Tham dự Hội diễn và triển lãm tranh cổ động lần này là lực lượng của hơn 1.000 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công các Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh đến từ 24 tỉnh, thành phố, gồm: An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Phước, Gia Lai, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Hưng Yên, Khánh Hoà, Lào Cai, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Sơn La, Yên Bái, Tây Ninh, Thanh Hoá và đoàn chủ nhà Quảng Ninh.
Tiết mục Chầu văn "Hát về đất nước" của Đoàn Thừa Thiên Huế
Phát biểu tại Lễ khai mạc đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh “Hội diễn hướng tới mục đích làm sống dậy nhiều làn điệu dân ca, dân vũ có nguy cơ mai một và thất truyền, nhằm tôn vinh và phát huy kho tàng di sản văn hóa độc đáo của các địa phương trong cả nước. Tuyên truyền về vị trí, chiến lược biển đảo của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33/BCHTW Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thực hiện nếp sống văn minh, lễ hội và xây dựng môi trường văn hóa, thể thao và du lịch”.
Tiết mục múa "Phù Đổng Thiên vương" của Đoàn Tp. Hà Nội
Với chủ đề hướng về ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước, quê hương, truyền thống đoàn kết, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam mến yêu, trong khuôn khổ hội diễn, tại 3 thành phố lớn của đất mỏ là Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí, các Đoàn đã tham gia chương trình lưu diễn, phục vụ người dân và khách du lịch. Cũng trong khuôn khổ của Hội diễn, triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền về Năm Du lịch quốc gia cũng được tổ chức với chủ đề “Biển đảo quê hương, môi trường và di sản”. Theo đó, 15 cụm pano với gần 200 bức tranh cổ động được trưng bày ở phía trước Cung Quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh Quảng Ninh và trên các trục đường chính của thành phố Hạ Long đã tạo nên không gian văn hóa đa sắc màu với những cung bậc cảm xúc khác nhau, đem lại bầu không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tới xem và cổ vũ.
Tiết mục Hòa tấu nhạc cụ dân tộc của Đoàn Gia Lai
Hội diễn lần này là “bệ phóng” cần thiết, để khơi dậy, phát huy những giá trị, tinh hoa của các loại hình nghệ thuật qua những làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống trên khắp mọi miền tổ quốc trước những thách thức to lớn, sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của nền văn hóa ngoại lai, đặc biệt, âm nhạc trở nên đa sắc màu đã làm cho dòng nhạc dân gian truyền thống bị ảnh hưởng, phôi phai. Để những lời ca dung dị, làn điệu ngọt ngào, âm điệu trầm bổng, quyến rũ, thẩm thấu tạo nên thế giới tinh thần, là thông điệp xã hội sâu sắc được gửi gắm vào các làn điệu dân ca được truyền qua nhiều thế hệ, tạo nên nhân cách con người Việt Nam, là một phần hồn quê, dáng quê, đất Việt. Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Hội diễn là nơi gặp gỡ thăng hoa của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Tiết mục "Hò lĩa Trâu "của Đoàn Quảng Bình
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, tại hội diễn lần này đa số các đoàn Nghệ thuật đã bám sát vào mục đích, yêu cầu thể lệ Ban tổ chức đề ra để xây dựng chương trình, tiết mục tham dự Hội diễn đảm bảo về nội dung, phong phú về hình thức và chất lượng nghệ thuật, dàn dựng chương trình công phu, hoành tráng, trẻ trung, sôi động nhưng vẫn giữ được bản sắc vùng miền, đảm bảo được tính nguyên gốc của những bài dân ca đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền cần được bảo tồn, gìn giữ. Hầu hết các đơn vị đã làm tròn nhiệm vụ của mình trong việc bảo tồn, phổ biến song song với phát triển làm mới dân ca đối với hoạt động văn nghệ cơ sở.
Ban tổ chức Hội diễn trao Huy chương vàng chương trình cho các đơn vị xuất sắc
Ông Nguyễn Công Trung - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, thành viên Ban tổ chức Hội diễn cho biết, thông qua hội diễn nhằm tuyên truyền vận động nhân dân tích cực gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Qua hoạt động này, các nhà quản lý, các Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh trong thời gian tới sẽ có nhiều giải pháp phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống phục vụ nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Kết thúc hội diễn, Ban tổ chức đã trao 59 huy chương bạc và 29 huy chương vàng cho thể loại tiết mục. Về chương trình, Ban tổ chức trao 13 huy chương bạc và 11 huy chương vàng cho các đơn vị có chương trình tham gia hội diễn xuất sắc. Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền và triển lãm tranh cổ động tuyên truyền “Biển đảo quê hương, môi trường và di sản” đã thành công tốt đẹp, đảm bảo về quy mô lẫn chất lượng nghệ thuật, thể hiện được tính đại chúng, sự sáng tạo, góp phần bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca đặc sắc của các vùng, miền trên cả nước, tôn vinh những giá trị văn hóa tiêu biểu, riêng biệt trong sự đa dạng sắc màu văn hóa của 54 dân tộc anh em.