Áo dài là một di sản văn hóa đặc thù của Cố đô Huế, được hình thành, phát triển, tồn tại suốt hơn 300 năm qua, gắn liền với vai trò thủ phủ của Đàng Trong, kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, rồi cố đô cuối cùng của chế độ quân chủ. Áo dài đã góp phần quan trọng tạo nên một hình ảnh riêng, bản sắc riêng của xứ Huế đồng thời lại hàm chứa tính dân tộc, tính đại chúng sâu sắc, bởi Áo dài đã trở thành trang phục chung của người Việt Nam, được cả cộng đồng sử dụng, trân trọng, tự hào. Ngày nay, gắn liền với việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng của vùng đất cố đô, việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản Áo dài là hết sức phù hợp, cần thiết và có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Áo dài- Trang phục mang đậm tính dân tộc, tính đại chúng
Áo dài là loại hình trang phục tiêu biểu, đã đi cùng lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển đất nước của người Việt Nam, tuy ở các thời kỳ khác nhau có sự thay đổi nhưng đó vẫn là chiếc Áo dài! Khoảng đầu thế kỷ XVII, ở Đàng Trong đã xuất hiện một loại áo dài mới, rất phù hợp với môi trường sống, quan niệm sống và tính cách của người Việt hồi đó: Áo ngũ thân (hay áo năm thân). Đây cũng là tiền thân của các loại hình áo dài truyền thống đương đại của nước ta hiện nay. Áo Ngũ thân ra đời ở Đàng Trong và bắt đầu phổ biến từ đầu thế kỷ XVII, là kết quả của sự sáng tạo của cư dân Việt trên con đường Nam tiến, mở rộng cương thổ đất nước về phía Nam. Từ năm 1744, vị chúa Nguyễn đời thứ 8 ở Đàng Trong là Nguyễn Phúc Khoát đã quyết định chọn loại trang phục này làm thường phục cho toàn thể nhân dân Đàng Trong (từ sông Gianh Quảng Bình đến hết vùng đất miền Nam hiện nay). Đầu thế kỷ XIX, trong thời kỳ đất nước thống nhất, Hoàng đế Minh Mạng lại tiếp tục chọn áo Ngũ thân làm trang phục chung cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1837-1945, áo Ngũ thân rất phổ biến ở cả hai miền Nam Bắc, và được xem là Quốc phục của người Việt.
Áo Ngũ thân dành cho cả hai giới nam và nữ, và cho mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt đẳng cấp, sang hèn. Sự phân biệt chủ yếu chỉ thể hiện ở chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí và các phụ kiện kèm theo. Áo ngũ thân có 2 loại, tay rộng (thường gọi là áo tấc, áo thụng) và áo tay chẽn được coi là loại thường phục. Khi mặc áo Ngũ thân thì thường đi kèm cùng với khăn vấn (hoặc khăn đóng) đội đầu đối với nam giới, khăn vấn đối với nữ giới và mặc quần màu trắng, rộng (quần thụng).
Áo Ngũ thân được đánh giá là loại trang phục trang trọng, kín đáo và mang nhiều ý nghĩa rất nhân văn. Năm thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và bản thân người mặc. Năm chiếc khuy áo tượng trưng cho 5 phẩm chất quan trọng của bậc quân tử cũng rất phù hợp với mẫu hình đạo đức làm người của xã hội hiện đại, là: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín (hoặc dũng). Năm chiếc cúc áo này còn tượng trưng cho 5 mối quan hệ rường cột trong xã hội: Vua tôi, cha con, anh em, bạn bè, chồng vợ; thậm chí còn mang cả ý nghĩa về sự giao thoa của ngũ hành: Thổ, kim, thủy, mộc hỏa.
Có thể nói, áo dài ngũ thân là loại trang phục độc đáo, riêng có của người Việt, vừa tiện dụng, phù hợp với môi trường sống, tầm vóc và tính cách của người Việt Nam lại vừa rất đẹp và không kém phần trang trọng, kín đáo.
Đề án Huế kinh đô Áo dài Việt Nam: Phục hưng và lan tỏa văn hóa nét đẹp văn hóa truyền thống
Thời gian và những biến động lịch sử đã khiến thân phận chiếc áo dài mong manh nhiều lúc đã bị vùi lấp, chà đạp, bị hiểu sai một cách méo mó. Rất may là cùng với công cuộc Đổi Mới, chiếc áo dài Việt Nam đã được giải oan và từng bước phục hồi, nhất là áo dài nữ. Vài năm trở lại đây, phong trào nghiên cứu, phục hồi trang phục truyền thống bao gồm cả áo dài nam và nữ, đưa di sản này vào cuộc sống đương đại đã được đông đảo giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Và Huế là địa phương dẫn đầu phong trào này.
Đề án “Huế- kinh đô áo dài Việt Nam” mà cố đô đã và đang triển khai mạnh mẽ chính là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng. Nhưng còn hơn thế, sự tỏa sáng của “Kinh đô áo dài” không chỉ là thương hiệu về văn hóa, mà còn vì sự phát triển bền vững của chính Thừa Thiên Huế, và góp phần vào việc định hình bản sắc văn hóa trang phục của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập toàn diện với thế giới.
Từ giữa năm 2020, khi Sở Văn hóa & Thể thao phát động và triển khai đề án Huế kinh đô áo dài Việt Nam, phong trào phục hưng áo dài truyền thống, đặc biệt là các loại áo ngũ thân và áo nhật bình đã lan tỏa mạnh mẽ từ chốn công sở đến học đường, đến cả giới doanh nhân, tiểu thương, và đặc biệt là du khách đến Huế. Sau hơn 2 năm triển khai đề án, Sở đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ dư luận và cộng đồng. Điều đáng mừng là nếu ở giai đoạn đầu có nhiều ý kiến không đồng thuận, thậm chí phản đối khá gay gắt thì đến nay hầu hết các ý kiến đều đồng tình với chủ trương phục hồi quốc phục, hồi sinh di sản áo dài của Thừa Thiên Huế mà ngành Văn hóa là đơn vị tiên phong triển khai. Không chỉ thế, phong trào mặc áo dài truyền thống, áo ngũ thân đã và đang lan tỏa rất mạnh mẽ ra khắp nơi. Trong phạm vi tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành văn hóa và Thể thao, với vai trò chủ công đã đưa áo dài vào cuộc sống thường nhật, trong các lễ hội văn hóa, thể thao, lễ Chào cờ nơi công sở… Ngành giáo dục sau khi đã phổ biến áo dài nữ ở chốn học đường khối trung học phổ thông, cũng đã và đang thử nghiệm đưa áo dài nam vào trong các hoạt động quan trọng của ngành như Lễ tôn vinh học sinh danh dự toàn tỉnh, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc, các hoạt động ngoại khóa về chủ đề văn hóa lịch sử. Một số trường học đã trang bị hoặc thuê mượn áo ngũ thân để thầy cô giáo và các em học sinh mặc trong các sinh hoạt thực tế tại bảo tàng, di tích và các lễ hội do trường tổ chức. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã trang bị áo dài cho toàn bộ cán bộ công nhân viên và đã triển khai quy định mặc đồng phục áo dài khi tham gia các lễ hội và các sinh hoạt văn hóa. Giới doanh nhân đã sử dụng áo dài trong hầu hết các diễn đàn; và tại chợ Đông Ba, ngôi chợ hơn trăm tuổi và nổi tiếng nhất xứ Huế, hàng trăm tiểu thương đã cùng nhau mặc áo dài trong các ngày lễ tết hay trong các ngày hội do thành phố Huế phát động, tạo nên những hình ảnh tuyệt đẹp về áo dài Huế gắn liền với ngôi chợ lịch sử.
Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời
Thân sau vạt trước nên lời nước non
(Văn Tiến Lê)
Đặc biệt, với chủ trương đẩy mạnh triển khai đề án Huế kinh đô áo dài Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và lãnh đạo một số sở ngành, đơn vị trên địa bàn đã luôn nêu gương khi mặc áo dài ngũ thân tham dự các lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và một số nghi lễ ngoại giao, tạo nên những hình ảnh rất đẹp và đầy bản sắc.
Cùng chung với Huế, trên phạm vi toàn quốc, phong trào phát triển áo dài truyền thống và phục hưng quốc phục cũng đang lan tỏa mạnh mẽ với vai trò của nhiều hội đoàn, tổ chức dân sự xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ. Thậm chí lãnh đạo một số địa phương như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hội An…đã mặc áo dài truyền thống (bao gồm cả áo dài nam và áo dài nữ) để tham gia các lễ hội, các sự kiện văn hóa do địa phương tổ chức.
Có thể nói đây là một sự “trở lại” rất ngoạn mục của bộ áo dài truyền thống, một thuở từng được xem là quốc phục Việt Nam.
Sự lan tỏa của áo dài truyền thống mà trọng tâm là áo ngũ thân với vai trò tiên phong của cố đô Huế đã trở thành một xu thế tất yếu khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, và đây chính là cơ hội cho công cuộc phục hưng Quốc phục của thế hệ chúng ta./.
P.T.H