Nói đến truyền thống là nói đến những gì được lưu truyền từ các thế hệ trước sang những thế hệ tiếp theo. Còn khi nói đến truyền thống trong văn hóa của một dân tộc là nói đến những yếu tố văn hóa được hình thành trong lịch sử đã trở nên ổn định, được truyền từ đời này sang đời khác và lưu lại lâu dài cùng với lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, khi cơ sở lịch sử - xã hội tạo nên truyền thống bị đảo lộn hoặc thay đổi một cách căn bản, thì dù truyền thống vẫn được bảo tồn trong một thời gian nhất định nhưng chắc chắn sẽ phải biến đổi để phù hợp với cơ sở mới đó. Đây chính là thời điểm mà tính hai mặt của truyền thống tự bộc lộ. Một mặt, truyền thống vừa góp phần quan trọng để lưu giữ, bảo tồn các giá trị đã được thẩm định qua thời gian, nhưng mặt khác, truyền thống cũng có thể là tác nhân níu kéo sự bảo thủ, lạc hậu, thậm chí là lỗi thời và cản trở sự phát triển. Chính vì lẽ đó, cần phân biệt truyền thống với tính cách là những giá trị, di sản, điều tốt đẹp với những truyền thống lạc hậu, cổ hủ. Nói cách khác, cần tránh đồng nhất truyền thống với giá trị văn hóa truyền thống, nhất là những giá trị văn hoá truyền thống tinh thần, phi vật thể. Khi nói đến giá trị truyền thống tức là nói đến những gì là đúng, tốt đẹp, tích cực, có sức lay động trái tim, khối óc, kích thích con người sáng tạo và hành động vì phát triển của xã hội. Trong xã hội hiện đại, đó cũng là những giá trị để mỗi con người soi vào để tự ý thức, tự tu dưỡng, tự rèn giũa và tự hoàn thiện bản thân mình; mỗi tổ chức - cơ quan văn hóa, giáo dục và chính quyền trong hệ thống chính trị có trách nhiệm quảng bá, tuyên truyền, phát huy các giá trị đó phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Nói đến vai trò của văn hóa, của các giá trị văn hóa truyền thống đối với sự phát triển bền vững của đất nước trước hết là nói đến những mặt này.
Văn hóa truyền thống Việt Nam được hình thành, lưu giữ trong những điều kiện tự nhiên và trải qua các biến động lịch sử hết sức khắc nghiệt; có khả năng vừa thích nghi, vừa giúp con người chống chọi với thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, sức sống mãnh liệt nhất của văn hóa truyền thống Việt Nam được thể hiện từ sự chống chọi và vượt lên những âm mưu đồng hóa, hành động hủy diệt văn hóa Việt Nam của các thế lực xâm lược trong nhiều thế kỷ. Vượt lên tất cả, nhân dân ta đã bảo vệ được nền độc lập dân tộc, giữ được nền văn hóa đặc sắc của riêng mình. Lòng yêu nước mãnh liệt, ý chí kiên cường, nhẫn nại; tinh thần tự lập tự cường, đoàn kết dân tộc; lòng vị tha, cởi mở; tinh thần khoan dung tôn giáo; cách ứng xử linh hoạt, mềm dẻo trong mọi hoàn cảnh… là những giá trị văn hóa tinh thần quý giá của dân tộc được hình thành và nuôi dưỡng cho đến hôm nay. Những giá trị đó đã phát huy sức mạnh ở thế kỷ XX trong các cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Những giá trị đó đã và đang góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy văn hóa truyền thống Việt Nam cũng có những hạn chế và tiêu cực. Trong đó có thể kể đến tính cục bộ, địa phương, gia đình chủ nghĩa, “tìm người thân chứ không tìm người tài”; tính đố kỵ, kèn cựa với người giỏi hơn mình; thói tùy tiện, chuộng hư danh và ít chú trọng đến tính hiệu quả; sự xuê xoa cả nể, bao che, dung túng đối với những sai phạm, coi trọng lệ hơn luật... So với trước đây, những hạn chế và biểu hiện tiêu cực nêu trên tuy ngày nay đã giảm khá nhiều, song phải thừa nhận, những mặt hạn chế, tiêu cực đó vẫn là lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng. Trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không một quốc gia nào lại dại dột từ bỏ các giá trị văn hóa đã được dân tộc mình tích lũy trong quá khứ. Quá khứ, các di sản của quá khứ vẫn phải là điểm tựa không thể thiếu cho cả hiện tại lẫn tương lai. Nói cách khác, các quốc gia - dân tộc không thể quay lưng lại với quá khứ của mình, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Tuy nhiên, không một quốc gia nào chỉ cần và chỉ có thể dựa vào quá khứ - truyền thống để tồn tại và phát triển.
Vấn đề đặt ra là cần phải đặt nhiệm vụ bảo tồn các giá trị và di sản văn hóa truyền thống trong bối cảnh thế giới hiện đại, trong mối quan hệ biện chứng với những biến động lớn lao trong mọi lĩnh vực của thời đại. Các giá trị văn hóa truyền thống cần được gìn giữ, gạn lọc làm điểm tựa cho văn hóa đương đại; làm bệ phóng cho hiện tại và tương lai. Văn hóa phải trở thành nguồn lực nội sinh cho sự sáng tạo, là một đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Khi nói về sự phát triển bền vững của một quốc gia, dân tộc, nhiều người thường đề cập đến ba mặt - hay ba trụ cột chính - là bền vững về kinh tế, bền vững về chính trị - xã hội và bền vững về môi trường. Đúng là ba trụ cột đó rất quan trọng, không thể thiếu hoặc coi nhẹ một trụ cột nào. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cả ba trụ cột đó là chưa đủ để “tạo nền tảng vững chắc” cho xã hội phát triển bền vững, nếu thiếu trụ cột văn hóa. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay và trong tương lai đòi hỏi tất cả các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, phải có cách ứng xử vừa rất linh hoạt, mềm dẻo để thích nghi, nhưng lại phải vừa rất bản lĩnh và có nguyên tắc để vượt lên, để không tự đánh mất mình về mọi phương diện, đồng thời không bị lạc lõng, lạc điệu và nhất là không bị tụt hậu so với các nước khác. Theo đó, để đất nước phát triển bền vững thì văn hóa phải thật sự thấm sâu, gắn kết chặt chẽ với chính trị và kinh tế. Sự gắn kết này là điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu cao cả: dân chủ, tự do, công bằng, nhân văn, dân giàu, nước mạnh. Không thể thực hành chính trị một cách thông minh và thành công, không thể phát triển kinh tế nhanh và bền vững nếu thiếu sự chỉ dẫn và sự soi đường của văn hóa, văn hóa “không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
Xưa nay, khi nói đến chính trị trước hết người ta thường nói đến những mối quan hệ giữa các giai cấp, giai tầng và các tộc người trong một quốc gia. Tuy nhiên, còn cần phải nhấn mạnh đến việc giành chính quyền, giữ chính quyền, củng cố và xây dựng chính quyền ngày một vững mạnh, thật sự là chính quyền của dân. Một nền chính trị lành mạnh, có văn hóa và tiến bộ là một nền chính trị vì dân, vì nước, vì sự trường tồn và phát triển không ngừng của quốc gia - dân tộc. Sự hiện diện của nhà nước chính là để thực hiện đường lối của đảng chính trị cầm quyền. Trong một nhà nước pháp quyền hiện đại thì mọi quyền lực đều phải thuộc về nhân dân, nhân dân phải thực sự là chủ và làm chủ. Do vậy, văn hóa và trình độ văn hóa, nhất là văn hóa pháp luật, văn hóa lãnh đạo - quản trị, văn hóa tổ chức, văn hóa công sở, văn hóa ứng xử... của chính quyền với người dân là tiêu chí quan trọng để đánh giá một nền văn hóa chính trị.
Văn hóa chính trị và trình độ văn hóa chính trị không phải tự nhiên mà có - nhất là đối với những người sẽ được trao trọng trách trong hệ thống chính quyền - mà phải được đào tạo, rèn luyện và được thử thách thật sự trong công việc; được trang bị từ những kiến thức văn hóa cơ bản, kỹ năng chuyên môn đến văn hóa chính trị. Khi mọi công chức trong bộ máy chính quyền đều đáp ứng tốt những đòi hỏi về văn hóa chính trị thì sự quản lý của nhà nước và sự cầm quyền của đảng chính trị sẽ bền vững, đất nước ổn định và phát triển. Khi văn hóa chính trị suy đốn sẽ là nguy cơ dẫn đến tham nhũng hàng loạt trong quan chức và công chức; suy thoái về đạo đức, chính trị, mất dân chủ trong quản lý diễn ra phổ biến… nguy cơ cao hơn cả là dẫn đến mất đi niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với sự tồn vong của chế độ chính trị. Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu vẫn luôn là bài học để chúng ta suy ngẫm. Chính những nguyên nhân bên trong, những sai lầm về đường lối, sự mất dân chủ nghiêm trọng, sự suy thoái các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong nội bộ đảng cầm quyền - là nhân tố chủ yếu - cộng với sự lơ là, mất cảnh giác trước những phá hoại của các thế lực thù địch cả bên ngoài và bên trong đã dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, kéo theo sự tan rã của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo từ cách đây hơn 70 năm: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong mà ra”. Tình trạng chạy chức, chạy quyền; sự suy thoái về đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị; hiện tượng bè phái, lợi ích nhóm, tham nhũng… của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở nước ta chính là sự “phá hoại từ bên trong”. Tình cảm cách mạng, ý thức chính trị, bản lĩnh, văn hóa, đạo đức… chỉ thực sự được củng cố và phát huy khi văn hóa chính trị được thấm nhuần ngay từ trong tư duy, tình cảm của mỗi cán bộ, đảng viên. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Chức quyền cao chưa phải là sự nghiệp, mà chỉ là phương tiện để có thể làm nên một sự nghiệp nào đó cho dân cho nước. Chức vụ là phương tiện, nhưng vượt quá khả năng thì không nên nhận”.
Văn hóa chính trị giúp mỗi người vừa biết tự răn mình, tự tu dưỡng, tự rèn luyện bản thân theo các giá trị văn hóa truyền thống; vừa biết tiếp thu những kiến thức hiện đại trong quản lý nhà nước; vừa biết tự nhận thức, tự ý thức về khả năng thật sự của bản thân trước khi nhận hay không nhận một trọng trách, nhiệm vụ. Biết từ chối nhận chức khi thấy nhiệm vụ đó quá khả năng của bản thân và biết thực hiện văn hóa từ chức cũng là biểu hiện của văn hóa chính trị. Tiếc rằng, ở nước ta những người dám từ chối không nhận chức và thực hiện văn hóa từ chức chưa nhiều. Không ít người vẫn “bằng mọi giá” nhằm giữ lấy quyền lực để thu vén lợi lộc cho bản thân và gia đình. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc có vai trò không nhỏ trong góp phần bồi đắp những phẩm chất chính trị và văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị là động lực thúc đẩy xây dựng một xã hội ổn định, dân chủ, tự do, công bằng, nhân văn và phát triển bền vững.
Rõ ràng, văn hóa không thể tách rời chính trị. Theo đó, văn hóa cũng không thể nằm ngoài kinh tế. Kinh tế là nền tảng, là cơ sở của một xã hội. Không thể coi một xã hội phát triển nếu nền kinh tế của xã hội đó thấp kém, lạc hậu. Tuy nhiên, cũng không thể vì “là nền tảng, cơ sở của sự phát triển xã hội” mà phát triển kinh tế bằng mọi giá. Hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế trước mắt chắc chắn sẽ là một tội ác với các thế hệ mai sau. C.Mác từng cảnh báo: “Nếu canh tác được tiến hành một cách tự phát mà không được hướng dẫn một cách có ý thức… thì sẽ để lại sau nó đất hoang”. Điều này có nghĩa rằng, ngay cả trong sản xuất nông nghiệp cũng cần có kiến thức về đất đai, thổ nhưỡng, rộng hơn là phải biết các quy luật tự nhiên, nghĩa là canh tác phải có kiến thức văn hóa sinh thái. Cảnh báo trên của Mác được đưa ra từ năm 1868 nhưng vẫn luôn mang tính thời sự đối với chúng ta ngày hôm nay. Nạn “bức tử” từ rừng già, rừng phòng hộ ở vùng đầu nguồn và vùng ven biển, cho đến rừng chuyên dụng, rừng lâu năm... vì mục đích lợi nhuận kinh tế trước mắt đã và đang diễn ra ở không ít địa phương trên cả nước. Không ít người được giao trách nhiệm bảo vệ rừng lại là những “tay trong” của lâm tặc. Hậu quả nhãn tiền mà chúng ta phải hứng chịu từ sự phát triển thiếu bền vững là tình trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, lụt lội, hạn hán… ngày càng trầm trọng, kéo dài, chu kỳ ngày càng ngắn lại. Sự kém hiểu biết về văn hóa sinh thái, dù vô tình hay cố ý, đã và đang dẫn đến những hậu quả sinh thái nặng nề, uy hiếp trực tiếp cuộc sống và chất lượng sống của mọi người, cản trở sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong điều kiện chúng ta phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng về mọi mặt, nhất là hội nhập về kinh tế, thì văn hóa càng phải thẩm thấu sâu hơn vào kinh tế, trước hết là những con người làm kinh tế để hình thành văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa quản trị doanh nghiệp, văn hóa quản trị nhân lực, văn hóa đàm phán trong thương mại... Khách quan mà nói, chúng ta còn hạn chế và yếu về những mặt văn hóa này khi bước vào kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta vừa cần hết sức coi trọng và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa phải mạnh dạn, bản lĩnh, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, để phát huy các giá trị đó phục vụ cho công cuộc phát triển nhanh và bền vững của đất nước về mọi mặt, mọi lĩnh vực. Trong điều kiện hiện nay, văn hóa phải thấm vào mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là những người đang giữ vai trò trong sáng tạo khoa học; vào lĩnh vực chính trị với tư cách là văn hóa chính trị; vào kinh tế với tư cách là văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp; vào tổ chức, quản trị và điều hành đất nước... Các giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của dân tộc phải góp phần thôi thúc con người tự nhận thức và thực thi trách nhiệm xã hội của mình đối với đất nước. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhất thiết phải coi sự phát triển bền vững về văn hóa cùng với sự phát triển bền vững về kinh tế, chính trị - xã hội và môi trường là những trụ cột không thể thiếu để phát triển bền vững đất nước.