Theo tài liệu ghi lại, áo Nhật Bình là Triều phục dành cho cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai và là Thường phục của hoàng hậu, công chúa. Áo Nhật Bình có nguyên mẫu là dạng áo Phi Phong thời Minh, là loại áo xẻ cổ, có dạng đối khâm, cổ áo to bản tạo thành hình chữ nhật ở trước ngực, dưới ức có dải vải buộc hai vạt áo.
Do hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực người mặc, nên áo này gọi là áo Nhật Bình. Khắp thân áo trang trí theo thể thức hoa văn chính là dạng hình tròn khép kín, rải rác khắp áo đan xen với các hình phượng múa, hoa lá đính thêm các hạt tuyến lấp lánh. Ở tay áo đặc biệt có dải màu ngũ hành; lục, vàng, xanh, trắng, đỏ. Tuy nhiên quy chế tay dãy màu này lại không áp dụng trên loại áo Nhật Bình của bậc Hậu.
Áo dài ngũ thân được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, được xem là tiền thân áo dài ngày nay. Gọi là áo ngũ thân vì loại áo này được ghép bởi 5 vạt (5 thân) gồm 2 thân trước, 2 thân sau đối nhau ở trước ngực và sau lưng, thân thứ 5 ở phía trước nằm bên phải, trong thân thứ nhất.
Người Huế gọi là áo ngũ thân hay áo ngũ thể, với ý nghĩa tương truyền rằng, năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con. Áo ngũ thân cũng có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường (nhân – nghĩa – lễ – trí – tín), ngũ luân (quân thần: vua – tôi, phụ tử: cha – con, phu phụ: chồng – vợ, huynh đệ: anh – em, bằng hữu: bạn bè). Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý. Áo dài ngũ thân nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác vài đặc điểm, như: cổ áo nữ thấp hơn nam, ống tay áo nữ hẹp hơn ống tay áo nam, vạt áo nam dài hơn áo nữ.
Trước đây, nhiều bạn trẻ thường sử dụng các trang phục truyền thống đặc trưng của các nước như Kimono (Nhật Bản), Hanbok (Hàn Quốc) hay cổ phục Trung Hoa,… thì thời gian gần đây, nhiều nhóm các bạn trẻ chọn cho mình một bộ cổ phục Việt khi đi chụp ảnh nghệ thuật, chụp ảnh kỷ yếu,… Điều đặc biệt này không chỉ làm hồi sinh những trang phục lâu nay chỉ bắt gặp thấy qua sách báo, phim ảnh, mà còn góp phần không nhỏ lưu giữ những nét đẹp của văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.
Trò chuyện với em Nguyễn Thị Thu Hằng – sinh viên trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, chúng tôi được biết em là người mẫu ảnh. Thu Hằng rất thích mặc cổ phục, em bày tỏ: “Mặc cổ phục mang lại một cảm giác rất đặc biệt, chiếc áo dài Ngũ thân mang màu sắc dịu dàng, cùng miếng ngọc bội vô cùng ăn nhập tạo nên vẻ đẹp khác biệt. Mặc lên cổ phục không đơn thuần chỉ chụp ảnh cho đẹp mà em mong muốn mọi người giống như bản thân mình thêm yêu nét văn hóa truyền thống của Việt Nam và từ đó quảng bá những nét đẹp đó ra với thế giới.”
Thời gian gần đây, nhiều nhóm các bạn trẻ chọn cho mình một bộ cổ phục Việt khi đi chụp ảnh nghệ thuật, chụp ảnh kỷ yếu,…
Có không ít học sinh cuối cấp chọn cổ phục Việt là trang phục chính cho album ảnh kỷ yếu của mình bên cạnh đồng phục áo dài trắng. Hình ảnh cổ phục Việt cũng liên tục được chia sẻ trên nhiều diễn đàn nhiếp ảnh lớn nhỏ. Không khó để tìm thấy những bộ ảnh mà trong đó, các cô gái trong những bộ áo dài Ngũ thân đủ màu, vấn đội đầu, guốc mộc, vòng ngọc,… trở nên dịu dàng, đằm thắm như thiếu nữ thời xưa. Từng chụp nhiều bộ ảnh về cổ phục Việt, nữ nghệ sĩ Nhiếp ảnh Tôn Nữ Ngọc Mai chia sẻ: “Tôi rất vui khi giới trẻ chọn cổ phục, đón nhận cổ phục và từ đó mang lại cho người cầm máy nhiều cảm xúc khi chụp. Các bạn vẫn hồn nhiên, vẫn hoạt bát, năng động và vẫn giữ sự trẻ trung, duyên dáng trong từng góc ảnh.”
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Ngọc Mai cũng cho rằng khi chụp, mẫu cần tránh tóc nhuộm màu, trang điểm đậm,… bởi dù có xử lý hậu kỳ thì ảnh không đẹp, nhìn giả. Nên trang điểm nhẹ nhàng, tuân thủ đúng quy tắc khi phối trang sức, giày dép với cổ phục để có bộ ảnh đẹp, thỏa mãn nhu cầu của mọi người.
Nhiều bạn trẻ khi khoác trên mình bộ cổ phục đều cảm thấy rất đặc biệt và tự hào về mắt thẩm mỹ, sự sáng tạo của ông cha ngày xưa
Cũng cần nói thêm rằng việc thuê, mượn cổ phục cũng cần chú ý giữ gìn bởi những bộ cổ phục có giá thành khá cao so với trang phục thông thường vì sự tinh tế, tỉ mẩn trong từng đường kim mũi chỉ, trang trí họa tiết của người thợ. Kinh doanh cho thuê cổ phục, anh Thân Văn Nghĩa (phường Kim Long, TP Huế) chia sẻ: “Mình làm hướng dẫn viên du lịch nhưng có duyên gặp gỡ nhiều bạn trẻ mê áo dài và cổ phục. Khi được chia sẻ kiến thức cũng như niềm đam mê của họ mình cũng rất thích. Từ đó mình nghĩ nên làm dịch vụ cho thuê cổ phục để truyền cảm hứng cho mọi người nhất là lớp trẻ. Việc mang cổ phục có những điều cần lưu ý đó là phối màu phù hợp, nhất là khi chụp đôi. Đối với mình mọi sự kết hợp nếu mang lại giá trị thẩm mỹ đều được.”
Có thể nói, dù việc sử dụng cổ phục mới chỉ là một trào lưu trong giới trẻ nhưng đó là một xu hướng đáng mừng vì đã góp phần lan tỏa ý thức giữ gìn giá trị truyền thống trong cộng đồng. Nhiều bạn trẻ khi khoác trên mình bộ cổ phục đều cảm thấy rất đặc biệt và tự hào về mắt thẩm mỹ, sự sáng tạo của ông cha ngày xưa.
“Cổ phục Việt Nam không đơn thuần là trang phục mà còn giúp tôn lên vẻ đẹp thuần khiết, một cách để quảng bá nét văn hóa truyền thống nên người mặc cũng phải thể hiện khí chất, phong thái nhẹ nhàng trong từng cử chỉ của người Việt xưa”, Thu Hằng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, mạng xã hội với các nhóm chuyên bàn luận về cổ phục như Việt Nam Phong Hóa, Đại Việt Cổ Phong,… với số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn. Đây là những nhóm tập hợp các bạn trẻ yêu văn hóa cổ đã góp phần lan tỏa, tạo ảnh hưởng tích cực không nhỏ tới những người yêu cổ phục Việt.