Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.092.854
Truy cập hiện tại 140
Sôi động các hoạt động văn hóa văn nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 22/02/2023
Chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân tại TTVHTT tp Huế

“Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở” là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động và triển khai mạnh mẽ từ năm 2022 trên toàn quốc. Tại Thừa Thiên Huế ngay những ngày đầu xuân mới, hoạt động văn hóa văn nghệ đã diễn ra hết sức sôi động, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, trở thành "món ăn" tinh thần bổ ích, lành mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Hội bài chòi

* Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy phát triển văn hóa – xã hội.
Trong không khí hòa ca của đất trời, lòng người hân hoan đón chào một mùa xuân mới với nhưng ước vọng cho một năm mới bình yên, hạnh phúc. Với bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy, là nền tảng quan trọng trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
 
Được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao, hướng dẫn nghiệp vụ của Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, hệ thống các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật “Mừng Đảng, mừng Xuân” với nhiều hình thức phong phú, quy mô, chất lượng nghệ thuật được nâng cao, thể hiện sự đầu tư về kinh phí, con người, cơ sở vật chất … nhiều tiết mục ca ngợi Đảng, đất nước đã được làm mới tạo nên các chương trình nghệ thuật vừa đảm bảo nền tảng tư tưởng vừa phù hợp với cảm thụ âm nhạc của phần đông khán giả nên thu hút một lượng lớn người dân tại các địa phương tham gia, hưởng ứng.
 
Đua trãi trên phá Tam Giang
 
Các hoạt động lễ hội đã được tổ chức an toàn, chu đáo, đảm bảo tính trang nghiêm, đầy đủ nghi lễ truyền thống như: Lễ hội Vật làng Sình, lễ hội Vật Thủ Lễ, Lễ hội Đền Huyền Trân Công chúa, lễ hội “Chợ quê ngày hội”, đặc biệt là lễ hội Cầu Ngư làng Thai Dương, phường Thuận An, thành phố Huế có lịch sử hơn 500 năm. Năm nay, theo phong tục “tam niên đáo lệ” (ba năm một lần tổ chức hội lớn), bởi ba năm trước đó lễ hội truyền thống này không thể tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19. Với hình thức tổ chức quy cũ, nề nếp, tôn trọng các giá trị truyền thống nhưng mang hơi thở của cuộc sống đương đại, kết hợp hài hòa giữa phần lễ và phần hội đem đến cho người dân không khí vui tươi, sôi động và hết sức lành mạnh, văn minh. Thông qua việc tham gia các lễ hội giúp người dân hiểu, gắn kết cộng đồng, tinh thần hòa hợp và niềm tin tâm linh gắn với tín ngưỡng, nơi biểu hiện mạnh mẽ với ý thức về tinh thần đoàn kết, để mọi người trong cộng đồng hướng về cội nguồn lịch sử, văn hóa truyền thống, tổ tiên, thể hiện vai trò giáo dục về nhân cách, đạo đức, tâm hồn và truyền thống văn hóa dân tộc.
Cùng với đó, nhiều đơn vị, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động đa dạng như: Lễ hội bài chòi, múa lân sư rồng, Đêm thơ Nguyên tiêu “Nhịp điệu mới” của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Quảng Điền, thị xã Hương Thủy; các giải thi đấu cờ tướng mừng Đảng, mừng Xuân của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Phong Điền; giải chạy Huế Jogging Day với chủ đề “Xuân yêu thương” với sự tham gia của 5.000 người tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện A Lưới tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ “Tiễn bạn lên đường nhập ngũ”, Tuần phim Mừng Đảng, mừng Xuân của Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh … tất cả tạo nên không khí sắc xuân, người dân ngập tràn hạnh phúc, vui tươi.
 
* Quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng phong trào
Với những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh là những tín hiệu lạc quan cho thấy phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn tỉnh đã phục hồi và tiếp tục đi vào chiều sâu sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19. Nhưng cũng cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo một số cấp ủy, chính quyền tại các địa phương. Nếu như trước đây ở huyện Phú Lộc, Phú Vang hoạt động văn nghệ rất ít tổ chức hoặc tổ chức các chương trình nhỏ mang tính cổ động ở quy mô cấp xã, thì nay đã có sự đột phá từ quy mô tổ chức cho đến chất lượng nghệ thuật. Ngoài ra, một số địa phương đã chủ động trong việc tìm tòi, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương phục vụ nhu cầu của người dân và du khách trong những ngày đầu xuân như: Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: Hội bài chòi, bịt mắt đập om, hát ca Huế, lễ hội đua trãi… nhằm làm phong phú, đa dang các hình thức tổ chức và thêm nhiều lựa chọn về sự thụ hưởng văn hóa cho người dân.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động văn nghệ quần chúng tại cơ sở cũng đối mặt với một số khó khăn như: Nguồn kinh phí eo hẹp, cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn, hoạt động văn nghệ quần chúng nhiều nơi còn kém chất lượng, chưa thu hút sự quan tâm của nhân dân, một phần do cán bộ phụ trách văn hóa cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn....
Để nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương, thông qua việc ban hành các nghị quyết chuyên đề hoặc kết luận của cấp ủy về công tác văn hóa, văn nghệ. Đồng thời thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác văn hóa, văn nghệ.
Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nghiên cứu cơ chế khuyến khích để các CLB, tổ, đội nhóm văn hóa, văn nghệ hoạt động ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có cơ chế khuyến khích các nghệ nhân dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Hệ thống các TTVH, NVH các cấp, đặc biệt là cấp huyện tăng cường vai trò định hướng cụ thể, xây dựng chương trình hoạt động phù hợp với nhu cầu của người dân và đặc thù tại mỗi địa phương.
 
Có thể khẳng định rằng, phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế về cơ bản đã thể hiện được vai trò của mình về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Kết nối – lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại trong sự hòa hợp, sự đón nhận, sự hưởng ứng của người dân, làm nên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Qua đó, thúc đẩy các phong trào thi đua trong các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh ngay trong những ngày đầu xuân.
 
Bài và ảnh Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.