Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.098.159
Truy cập hiện tại 159
Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020
Ngày cập nhật 24/03/2021

Chiều ngày 18/3, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ. Đây là Hội nghị lớn của Chính phủ với tất cả các bộ, ngành, địa phương nhằm đánh toàn diện công tác CCHC giai đoạn 2011-2020 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và lãnh đạo các Sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.

Sau khi Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 được ban hành, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hằng năm, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã đề ra các chương trình, kế hoạch CCHC mang tính toàn diện, đồng bộ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch CCHC một cách thiết thực, cụ thể, phù hợp với Chương trình tổng thể và thực tiễn của các bộ, tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành, địa phương xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, các bộ, ngành đã có khoảng 461 mô hình, sáng kiến CCHC; các tỉnh có khoảng 6.124 mô hình, sáng kiến CCHC, trung bình mỗi năm, mỗi tỉnh có hơn 16 mô hình, sáng kiến. Nhìn chung, đa số các mô hình, sáng kiến CCHC đã được triển khai, nhân rộng trong phạm vi của từng tỉnh, ngoài ra, cũng có nhiều mô hình, sáng kiến đã được các tỉnh tham khảo, áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mình.

Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ CCHC tại các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Từ năm 2016 đến nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã kiểm tra hoặc kết hợp nội dung CCHC tại 3 bộ, 18 tỉnh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ tại 11 bộ, 22 tỉnh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ-Phó Trưởng ban Chỉ đạo kiểm tra CCHC tại 7 bộ, 12 tỉnh. Bộ Nội vụ và các thành viên Ban Chỉ đạo tại một số bộ, ngành cũng tổ chức các đoàn kiểm tra CCHC theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành CCHC, tạo động lực cải cách mạnh mẽ và lan tỏa trong toàn hệ thống, tạo được niềm tin cho xã hội, người dân, doanh nghiệp. Các thể chế, văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm của việc đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CCHC với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính.

Từ năm 2012 đến nay, việc đổi mới công tác theo dõi, đánh giá dựa trên kết quả và tác động của CCHC đã được triển khai một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Việc công bố Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được tiến hành hằng năm, trở thành một công cụ tốt trong quản lý CCHC, được nhân rộng trong hệ thống cơ quan hành chính các cấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại Hội nghị trực tuyến

Tham luận tại hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 về chủ đề “Những kết quả bước đầu của việc xây dựng đô thị thông minh; những nhiệm vụ tiếp theo cho giai đoạn 2021 - 2030”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, Là một trong những địa phương tiên phong trong thực hiện CCHC gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng một chính quyền phục vụ, một đô thị thông minh, trở thành đơn vị dẫn đầu toàn quốc về phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh. Mang những ứng dụng thông minh vào quản lý để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhưng cũng phải nâng cao giá trị di sản lịch sử, văn hóa của vùng đất Huế.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh đã kết nối thông tin và cung cấp dịch vụ, hỗ trợ nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đến nay, Trung tâm đã triển khai được gần 20 dịch vụ. Đặc biệt Hue-S, một ứng dụng trên nền tảng di dộng, hình thức được xem là phổ biến nhất hiện nay đã được triển khai và được người dân tham gia hưởng ứng rất tích cực; với gần 16 dịch vụ được cung cấp trên Hue-S bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cũng như hình thành thói quen sử dịch dịch vụ trên nền tảng số trong cộng đồng xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, nổi bật nhất là dịch vụ Phản ánh hiện trường, một kênh thông tin công khai, minh bạch giúp cho người dân phản ánh những vấn đề bất cập trong xã hội, qua đó hỗ trợ cho cơ quan nhà nước nắm rõ thực trạng, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng đề ra; dịch vụ phản ánh hiện trường cũng góp phần thúc đẩy phát triển chương trình “Chủ nhật Xanh” do Chủ tịch UBND tỉnh phát động qua đó góp phần thúc đẩy hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế Xanh - Sạch - Sáng. Ngoài ra, năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ thông tin, góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh covid-19, phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống bão lụt vừa qua.

Trong thời gian tới, mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế là phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực. Do vậy, các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hoạt động tham mưu và tổ chức thực hiện các giải pháp. Trong đó phải không ngừng nâng cao nhận thức và vai trò của người đứng đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị mình, từng bước triển khai chuyển đổi số trong phạm vi của đơn vị. Tạo dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, đơn giản hóa TTHC thông qua ứng dụng CNTT, hướng tới môi trường “Làm việc không giấy tờ; họp hành không tập trung; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc; thanh toán không dùng tiền mặt”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dịch vụ đô thị thông minh đi vào thực chất, lấy người dân là trung tâm phục vụ và lấy sự tin tưởng, tham gia của người dân là thước đo hiệu quả của hệ thống. Tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và nhất là sự góp ý, hiến kế của cộng đồng người dân để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với phát triển mạnh mẽ “Dịch vụ đô thị thông minh”, hướng tới chính quyền số; lấy người dân và doanh nghiệp làm Trung tâm, vừa là người thụ hưởng, vừa là đối tượng đóng góp nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây là mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng chính quyền điện tử, phát triển thành phố thông minh của tỉnh. Mô hình đô thị thông minh mà tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn hướng tới phải mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân và doanh nghiệp.

Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc luật dễ hiểu, dễ vận dụng, 1 luật cố gắng có 2 nghị định là nhiều nhất, 1 nghị định có không quá 1 thông tư và ban hành 1 văn bản thì phải hủy văn bản cũ; không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật.

Những thể chế này tận dụng tối đa, hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế - xã hội cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước.

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, “làm sao việc giải quyết thủ tục của cơ quan Nhà nước ít tiếp xúc với người được giải quyết công việc để chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu”.

Nguồn: CTTĐT tỉnh (MH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.