Đơn vị hỗ trợ
Kế hoạch tổ chức triển lãm "Hoàng sa - Trường Sa là của Việt Nam" và Chương trình Nghệ thuật tuyên truyền về Biển đảo Việt Nam
Ngày cập nhật 22/06/2014

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế đã có Văn bản số 1110/SVHTTDL - VP, ngày 19/6/2014 phê duyệt Kế hoạch Triển Lãm "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" của Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung tâm Văn hóa Thông tin xin giới thiệu kế hoạch tổ chức cuộc triển lãm trên.

PHẦN THỨ NHẤT

TRIỂN LÃM “HOÀNG SA, TRƯỜNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM”
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
 1. Đặt vấn đề:
  + Biển Đảo Việt Nam là một bộ phận cấu thành của lãnh thổ, thuộc phạm vi chủ quyền thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Việc khẳng định và giữ vững chủ quyền Biển Đảo và sự toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của cả Quốc gia, Dân tộc và mỗi chúng ta. 
  +  Trong bối cảnh hiện nay, Biển Đông đang trở thành điểm nóng, nhất là từ ngày 01/5/2014 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng hơn 100 tàu, có cả tàu quân sự và máy bay bảo vệ để hạ đặt trái phép giàn khoan dầu vào vị trí sâu hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là quốc gia thành viên và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
  + Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Văn bản số 1615/BVHTTDL - VHCS ngày 22 tháng 5 năm 2014 về việc tổ chức tuyên truyền về Biên giới và Biển đảo Việt Nam;
  + Căn cứ Kế hoạch số 995/KH-SVHTTDL ngày 04/6/2014 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế về việc phối hợp tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và tuyên truyền vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc;
     + Nhằm góp phần cùng với cả nước và toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động hướng về Biển Đông, tuyên truyền - khẳng định chủ quyền Biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sau khi được sự đồng ý, chỉ đạo của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Văn bản số 1069/SVHTTDL - KHTC, ngày 12 tháng 6 năm 2014 về việc tổ chức tuyên truyền vì chủ quyền Biển, Đảo Tổ Quốc, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch tổ chức trưng bày, triển lãm chuyên đề “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”, báo cáo Giám đốc Sở phê duyệt trước khi triển khai.
 2.  Mục đích yêu cầu:
 a)  Mục đích: 
 - “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” chính là tên gọi, là chủ đề tư tưởng, là mục đích của cuộc Triển lãm nhằm tuyên truyền, khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm và không thể tranh cải của Việt Nam đối với hai Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Vùng Biển, Vùng Trời, Vùng Đặc quyền kinh tế… của Tổ quốc.
 - Thông qua Triển lãm để khẳng định ý chí độc lập tự chủ và thể hiện quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng thiêng của Tổ quốc về Biên giới và Biển đảo, ca ngợi tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam. 
 - Cung cấp thông tin, khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Biển Đảo của Tổ quốc; giúp bạn bè quốc tế hiểu về cương vực, lãnh thổ của Việt Nam và ủng hộ mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.
 - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của toàn dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Biển, Đảo trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; góp phần cổ vũ khí thế chính trị trong toàn xã hội, tạo nên không khí phấn khởi, tin tưởng, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, xây dựng đất nước và quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển vững mạnh.
  b)  Yêu cầu:
 - Các tài liệu, hình ảnh, hiện vật đưa ra Trưng bày, Triển lãm phải được nghiên cứu, chọn lọc, bảo đảm tính khoa học, tính chính xác, tinh chân thực, tính thời sự, phù hợp với nội dung, chủ đề tư tưởng, cung cấp thông tin có giá trị lịch sử, pháp lý và có chất lượng cao về nghệ thuật, nhằm tạo được cảm xúc, ấn tượng mạnh mẽ và có tác dụng tuyên truyền, giáo dục cao đối với các tầng lớp nhân dân và bạn bề quốc tế đến tham quan Triển lãm.
   -  Triển lãm phải được tổ chức chặt chẽ, cô đọng, súc tích, thiết thực, chất lượng và có hiệu quả tốt. Công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện phải chu đáo, tỉ mỉ, bảo đảm tinh, gọn, đúng tiến độ và thật sự tiết kiệm ...
 II.  NỘI DUNG TỔNG QUÁT:
  1. Chủ đề triển lãm: “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” - Tuyên truyền, khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm và không thể tranh cải của Việt Nam đối với hai Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Vùng Biển, Vùng Trời, Vùng Đặc quyền kinh tế… của Tổ quốc.
2. Thời gian, địa điểm, quy mô thực hiện:
+  Thời gian: Dự kiến triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 10/7/2014 đến 30/7/2014.
+  Địa điểm: Tại  Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (41A, Hùng Vương, thành phố Huế). Không gian chủ yếu là phòng đợi, khu vực tiền sảnh và sân trước.
  +  Quy mô thực hiện: Dự kiến tổ chức triển lãm khoảng trên 400 hình ảnh, tư liệu và hiện vật về chủ đề Hoàng Sa, Trường Sa - chủ quyền Biển Đảo Việt Nam và các vấn đề liên quan, diện tích khoảng 300m2.
  3.  Phương thức thể hiện: Nội dung Trưng bày, Triển lãm được thể hiện qua 400 hình ảnh và tư liệu, hiện vật có giá trị lịch sử và pháp lý, trong đó: 
  +  Ảnh màu, đen trắng in bằng chất liệu chuyên dùng, kích cỡ chủ yếu: 50cm x 75cm.
  +  Tranh cổ động về Biển Đảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát hành.
  +  Các tư liệu lịch sử, câu trích, các bản đồ, Altat của thế giới…
  +  Các hiện vật trưng bày có liên quan đến chủ quyền Biển Đảo Việt Nam.
  +  Trưng bày bộ ảnh tư liệu về bằng chứng chủ quyền Biển Đông trên bảo vật Quốc gia Cửu đỉnh - Đại Nội, Huế.
  + Chiếu phim tư liệu về chủ quyền Biển đảo Việt Nam, về Hải Quân nhân dân về lực lượng Cảnh sát Biển và Kiểm Ngư Việt Nam, về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc của các lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, từ ngày 01/5/2014 đến nay…
  4. Giải pháp tuyên truyền, cổ động trực quan và trang trí mỹ thuật:
  + Công tác tuyên truyền về cuộc triển lãm sẽ được thực hiện dưới nhiều hình thức trực quan, sinh động, có khả năng thông tin rộng rãi đến nhiều tầng lớp nhân dân.
+ Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế, Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, Cổng Thông tin điện tử - UBND tỉnh, Trang Web Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh...
  +  Trên cơ sở bảo đảm bố cục hợp lý, có tính thuyết phục cao, sử dung chất liệu phù hợp, thiết kế đẹp, có trọng tâm, trọng điểm, tổng thể của Trưng bày, Triển lãm phải được làm nỗi bật về Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung liên quan về bảo vệ chủ quyền Biển Đảo của Tổ quốc. 
  5. Nguồn cung cấp tư liệu: 
  Nguồn tư liệu phục vụ cho cuộc Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” do Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh tổ chức phải đảm bảo độ tin cậy và chính xác tuyệt đối; được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, đã được đưa ra phố biến rộng rãi trong xã hội, cụ thể là:
  +  Tư liệu tuyên truyền, ảnh triển lãm và tranh cổ động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát hành.
  +  Tư liệu, tài liệu, bản đồ, tranh, ảnh… do Bộ Thông tin Truyền thông phát hành.
  +  Tư liệu hình ảnh và phim do Bộ Tư lệnh Hải quân ND Việt Nam cung cấp.
  +  Các tư liệu, hình ảnh và phim tài liệu, phóng sự về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Cảnh sát biển, Lực lượng Kiểm ngư và Ngư dân Việt Nam trên Biển Đông trong thời gian gần đây do Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển và các cơ quan thông tin đại chúng cung cấp.
  +  Các tư liệu, hình ảnh và hiện vật do Bảo tàng Đà Nẵng - đơn vị đã được giao Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” cung cấp.
  +  Các tư liệu, hình ảnh do Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh Hà Tĩnh - đơn vị đã được giao Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” cung cấp.
  +  Các tư liệu, tài liệu sưu tầm tại Thừa Thiên Huế…
 
      III. CÁC CHUYÊN ĐỀ TRIỂN LÃM VÀ TRƯNG BÀY
Triển lãm và Trưng bày gồm 5 chuyên đề, với các nội dung chính như sau:
         1. Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam (Nội dung trọng tâm): 
           Tập trung giới thiệu khái quát các căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định và chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; giới thiệu một số hình ảnh hoạt động của quân và dân ta trên hai hai quần đảo này. 
         +  Căn cứ lịch sử và pháp lý: 
          Nội dung này tập trung giới thiệu về những bằng chứng lịch sử, chứng minh giá trị pháp lý khẳng định mạnh mẽ chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
- Giới thiệu bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ cổ Phương Tây do Người Bồ Đào Nha, Hà Lan ... vẽ  từ năm 1571 - 1579.
- Giới thiệu hệ thống bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa do phương Tây vẽ.
-  Giới thiệu hệ thống bản đồ Trung Quốc xuất bản không có Hoàng Sa - Trường Sa.         
-  Giới thiệu bản đồ cổ 100 năm tuổi của nhà Thanh - Trung Quốc vẽ cực nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam (không có quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam).
- Chú giải về Hoàng Sa trên tờ bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong Toàn tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, tự Công Đạo biên soạn năm 1686; ghi chép của Lê Quý Đôn về quần đảo Hoàng Sa trong Phủ biên tạp lục, năm 1776, Đại Nam thực lục chính biên, Đệ II kỷ, Quyển 165, năm 1836 ; Đại Nam thực lục tiền biên.
- Trưng bày bộ ảnh tư liệu về bằng chứng chủ quyền Biển Đông trên bảo vật Quốc gia Cửu đỉnh - Đại Nội, Huế và một số tư liệu lịch sử dưới triều đại nhà Nguyễn.
- Triển lãm hệ thống tư liệu, văn bản hành chính: Các tập công văn hành chính, các tài liệu Châu bản, Bộ công tấu, tư liệu sắc chỉ triều Nguyễn được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, trong đó có ghi chép khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và do nhà nước phong kiến Việt Nam quản lý…
- Triển lãm hệ thống tư liệu trước năm 1975 của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
+ Giới thiệu một số hình ảnh về Hoàng Sa, Trường Sa:
- Giới thiệu hệ thống Quần đảo Hoàng Sa.
- Giới thiệu hệ thống các đảo trong Quần đảo Trường Sa.
- Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các tỉnh thành trong cả nước thăm và làm việc với quân và dân huyện đảo Trường Sa.
- Hình ảnh lễ khao thề lính Hoàng Sa. 
- Lễ bổ nhiệm chủ tịch huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, lễ tiễn cán bộ, chiến sĩ ra định cư trên đảo Trường Sa, tuần tra bảo vệ biển đảo, lễ thượng cờ tại đảo Trường Sa…
- Giới thiệu một số hình ảnh các công trình phòng thủ các đảo, đài tưởng niệm trên đảo Trường Sa, lễ động thổ xây dựng Chùa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; hình ảnh các khu dân cư, trường học, công tác hậu phương quân độị, ảnh em bé đầu tiên chào đời tại huyện đảo Trường sa…
- Giới thiệu một số dự án năng lượng, xây dựng các cụm kinh tế - khoa học kỹ thuật (DK1) … phục vụ nhu cầu của nhân dân và cán bộ chiến sĩ tại Trường Sa.
2. Sức mạnh của Hải quân Nhân dân Việt Nam:
Chủ đề này tập trung giới nhiệu sự lớn mạnh của Quân chủng Hải Quân về lực lượng, phương tiện, thiết bị, vũ khí, khí tài, về tổ chức, chỉ huy, huấn luyện, quản lý, xây dựng và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền Biển Đảo…
- Giới thiệu sự quan tâm sâu sắc các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với lực lượng Hải Quân và cán bộ, chiến sĩ và  nhân dân trên đảo Trường Sa. 
- Lễ đón nhận các danh hiệu, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; hình ảnh một số kết quả đạt được trong công tác đối ngoại.
- Lựa chọn một số hình ảnh tiêu biểu phản ánh những thành tựu, kết quả đạt được trong các nhiệm vụ được giao, hình ảnh các công trình, dự án trọng điểm, doanh trại, nhà máy, trạm xưởng, công trình cầu cảng quân sự, hệ thống mô phỏng huấn luyện, các loại hình vũ khí, tàu ngầm Kilo, máy bay, tàu chiến, trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến hiện đại…
- Hình ảnh tác chiến, diễn tập và thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo; công tác cứu hộ cứu nạn trên biển; hình ảnh các binh chủng, binh đoàn, hải đội, các học viện thuộc lực lượng Hải Quân - các lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 
 3. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền Biển Đảo của Tổ quốc 
 Chuyên đề này tập trung giới thiệu, tuyên truyền về các lực lượng chấp pháp trên biển mà trực tiếp là Cảnh sát Biển và Kiểm Ngư Việt Nam, đã dũng cảm đấu tranh giữ nghiêm pháp luật, giữ vững chủ quyền biển đảo; về lực lượng ngư dân đang ngày đêm bám biển làm chủ các ngư trường, thi đua lao động sản xuất, khẳng định những cột mốc sống chủ quyền trên biển Đông.
3.1. Về Lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam:
- Lựa chọn một số hình ảnh về hoạt động của lực lượng Cảnh sát Biển và Kiểm ngư trong công tác kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền Biển Đảo; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn, bảo vệ tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên biển. 
- Giới thiệu hình ảnh về lực lượng Kiểm ngư trong nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật; bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. 
- Giới thiệu một số hình ảnh của các chiến sĩ Cảnh sát biển và Kiểm ngư đang ngày đêm kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, thực thi chấp pháp trên Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam…
- Những hình ảnh nóng nhất, chân thực nhất về những hành động ngang ngược, trái phép của Trung Quốc tại vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và sự kiên trì, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ bằng giải pháp hòa bình của các lực lượng chấp pháp Việt Nam.
3.2. Hoạt động của Ngư dân Việt Nam trên các Ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam:
- Một số hình ảnh của ngư dân bám biển trên các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt cá và góp phần bảo vệ chủ quyền Biển Đảo của Tổ quốc.
- Hình ảnh về sự hiên ngang, quả cảm của các ngư dân đang ngày đêm bám biển, lao động sản xuất, ngoan cường, bám trụ trên các ngư trường thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam, họ là minh chứng sống động về tình yêu nước và trở thành những cột mốc sống chủ quyền trên biển Đông. 
- Hình ảnh tàu đánh cá của Ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trong vùng biển của Việt Nam, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan HD 981.
4. Cả nước hướng về Hoàng Sa, Trường Sa:
 - Giới thiệu một số hình  về các chương trình, phong trào hướng về biển đảo như: “Tấm lưới nghĩa tình” “Góp đá xây Trường Sa”; “Vì Trường Sa thân yêu - vì tuyến đầu tổ quốc”, “Xuồng Chủ Quyền” …
- Các phong trào ủng hộ, trao tặng quà, thiết bị, phương tiện cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Biên Đảo Tổ quốc của các doanh ngiệp và nhân dân cả nước.
- Hình ảnh nhân dân trong và ngoài nước bày tỏ lòng yêu nước, yêu hòa bình, phản đối hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép HD 981 trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
- Những khoảnh khắc đẹp về nghĩa tình đồng đội, đồng chí, đồng bào, tình yêu người chiến sĩ, những giây phút hạnh phúc, những khó khăn, vất vả nhưng cũng rất đỗi vinh quang của người chiến sĩ, của các lực lượng chấp pháp, của các nhà báo và ngư dân đang ngày đêm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
5. Những tuyên bố khẳng định chủ quyền và độc lập tự chủ của dân tộc:
+  Trưng bày Bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt - Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên.
+ Trưng bày một số câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ lấy nó”.
+ Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
- Trưng bày một số hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thị sát, chỉ đạo các công trình trọng điểm về an ninh quốc phòng; trang bị một số phương tiện, thiết bị cho lực lượng Cảnh sát Biển, Kiểm ngư như tàu kéo, tàu tuần tra xa bờ, tàu kéo cứu nạn, máy bay tuần thám, ra mắt các phi đội bay, máy bay tuần tiễu, đóng mới các tàu kiểm  ngư…
 
  
PHẦN THỨ HAI
CHƯƠNG TRÌNH “HÁT VỀ BIỂN ĐẢO TỔ QUỐC ”
 
 I. Mục đích yêu cầu:
 1)  Mục đích: 
 - Thông qua Chương trình nghệ thuật và chiếu phim tư liệu có chủ đề và nội dung về Biên Đảo để khẳng định ý chí độc lập tự chủ và thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng thiêng của Tổ quốc về Biên giới và Biển đảo, ca ngợi tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam. 
- Góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ chủ quyền Biển Đảo trong các tầng lớp nhân dân ở các vùng ven biển và đầm phá của các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, góp phần cổ vũ khí thế chính trị trong toàn xã hội, tạo nên không khí phấn khởi, tin tưởng, động viên quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, xây dựng đất nước và quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển vững mạnh.
 2)  Yêu cầu:
 - Chương trình Nghệ thuật và các bộ phim tư liệu phải phù hợp với nội dung, chủ đề tư tưởng, tạo được cảm xúc, ấn tượng mạnh mẽ và có tác dụng tuyên truyền, giáo dục cao đối với các tầng lớp nhân dân.
   -  Việc tổ chức biểu diễn muốn có hiệu quả thiết thực, được công chúng tham gia hưởng ứng cần phải được chuẩn bị chu đáo, có sự phối hợp đồng bộ giữa Phòng Văn hóa Thông tin - Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh và Chính quyền địa phương cấp xã.
   - Công tác xây dựng chương trình và tổ chức biểu diễn phải bảo đảm tính gọn nhẹ, hiệu quả và thật sự tiết kiệm.
  II. Nội dung chương trình và Kế hoạch biểu diễn 
   1. Nội dung và quy mô xây dựng chương trình:
   +  Chủ đề chính: “ Hát về Biển Đảo của Tổ quốc”.
   +  Số lượng tiết mục: từ 15 - 17 tiết mục, bao gồm đơn ca, song ca, tốp ca, hát múa…
   +  Thời lượng chương trình: từ 70 - 90 phút.
   + Lực lượng diễn viên: 07 ca sĩ đang công tác tại các đơn vị Nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh và Học viện Âm nhạc Huế; 08 diễn viên múa.
   2. Kế hoạch tổ chức biểu diễn:
   +  Thời gian: Từ ngày 10 tháng 7 đến ngày 25 tháng 7 năm 2014.
   +  Địa điểm và thời gian tổ chức biểu diễn:
   - Biểu diễn khai mạc Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, dự kiến vào ngày 10/7/2014 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh.
- Biểu diễn tại xã Quảng Ngạn - huyện Quảng Điền: dự kiến vào ngày 12/7/2014
- Biểu diễn tại xã Hải Dương - thị xã Hương Trà: dự kiến vào ngày 15/7/2014
- Biểu diễn tại thị trấn Thuận An - huyện Phú Vang: dự kiến vào ngày 19/7/2014
- Biểu diễn tại xã Vinh Hiền - huyện Phú Lộc: dự kiến vào ngày 25/7/2014
 
PHẦN THỨ BA
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
 
I. Các bước thực hiện:
1. Trung tâm Văn hóa Thông tin xin chủ trương, xây dựng Kế hoạch và dự toán kinh phí trình Giám đốc Sở (trước ngày 20/6/2016) phê duyệt.
2. Làm việc với các ngành và đơn vị liên quan để chuẩn bị chi tiết về tư liệu, hình ảnh, hiện vật phục vụ cho các nội dung triển lãm.
3. Chuẩn bị các vấn đề liên quan trước khi thi công triển lãm.
4. Tổ chức thi công triển lãm; xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật.
5. Tổng duyệt Triển lãm và Chương trình “Hát về Biển Đảo Tổ quốc”…
6. Hoàn chỉnh kịch bản khai mạc Triển lãm và Chương trình biểu diễn nghệ thuật.
7. Tổ chức Khai mạc và cát băng Triển lãm “ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.
II. Công tác phối hợp:
1. Phối hợp với các Phòng Kế hoạch Tài Chính, Phòng Nghiệp vụ VHNT và Văn phòng Sở để hoàn thành Đề cương, Kế hoạch, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Đề nghị Viễn thông Thừa Thiên Huế tài trợ độc quyền, phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và Báo Tuổi trẻ… đề nghị tuyên truyền, hỗ trợ thông tin và một số công việc liên quan.
3. Phối hợp, đề nghị Tỉnh Đoàn, Đoàn Khối cơ quan tỉnh, các trường học, lực lương vũ trang, các phường, xã của thành phố Huế tham quan, hưởng ứng Triển lãm; đề nghị các Phòng VHTT huyện, thị xã và các địa phương hỗ trợ tổ chức các Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Hát về Biển Đảo Tổ quốc”…
4. Liên hệ, phối hợp với Bộ tư lệnh Hải Quân, BTL Cảnh sát biển và Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đề nghị hưởng ứng, hỗ trợ và tham gia khai mạc Triển lãm…
Trên đây là Kế hoạch Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và Chương trình biểu diễn lưu động “Hát về Biển Đảo Tổ quốc”, Trung tâm Văn hóa Thông tin báo cáo và kính đề nghị Giám đốc Sở xem xét, phê duyệt./.
 
  Nơi nhận:                   GIÁM ĐỐC
- Giám đốc Sở VHTTDL (để b/c);            
- Đ/c Cao Chí Hải - PGĐ Sở (để b/c);
- Văn phòng Sở;                                                           (Đã ký)
- Phòng Kế hoạch Tài chính Sở;
- Phòng QLNVVHNT Sở;
- BGĐ Trung tâm VHTT;                                                                                                                                                                                  
- Các Phòng trực thuộc;                                       Nguyễn Thanh Hải
- Lưu VT.                                                 
 
Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày