Huyền Trân Công chúa là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, cùng với vua cha Trần Nhân Tông, là những danh nhân gắn liền với sự hình thành của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế.
Lễ hội đến Huyền Trân được tổ chức định kỳ hàng năm vào ngày mùng 8 &9 tháng Giêng – ngày giỗ của Huyền Trân Công chúa. Điều này thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi. Với hình thức sân khấu hóa, lễ hội đã tái hiện lại cuộc đời và hành trình “hy sinh” hạnh phúc riêng đi mở mang bờ cõi nước Đại Việt của công chúa Huyền Trân, người con gái của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Vào năm 1306, công chúa Huyền Trân được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân, đổi lại vùng đất sính lễ là 2 Châu Ô – Châu Rí, tức là từ tỉnh Quảng Trị cho đến đèo Hải Vân.
Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động tâm linh, như cầu nguyện “Quốc thái dân an”, dâng hương tưởng nhớ người công chúa đã có công mang lại vùng đất Thừa Thiên Huế hôm nay tại điện Huyền Trân Công chúa, đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông. Ngoài ra, du khách và người dân được thưởng thức các hoạt động như: trình diễn áo dài ngũ thân truyền thống, biểu diễn ca Huế, cho chữ đầu năm, ảo thuật, trình diễn Bài chòi, võ thuật…
Hơn cả một lễ hội thuần túy, lễ hội đền Huyền Trân công chúa cũng là dịp giáo dục truyền thống cho người dân, nhất là thế hệ trẻ về người đã có công mở mang bờ cõi, góp phần tạo dựng nên vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân địa linh nhân kiệt.
Lễ hội đền Huyền Trân – “Ngưỡng vọng tiền nhân” là hoạt động góp phần quảng bá đến du khách thập phương và quần chúng nhân dân những hình ảnh văn hóa, giá trị di sản văn hóa, một vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa của cả nước, thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Festival và cũng là điểm nhấn cho lễ hội mùa xuân trong Festival Huế 2023.
Một số hình ảnh tại Lễ Hội: