Với sự tham gia hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của 23 đơn vị đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước; hội diễn là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, bảo tồn những giá trị tinh hoa của các loại hình văn hóa nghệ thuật qua những làn điệu dân ca, ca dao, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống của các vùng miền gắn với đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân.
Tiết mục Chầu văn: 11 cô gái Sông Hương anh hùng ( Đơn vị Trung tâm VHĐA TT Huế)
Đồng thời, đây là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, cán bộ làm công tác văn hóa văn nghệ trên cả nước được học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở; góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị âm nhạc dân tộc truyền thống trên khắp mọi miền đất nước.
Hội diễn lần này ghi nhận 130 tiết mục dự thi qua hình thức ghi âm ghi hình của 23 đơn vị tỉnh, thành trong cả nước. Nội dung các tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động, truyền thống đạo lý dân tộc, ca ngợi công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Qua đó cho thấy, dân ca Việt Nam là kho tàng vô giá, rộng lớn, phong phú, gắn liền với đời sống sản suất, có sức sống bền lâu, thấm sâu trong đời sống nhân dân. Những làn điệu dân ca đặc sắc đại diện cho các vùng miền, với những giai điệu, lời ca tiếng đàn thấm đượm bản sắc tâm hồn Việt, cốt cách Việt đã mang đến nhiều cảm xúc và niềm tự hào cho người xem.
Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Công Trung - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã nêu rõ: Trong khó khăn dịch bệnh, hội diễn qua hình thức băng đĩa hình là một cách thích ứng linh hoạt, cũng là minh chứng cho những nỗ lực tột bậc và quyết tâm cháy bỏng nhằm lưu giữ hồn cốt dân tộc. Mỗi một tiết mục được trình diễn dù bằng hình thức nào, sự thành công đến đâu, sức lay động trái tim người nghe ra sao thì dường như cả người biểu diễn và người thưởng thức đều có chung cảm nhận: Chúng ta đang đắm chìm trong một không gian đầy ắp vẻ đẹp của nghệ thuật hát, múa, phong phú và đa dạng, chan hòa tình nồng ấm của người nông dân Việt Nam, thủy chung son sắt, đầm ấm tình người, thấu đậm triết lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền không chỉ thể hiện trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ mà chứa đựng sâu thẳm trong đó tiếng nói trái tim, tình yêu quê hương trong thời đại mới. Cho dù cuộc sống thay đổi từng ngày từng giờ, nhưng đến đâu ta cũng bắt gặp diện mạo trù phú của làng quê với bao tình cảm thân thương gần gũi”.
Chúc mừng công sức, nỗ lực của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đã tham gia biểu diễn, cống hiến hết mình để có những chương trình hay, những tiết mục đặc sắc, ông Trung khẳng định, thành công của hội diễn chính là sự thích ứng với mọi hoàn cảnh. Thánh đường nghệ thuật giờ đây không còn bó hẹp bởi mấy chục mét vuông sân khấu mà còn được trợ giúp bằng một phương tiện khác là ghi âm, ghi hình, một thành tựu công nghệ 4.0. Đây chưa phải là cách làm hay nhất nhưng chắc chắn là cách làm phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại.
“Mỗi một tiết mục được trình diễn dù bằng hình thức nào, sự thành công đến đâu, sức lay động trái tim người nghe ra sao…, thì dường như cả người biểu diễn người thưởng thức đều có chung cảm nhận: Chúng ta đang chìm đắm trong một không gian đầy ắp vẻ đẹp của nghệ thuật hát, múa, phong phú và đa dạng, chan hòa tính nồng ấm của người nông dân Việt Nam thủy chung son sắt, đằm thắm tình người, thấu đậm triết lý: ăn quả nhớ kẻ trồng cây…”, trưởng BGK nhận định.
Từ 6 năm qua, Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền được tổ chức 3 năm 1 lần nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Qua 3 lần Hội diễn, nghệ sĩ, nghệ nhân, các nghệ nhân quần chúng, các đơn vị đã say mê, sưu tầm, sáng tạo và từng bước làm sống dậy nhiều làn điệu dân ca, dân vũ có nguy cơ thất truyền.
Ban tổ chức đã trao 9 Huy chương Vàng cho chương trình tham dự hội diễn của 9 đơn vị tỉnh, thành gồm: An Giang, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hải Dương, Nam Định; 14 Huy chương Bạc cho chương trình tham dự liên hoan đến từ các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Bến Tre, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Ninh, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng.
Ngoài ra, BTC cũng trao các Huy chương Vàng, Bạc cho 69 tiết mục xuất sắc; trong đó gồm 23 Huy chương Vàng, 46 Huy chương Bạc.
Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia Hội diễn đạt 01 Huy chương vàng, 03 huy chương bạc.
10 tiết mục xuất sắc của 9 đơn vị được chọn công diễn tại lễ bế mạc là những làn điệu dân ca đặc sắc đại diện cho các vùng miền, từng lời ca tiếng đàn thấm đượm nghĩa tình, mang đậm tâm hồn Việt, cốt cách Việt, khơi dậy xúc cảm, niềm tự hào cho người xem.