* Kết nối tinh hoa giá trị của dân ca 3 miền
Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền năm nay quy tụ khoảng 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, đến từ 29 đoàn nghệ thuật quần chúng thuộc Trung tâm Văn hóa; Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật; Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh; Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Triển lãm các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tiết mục Nhớ mãi ơn Người, Đoàn NTQC tỉnh TT Huế
Với ý nghĩa của mình, Hội diễn nhằm phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân, tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng văn hóa của người dân và các dân tộc, góp phần phát triển phong trào văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đồng thời, là dịp để giới thiệu, quảng bá những tinh hoa, giá trị văn hóa nghệ thuật của những làn điệu dân ca, ca dao, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của các vùng, miền, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, âm nhạc dân tộc Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ diễn viên 3 miền được gặp gỡ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của nhau, từ đó sẽ phát hiện thêm các tài năng nghệ thuật giúp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những chiến lược phát triển mới.
Xuyên suốt Hội diễn là những đêm hội của âm thanh và ánh sáng, thể hiện sức sáng tạo không giới hạn của các nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ trên nền tảng cốt lõi là các giá trị di sản dân ca. Thông qua chương trình nghệ thuật tham gia của các đơn vị, khán giả và du khách cả nước có cái nhìn mới về dân ca hôm nay, một loại hình dân ca truyền thống, có sức sống bền bỉ, mãnh liệt, khởi nguồn từ lao động, lặng lẽ thấm đẫm và lan toả mạnh mẽ trong đời sống đương đại.
Lễ Bế mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ tĩnh và Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền
NSND Phạm Ngọc Khôi, trưởng ban giám khảo nhận định, “Tất cả những tinh hoa của cha ông từ miền núi tây Bắc cho đến tây Nam Bộ đã hội tụ về vùng quê xứ Nghệ - mảnh đất địa linh nhân kiệt tạo nên bản hòa ca đa sắc màu, lung linh tại Hội diễn lần này. Các đơn vị đã chắt lọc tinh hoa để sáng tạo, dàn dựng, trình diễn những tiết mục mang phong cách mới, vừa thấm đẫm truyền thống, vừa phù hợp với đời sống hiện nay. Đây chính là công sức, trí tuệ của những người biên tập chương trình đã góp phần để lại trong chiều sâu suy nghĩ của mỗi khán giả cảm nhận vẻ đẹp dân ca, môi trường nuôi dưỡng, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc”.
Hội diễn chính là “bà đỡ” cần thiết, để khơi dậy, phát huy những giá trị, tinh hoa của các loại hình nghệ thuật qua những làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống trên khắp mọi miền tổ quốc trước những thách thức to lớn, sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của nền văn hóa ngoại lai, đặc biệt, âm nhạc trở nên đa sắc màu đã làm cho dòng nhạc dân gian truyền thống bị ảnh hưởng, phôi phai. Để những lời ca dung dị, làn điệu ngọt ngào, âm điệu trầm bổng, quyến rũ, thẩm thấu tạo nên thế giới tinh thần, là thông điệp xã hội sâu sắc được gửi gắm vào các làn điệu dân ca được truyền qua nhiều thế hệ, tạo nên nhân cách con người Việt Nam, là một phần hồn quê, dáng quê đất Việt.
* Đổi mới, sáng tạo trên nền các giá trị truyền thống.
Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền được tổ chức 3 năm 1 lần nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Qua 4 lần Hội diễn, nghệ sĩ, nghệ nhân, các nghệ nhân quần chúng, các đơn vị đã say mê, sưu tầm, sáng tạo và từng bước làm sống dậy nhiều làn điệu dân ca, dân vũ có nguy cơ thất truyền.
Tiết mục hòa tấu "Ngày hội non sông" Đoàn NTQC tỉnh TT Huế
Các đơn vị đã đem đến Hội diễn những thông điệp nhân văn, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, truyền thống gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc, phản ánh sự đổi thay, những thành tựu của đất nước trên bước đường xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn chung các Đoàn Nghệ thuật quần chúng đã bám sát mục đích, yêu cầu quy chế của Ban tổ chức đề ra để xây dựng chương trình, tiết mục tham dự Hội diễn đảm bảo về nội dung, phong phú về hình thức và chất lượng nghệ thuật. Kết cấu chương trình chặt chẽ, dàn dựng công phu, hoành tráng, sôi động nhưng vẫn giữ được bản sắc vùng miền, đảm bảo được tính nguyên gốc của bài dân ca cũng như nhạc cổ. Hội diễn lần này đa số các đoàn sử dụng những bài dân ca nguyên bản; có tiết mục đặt lời mới mang đậm âm hưởng vùng miền, có tiết mục ca có kết hợp với múa phụ họa được dàn dựng sinh động, xử lý công nghệ ánh sáng, âm thanh, Mapping rất hiệu quả mang lại cảm xúc hiệu ứng lớn cho khán giả. Các tiết mục hòa tấu, độc tấu, âm nhạc chủ yếu là dân ca và nhạc cổ, các nhạc công hòa âm tốt, biết cách phát huy tính năng từng nhạc cụ (tranh, sáo, bầu, nguyệt, tính,…) Đặc biệt có một số đoàn Miền Trung, Tây Nguyên kết hợp tốt giữa cồng chiêng, đàn Tơ rưng, trống cùng với múa phụ họa tạo nên âm sắc của đại ngàn hùng vĩ.
Trong các buổi thi năm nay đã có nhiều tiết mục độc tấu điêu luyện, chuyên nghiệp, sáng tạo trong cách dàn dựng thể hiện cao về trình độ âm nhạc dân gian. Ban Giám khảo cho rằng đây là minh chứng sinh động cho các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, giá trị tinh hoa của dân ca đã được nghệ sỹ trẻ tiếp nối.
Có thể nói các tác phẩm dự thi lần này cho dù được trình diễn bằng bất cứ loại hình nghệ thuật nào, mức độ thành công đến đâu, cũng đều bắt nguồn từ sự xúc động sâu sắc, từ những rung cảm tinh tế của những trái tim đa cảm, cộng với sự tri ân không giới hạn của các bậc tiền nhân đã chắt chiu để lại, ẩn chứa sâu thẳm trong đó tiếng nói của lương tâm, của tình yêu xứ sở, toát lên âm hưởng giao hòa giữa vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên với những đổi thay từng ngày qua mỗi góc phố, đường quê trên bước đường dựng xây cuộc sống mới, gắn kết đậm đà với gốc văn hóa mang bản sắc riêng có của mỗi tỉnh thành về tham dự Hội diễn.
Những thanh âm ngọt ngào, nồng ấm để lại trong lòng mỗi người về một kỳ Hội diễn rất thành công, là động lực để mỗi người dân tự hào về nguồn cội. Đồng thời, nhắc nhở mỗi chúng ta phải có trách nhiệm hơn trong việc đào tạo, bồi dưỡng để các giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống của quê hương đất nước không bị mai một mà ngày càng tỏa sáng, lan tỏa phát triển mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, hội nhập phát triển văn hóa con người Việt Nam.