Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.092.640
Truy cập hiện tại 104
Lịch sử hình thành và phát triển của Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 23/03/2014

Là một đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, từ khi được thành lập, trải qua nhiều tên gọi khác nhau, Trung tâm Văn hóa Thông tin đã trở thành một thiết chế văn hóa quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế - vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Không chỉ là là nơi diễn ra các chương trình nghệ thuật, là địa điểm sinh hoạt văn hóa của người dân cố đô, Trung tâm Văn hóa Thông tin còn là nơi diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh và của đất nước. 

Thừa Thiên Huế là một vùng đất văn hóa, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới triều đại phong kiến Nhà Nguyễn. Và khi nói đến văn hóa Thừa Thiên Huế là nói đến vùng văn hóa Huế, vùng văn hóa độc đáo và đặc trưng của miền Trung và cả nước. Ngày nay,  với vị trí hết sức đặc biệt của mình Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và du lịch lớn của cả nước. Cho nên việc hình thành các Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa ... nhằm bảo tồn, phát huy, quảng bá văn hóa, phục vụ nhu cầu thụ hưởng và sáng tạo văn hóa của nhân dân là một yêu cầu tất yếu. Trong bối cảnh đó, Nhà hát lớn (nay là Trung tâm Văn hóa Thông tin) đã được hình thành, phát triển. Để có được vị trí như ngày hôm nay, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đã trải qua  chặng đường 34 năm gắn liền với sự phát triển kinh tế, xã hội của 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên, mà sau này là tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1978 - 1979, Nhà hát lớn được khởi công xây dựng và  hoàn thành vào cuối năm 1980 với chức năng ban đầu là hội trường kiêm Nhà hát lớn của tỉnh Bình Trị Thiên  phục vụ các cuộc hội họp và mitting lớn.

Để phù hợp với sự phân chia địa giới hành chính của Đảng và Nhà nước, từ tháng 10 năm 1983 đến tháng 8 năm 1989 Nhà hát lớn được đổi tên thành Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Bình Trị Thiên với 47 cán bộ, viên chức công tác. Đến tháng 9 năm 1989 do quá trình phân chia lại địa giới hành chính tỉnh Bình Trị  Thiên tiến hành tách thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, vì vậy Nhà Văn hóa Trung tâm  tỉnh Bình Trị Thiên được đổi tên thành Trung tâm Hướng nghiệp Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (với 13 cán bộ công tác).
Do tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, với yêu cầu, nhiệm vụ mới của ngành văn hóa thông tin, từ tháng 3 năm 1995 đến tháng 11 năm 1999 Trung tâm Hướng nghiệp Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên thành Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong thời gian này, Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tích quan trọng góp phần không nhỏ cho thành tích chung của ngành văn hóa thông tin nói chung, đồng thời để lại những dấu ấn đậm nét trong chặng đường phát triển của Trung tâm Văn hóa Thông tin hiện nay. 
Nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động cũng như đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng như sự phát triển văn hóa và hội nhập văn hóa thông tin của đất nước. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định số 2961/QĐ-UBND ngày 23/12/1999 Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh được đổi tên thành Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng với quyết định đó, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đã quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Văn hóa Thông tin nhằm phát huy tốt đa chức năng của một thiết chế văn hóa cấp tỉnh. Nhiều hoạt động văn hóa - thông tin, kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng và dân tộc được tổ chức, bộ mặt văn hóa của tỉnh nhà khởi sắc, chuyển biến đồng đều, tích cực theo hướng mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đề ra.  
Năm 2009, trên cơ sở thông tư số  03 /2009/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 8 năm 2009 của Bộ VHTTDL về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức  của Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định thành lập và giữ nguyên tên của Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế tại quyết định số 2393/QĐ - UBND ngày 20 tháng 10 năm 2008 cho đến nay. Tuy nhiên, ngoài quy định chung, thống nhất trên toàn quốc đối với Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh, riêng đối với Thừa Thiên Huế chức năng thông tin trong văn hóa vẫn giữ nguyên đối với Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh do đặc trưng văn hóa và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Chính vì vậy, hiện nay trên cả nước chỉ duy nhất tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn duy trì tên gọi Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế.
Là một cơ quan sự nghiệp về văn hóa thông tin, nằm trong hệ thống thiết chế văn hóa thông tin từ Trung ương đến cơ sở, chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Sở Văn hóa và Thể thao và chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ của Cục Văn hóa cơ sở. Trải qua chặng đường 38 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Văn hóa Thông tin đã qua nhiều lần đổi tên và thiết lập tổ chức bộ máy cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở và sự phối hợp, giúp đỡ của các phòng Văn hóa Thông tin  các huyện, thành phố, thị xã ... Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đã không ngừng sáng tạo, phát huy nội lực, đoàn kết một lòng phấn đấu thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực hoạt động thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin truyên truyền cổ động triển lãm, văn hóa văn nghệ, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ... trong đó các hoạt động đã được tổ chức thành công để lại những dấu ấn đậm nét, khẳng định vị thế của một Trung tâm Văn hóa Thông tin cấp tỉnh, tiêu biểu là: phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế qua các nhiệm kỳ,  40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị giao lưu Việt - Pháp năm, kỷ niệm “50 năm kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn - là cây một cội và con một nhà”, kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Lào,  Liên hoan phim Anh, Đức, Lễ trao tặng 150 bức thư Pháp “Nhật ký trong tù”, Triển lãm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Triển lãm “Biên giới và Biển đảo Việt Nam” Liên hoan NTQC toàn tỉnh lần thứ IX, Làng vui chơi, làng ca hát, tuyên truyền cổ động bầu cử Quốc hội khóa XI, Liên hoan Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 50 năm Ngày mờ đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, chương trình ca nhạc “Tình Huế”, “Những bài ca đi cùng năm tháng”, "Khúc Tình Huế", Triển lãm “Thừa Thiên Huế - tiềm năng, triển vọng phát triển” kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam 2/9 tại Hà Nội; trang trí khánh tiết Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế tại sân vận động Tự Do Huế, các liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật khu vực và toàn quốc; Xây dựng, duy trì, đổi mới nội dung hoạt động hệ thống các Câu lạc bộ tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh để nghiên cứu, tìm ra giải pháp, kinh nghiệm triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh. Đổi mới, nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó tổ chức thành công lễ hội Đền Huyền Trân - Xuân Đinh Dậu “Ngưỡng vọng tiền nhân” với quy mô lớn nhất trong các kỳ tổ chức. Tiếp nhận và quản lý hiệu quả Trung tâm Văn hóa Huyền Trân cũng như kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với phát triển du lịch. Đặc biệt, đơn vị thường xuyên đổi mới công tác hướng dẫn, chỉ đạo và triển khai công tác tuyên truyền, cổ động triển lãm và đưa hoạt động này ngày càng chuyên nghiệp và có sức lan tỏa rất tích cực... 
Với những thành tựu to lớn đã đạt được kể từ ngày thành lập, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều phần thưởng cao quý như: 03 năm liền đơn vị được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” và nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, Giấy khen của Cục Văn hóa cơ sở, Sở Văn hóa và Thể thao...  Đơn vị đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng“Huân chương Lao động hạng Ba”, đây là sự ghi nhận của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho quá trình cố gắng, nỗ lực không ngừng của Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh trong những năm qua. 
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh nhà. Trong thời gian tới, nhiều công việc đang đặt ra, đòi hỏi sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo và CBVC của Trung tâm Văn hóa Thông tin trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. 
Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế
Xem tin theo ngày  

 

.
.