Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.098.800
Truy cập hiện tại 247
Đầu tư thiết chế văn hóa tương xứng vị thế vùng đất
Ngày cập nhật 09/09/2020

Là vùng đất văn hóa nhưng hệ thống thiết chế văn hóa của Thừa Thiên Huế khá cũ kỹ, lạc hậu. Để phát triển dựa trên nền tảng văn hóa di sản, các thiết chế văn hóa cần được đầu tư tương xứng với vị thế vùng đất.

Bức tranh buồn

Thiếu không gian biểu diễn, Huế từng bỏ qua nhiều cơ hội tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật (Ảnh minh họa)

Cách đây gần 10 năm, Huế là một trong 4 thành phố được chọn là điểm lưu diễn của chương trình hòa nhạc Toyota xuyên Việt, được trình diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng danh tiếng người Nhật Honna Tetsuji. Thế nhưng, loại hình âm nhạc bác học với những yêu cầu cao về không gian biểu diễn khiến cho Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh) không tương xứng để biểu diễn giao hưởng thính phòng.

Được xây dựng từ năm 1977, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh nay đã cũ kỹ và lạc hậu. Mỗi khi tổ chức các sự kiện lớn, trung tâm phải đầu tư sửa sang không ít, nhưng… cũ vẫn hoàn cũ. Những tính năng hiện đại cơ bản nhất của một trung tâm văn hóa hầu như chưa thể đáp ứng. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế cũng được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nhiều hạng mục nay xuống cấp, hư hỏng, phải chống thấm dột, chống mối nhiều lần. Dẫu đã được chỉnh trang, nâng cấp, sửa chữa nhưng sự đầu tư ấy không thấm vào đâu.

Cũng vì thiếu thiết chế, Huế đành bỏ qua nhiều cơ hội. Năm 2016, dự kiến nơi diễn ra Hội nghị Di sản thế giới của UNESCO sẽ là Huế, nhưng vì không thể có địa điểm tổ chức hội thảo cho trên 1.000 người nên đành bỏ qua cơ hội lớn. Trong khi đó, Huế xác định là một trong những điểm đến phát triển du lịch MICE nhưng lại không có thiết chế để khai thác. Một nhà hát để tổ chức các sự kiện âm nhạc đẳng cấp cũng gần như không thể. May mắn là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đầu tư xây dựng Nhà hát Sông Hương, nhưng nó là nhà hát chuyên ngành thuộc Học viện Âm nhạc Huế.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, từ sau ngày giải phóng, Thừa Thiên Huế gần như chưa có đầu tư lớn cho các thiết chế văn hóa ngoài Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Là một vùng đất văn hóa nhưng Huế quá thiếu thiết chế văn hóa: hệ thống nhà hát, thư viện, bảo tàng chưa tương xứng với vị thế của vùng đất.

Ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh, các bảo tàng công lập khác đều ở tạm trong các công trình. Trong khi đó, Thừa Thiên Huế đang lưu giữ số lượng lớn hiện vật, cổ vật quý giá nhưng chưa có cơ hội để khai thác, phát huy giá trị. Thư viện Tổng hợp tỉnh được xây dựng cách đây 15 năm nhưng quy mô rất nhỏ, giờ cũng lạc hậu và cũ kỹ... Ca Huế vốn là di sản rất quý nhưng ngoài ca Huế trên sông Hương, vẫn chưa có không gian để khai thác ca Huế thính phòng quý tộc đúng môi trường như ngày xưa. Một vùng đất nổi tiếng về văn hóa mà không có các thiết chế văn hóa tiêu biểu thì không thể nào khai thác tốt các giá trị văn hóa.

Ưu tiên đầu tư

Huế là vùng đất di sản, thế mạnh để phát triển cũng dựa trên nền tảng di sản văn hóa. Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Để làm được điều đó, phải có các thiết chế văn hóa để khai thác, phát huy giá trị. Vì thế, cấp thiết phải có chiến lược đầu tư cho văn hóa, đầu tư xứng đáng để có hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại; đưa Huế trở thành nơi khai thác tốt các giá trị di sản, tiềm năng văn hóa, nơi tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, nghệ thuật. Có như vậy, Huế mới trở thành một trung tâm văn hóa xứng tầm với vị thế vùng đất.

TS. Phan Thanh Hải cho rằng: “10 năm tới là khoảng thời gian chúng ta phải đầu tư rất nhiều thiết chế văn hóa. Một trung tâm văn hóa, trung tâm hội nghị quốc tế tương xứng; nhà hát cũng phải thật đẹp; bảo tàng, thư viện cũng là những nơi hấp dẫn có thể thu hút khách tham quan. Chúng ta muốn tổ chức các sự kiện văn hóa mang tầm thế giới thì phải có thiết chế văn hóa tương xứng”.

Có các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng thật đẹp, trang trọng là tâm tư, nguyện vọng của nhiều thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ. Nhiều người tỏ ra lo lắng khi trong quy hoạch sắp tới, cả Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Thư viện Tổng hợp sẽ dời đi địa điểm khác. Nhà thơ Võ Quê bày tỏ: “Các thiết chế văn hóa quan trọng như trung tâm văn hóa, thư viện cần phải được đặt ở vị trí trung tâm, được đầu tư xây dựng thật quy mô, xứng tầm”.

TS. Phan Thanh Hải đề xuất: “Chúng tôi mong trong quy hoạch tương lai, tỉnh ưu tiên đầu tư cho các thiết chế văn hóa. Những công trình này phải được đặt ở những vị trí đẹp nhất, có thể đầu tư từng bước nhưng quy mô đầu tư xây dựng phải hướng đến tầm nhìn lâu dài 50-100 năm, khi Huế sẽ là một trung tâm văn hóa lớn, không chỉ ở khu vực mà cả châu Á và thế giới. Điều này cũng tương đồng với cách làm của những thành phố văn minh lớn trên thế giới: trân trọng dành cho các thiết chế văn hóa những vị trí đẹp nhất và công trình kiến trúc, cảnh quan phải là một tác phẩm nghệ thuật”.

Nguồn Báo Thừa Thiên Huế (MH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.