện tài năng lãnh đạo, trực tiếp lăn lộn với giới trí thức, học sinh, sinh viên xây dựng các tổ chức quần chúng nhằm tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân Hà Nội ủng hộ và tham gia cách mạng. Cái tên “Đốc lý đỏ” mà thực dân Pháp đặt cho nói lên vai trò của Đồng chí trong việc gây dựng phong trào cách mạng ở Hà Nội. Lần thứ hai từ tháng 5/1946 đến tháng 12/1946, thời gian này tình hình Hà Nội vô cùng căng thẳng, thực dân Pháp chuẩn bị gây chiến, là Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội (Khu XI), Đồng chí đã cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Trung ương rút khỏi Hà Nội an toàn, cùng Trung đoàn Thủ đô chiến đấu, cầm cự trong nội thành suốt hai tháng và cũng là một trong những người cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Lần thứ ba, từ cuối năm 1947 đến đầu năm 1948, lúc này cơ quan của Thành ủy Hà Nội chuyển về đóng ở Chương Mỹ, Hà Đông; Đồng chí đã quyết định đưa cán bộ về cơ sở, tiến hành xây dựng và khôi phục các chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng, tổ chức lực lượng du kích, đào hầm bí mật, chiến đấu ngay trong lòng địch, gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất.
2. Đồng chí Lê Quang Đạo - Người có công lao, đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực
2.1. Người chỉ huy chính trị, quân sự - Anh cả của ngành Tuyên huấn Quân đội nhân dân Việt Nam
Năm1950, Đồng chí Lê Quang Đạo được điều động vào quân đội. Gần như suốt 30 năm chiến tranh, Đồng chí khoác áo lính và thường có mặt ở những chiến trường nóng bỏng với những trọng trách quan trọng. Trên cương vị Cục trưởng Cục Tuyên huấn (tháng 10/1950), Đồng chí sớm nắm bắt được những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với công tác lãnh đạo chính trị, chủ động đề xuất những nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị trong bộ đội và được phân công biên soạn, viết nhiều tài liệu về công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng Đảng, đặc biệt là các tài liệu chỉnh huấn, chỉnh quân. Cùng với đó, Đồng chí còn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên huấn cho các cấp, các đơn vị, góp phần xây dựng ngành tuyên huấn quân đội ngày càng hoàn thiện về tổ chức và giỏi về nghiệp vụ.
Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Lê Quang Đạo được Quân ủy Trung ương giao phụ trách công tác đảng, công tác chính trị trong các chiến dịch lớn, vào những thời điểm quyết liệt, như: Phó Chủ nhiệm chính trị chiến dịch Biên giới (1950); Phó Chủ nhiệm chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); Bí thư Đảng ủy, Chính ủy chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968), chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), đường 9 – Quảng Trị (1972). Trên cương vị được giao, Đồng chí luôn đi sát mặt trận, bám sát chiến trường, nắm chắc diễn biến của từng trận đánh, gần gũi chiến sĩ, phát huy tinh thần tập thể, dân chủ, động viên bộ đội quyết tâm chiến đấu. Đồng chí đã cùng cán bộ, chiến sỹ quân đội ta lập nên những chiến thắng vẻ vang, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Ngày 27/1/1973, Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Giữa tháng 6/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III được tổ chức tại Hà Nội, thay mặt Quân ủy Trung ương, đồng chí Lê Quang Đạo đã trình bày tham luận khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo độc lập, tự chủ của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến; đồng thời nêu rõ những ưu điểm, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quá trình chỉ đạo cuộc kháng chiến và nguyên nhân của những khuyết điểm đó. Bài phát biểu của đồng chí Lê Quang Đạo tại Hội nghị Trung ương lần thứ 21 khóa III đã góp phần vào thành công của Hội nghị lịch sử, quyết định đường lối chiến lược để kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Qua kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn phong phú trên các chiến trường, Đồng chí đã viết nhiều bài, rút ra những kinh nghiệm về thực hiện công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. 
Với những đóng góp to lớn và quan trọng đối với công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo, được mệnh danh là “Anh cả của ngành tuyên huấn quân đội”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ lãnh đạo có đức độ và tài năng của Đảng ta và quân đội ta… Suốt 28 năm trong quân ngũ, Lê Quang Đạo đã đem hết tài năng và sức lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng và chỉ đạo ngành Tuyên huấn quân đội. Anh là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc của quân đội và của Đảng... Anh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy. Anh coi trọng xây dựng quân đội về chính trị và tư tưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu...”[1]
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, cuối năm 1973, đồng chí Lê Quang Đạo được cử giữ chức Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị quân sự. Trên cương vị này, Đồng chí cùng Ban Giám đốc Học viện đề ra những chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao công tác giáo dục, đào tạo cán bộ chính trị cho quân đội, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ và đơn vị cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội nhân dân chính quy, hiện đại.
Với những hoạt động và đóng góp với ngành tuyên huấn quân đội trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo đã được phong hàm Thiếu tướng năm 1958 và Trung tướng năm 1974.
2.2. Một nhà lý luận trên lĩnh vực khoa giáo của Đảng
Tháng 3/1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế - xã hội đất nước lâm vào tình trạng khó khăn, trên cương vị Trưởng ban Ban Khoa giáo Trung ương với tầm nhìn bao quát, đồng chí Lê Quang Đạo đã quan tâm đến tất cả các ngành khoa học cũng như công tác quản lý, hoạt động khoa học. Đồng chí đã đề xuất quan điểm đổi mới, dân chủ trong nghiên cứu khoa học, coi trọng bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, nhất là đội ngũ trí thức, trí thức trẻ. Những năm tháng phụ trách công tác khoa giáo của Đảng, Đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo, cán bộ Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, gặp gỡ để lắng nghe ý kiến tâm huyết, trí tuệ của nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, góp phần tìm ra giải pháp tháo gỡ tình hình khó khăn, đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Thông qua gặp gỡ, tọa đàm, hội thảo đó, vấn đề đổi mới tư duy lý luận, tư duy kinh tế, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, sử dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực lần đầu tiên được đề cập và đã được tổng hợp báo cáo trực tiếp với đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhiều vấn đề của báo cáo đã được thể hiện trong “Báo cáo chính trị đổi mới toàn diện đất nước” mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã thông qua.
2.3. Đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, mở rộng dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh
Ngày 17/6/1987, tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đảm nhận cương vị Chủ tịch Quốc hội trong thời điểm sau Đại hội VI của Đảng - Đại hội khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, đòi hỏi Quốc hội - cơ quan lập pháp, quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam phải thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật, trên cương vị người đứng đầu Quốc hội, Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện về tổ chức hoạt động của Quốc hội, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nhất là việc đẩy nhanh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Đồng chí đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992, phù hợp với cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng và Nhân dân trong giai đoạn mới; đồng thời ra sức thực hiện chương trình xây dựng pháp luật để Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thông qua được nhiều bộ luật, luật và pháp lệnh. Bên cạnh đó, Đồng chí đã góp phần tích cực trong việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, mở đầu thời kỳ đổi mới còn nhiều khó khăn phức tạp. Đồng chí cũng rất chú trọng đổi mới phong cách làm việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc điều hành Quốc hội thảo luận, chất vấn thực sự dân chủ, đổi mới đã phát huy trí tuệ của các đại biểu, tạo được không khí cởi mở, đoàn kết trong Quốc hội.
2.4. Lãnh đạo xây dựng Mặt trận Việt Nam, phát huy vai trò của Mặt trận, tăng cường đổi mới công tác Mặt trận, không ngừng nâng cao chất lượng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế trong thời kỳ đổi mới đất nước
Với 17 năm tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 năm giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1994 - 1999), Đồng chí đã có nhiều đóng góp trong xây dựng Mặt trận, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, như: giúp Trung ương Đảng xây dựng Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, đặc biệt năm 1993, Đồng chí đã cùng cán bộ, Đảng đoàn Mặt trận tham mưu Đảng ban hành Nghị quyết 07 ngày 17/11/1993 về “Đại đoàn kết dân tộc, tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới”, một nghị quyết tạo bước ngoặt cho đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước.
Với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đồng chí đã dốc sức cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 5 nhất trí thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là công trình lớn cuối cùng của Đồng chí cống hiến cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận và Nhân dân ta trước lúc ra đi, đã góp phần thiết thực nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng chủ  nghĩa xã hội.
III. ĐỒNG CHÍ LÊ QUANG ĐẠO – TẤM GƯƠNG MẪU MỰC VỀ ĐẠO ĐỨC, PHẨM CHẤT CÁCH MẠNG
1. Tấm gương về ý chí kiên cường với tinh thần tiên phong quả cảm
Nét nổi bật ở đồng chí Lê Quang Đạo là niềm tin tất thắng, sự trung thành và sẵn sàng hy sinh quên mình cho lý tưởng của Đảng, vì thắng lợi của cách mạng, vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân. Đồng chí là tấm gương của nhà lãnh đạo tận tụy và đầy trách nhiệm trước dân, trước Đảng, trước mọi nhiệm vụ, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân; tấm gương khiêm tốn, giản dị, liêm khiết, trung thực, chân thành, ghét thói xu nịnh, cơ hội chủ nghĩa, bè phái; tấm gương nói ít làm nhiều, luôn chí công vô tư và đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên hết, trước hết.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, là người chiến sĩ cách mạng hay khi trở thành nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta, Đồng chí luôn gần gũi đồng chí, đồng bào và sẵn lòng chia sẻ những khó khăn với tất cả mọi người. Đó là kết tinh chủ nghĩa nhân văn của một con người mang trong mình những tố chất đoàn kết dân tộc, một người cộng sản đầy bản lĩnh, một nhà lãnh đạo thấm nhuần sâu sắc tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.
2. Tấm gương mẫu mực về thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để các thế hệ sau mãi học tập, noi theo
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo đã sớm giác ngộ và đến với cách mạng từ khi còn rất trẻ. Trên cơ sở tiếp thu truyền thống đạo đức của dân tộc, tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Quang Đạo đã thấm nhuần các chuẩn mực đạo đức của người cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong kháng chiến gian khổ, khốc liệt cũng như trong thời bình, Đồng chí vẫn giữ nếp sống giản dị, trong sạch, trung thực, liêm khiết, gắn bó với Nhân dân, với cán bộ.
Đồng chí Lê Quang Đạo được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước tin tưởng trao cho nhiều trọng trách quan trọng, ở địa bàn quan trọng và ở những thời điểm lịch sử. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, Đồng chí đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Đồng chí Lê Quang Đạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, là tấm gương tiêu biểu của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của Đồng chí đối với Đảng, cách mạng Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước./.
                                                                                                                                      BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG - TỈNH ỦY BẮC NINH
Theo Tạp chí Tuyên Giáo (HN)
Các tin khác
Xem tin theo ngày