Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.092.490
Truy cập hiện tại 93
CÔNG CUỘC PHỤC HƯNG ÁO DÀI TRUYỀN THỐNG Ở CỐ ĐÔ HUẾ
Ngày cập nhật 10/03/2023

Áo dài là một di sản văn hóa đặc thù của Cố đô Huế, được hình thành, phát triển, tồn tại suốt hơn 300 năm qua, gắn liền với vai trò thủ phủ của Đàng Trong, kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, rồi cố đô cuối cùng của chế độ quân chủ. Cũng từ Huế, năm 1744, Áo dài đã được chúa Nguyễn Phúc Khoát định chế thành thường phục chung của xứ Đàng Trong, và từ đầu thế kỷ XIX, Vua Minh Mạng đã quy định Áo dài (cụ thể là áo dài ngũ thân) trở thành trang phục chung (tức Quốc phục) của người Việt Nam. Áo dài đã góp phần quan trọng tạo nên một hình ảnh riêng, bản sắc riêng của không chỉ của xứ Huế mà thực sự đã tạo thành bản sắc, thương hiệu và phương tiện nhận diện của người Việt Nam một thuở, và ngày nay là của phụ nữ Việt Nam.

 
Trong vài năm trở lại đây, Cố đô Huế đã và đang phát động và đẩy mạnh công cuộc phục hưng Áo dài truyền thống (bao gồm cả Áo dài nam và Áo dài nữ) gắn liền với việc triển khai Đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam với mục tiêu vừa bảo tồn và phát huy một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất, vừa góp phần xây dựng và định hình bản sắc văn hóa dân tộc thông qua văn hóa trang phục, tiến tới chính thức công nhận Áo dài là quốc phục của người Việt Nam.
 
Đôi nét về lễ phụ và trang phục truyền thống Việt Nam
 
Với chế độ quân chủ phong kiến phương Đông, tính độc lập tự chủ và trình độ văn minh của các triều đại thường được đánh giá qua chế độ Y quan (nghĩa đen là áo mũ, nghĩa rộng là trang phục nói chung) và chế độ Lễ nhạc (Nghi lễ và âm nhạc). Các triều đại quân chủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến điều này, vì vậy thường sau khi giành được độc lập, họ sẽ cho nghiên cứu áp dụng ngay chế độ Y quan và Lễ nhạc phù hợp. Tương truyền, năm 1407, khi bị triều Minh bắt và giải qua Kim Lăng (Trung Quốc), Hồ Qúy Ly đã tự hào khẳng định: “Y quan Đường chế độ/ Lễ nhạc Hán quân thần” (tức: Áo mũ như thể chế nhà Đường/Lễ nhạc tương tự như nhà Hán), hàm ý nước ta đạt trình độ văn minh không kém gì các triều đại rực rỡ nhất của Trung Hoa. Thơ ngự chế  khắc trên kiến trúc cung đình Huế cũng có câu: “Y quan Chu chế độ/ Lễ nhạc Hán uy nghi” (Áo mũ theo thể chế nhà Chu, Lễ nhạc uy nghiêm như nhà Hán).
Chế độ Y quan cũng có thể xem như chế độ Lễ phục của triều đại. Các triều đại độc lập của Việt Nam, từ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều rất quan tâm đến chế độ Lễ phục của triều đại. Theo sử liệu, năm 938, ngay sau khi đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền, vị vua đầu tiên của nước Đại Việt độc lập đã cho “chế định triều nghi phẩm phục” của triều đại mình. Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra triều Lý, thì ngay năm sau, 1010, nhà vua đã cho ban hành quy định về trang phục. Lê Thái Tổ lập nên triều Hậu Lê năm 1427 thì năm 1429 đã ban hành một Lệnh chỉ chế định về triều nghi của triều đại; đến 1437 thì sai Lương Đăng và Nguyễn Trãi nghiên cứu để quy định về lễ phục và nhạc lễ. Đến triều Nguyễn, ngay sau khi thống nhất đất nước vào năm 1802 và lập ra triều đại mới, vua Gia Long đã sai quần thần nghiên cứu để ban hành các quy định về phẩm phục, sau đó được luật hóa vào bộ Hoàng Việt luật lệ chỉ vài năm sau đó. Như vậy, chế độ Lễ phục đối với các triều đại quân chủ nước ta không chỉ là chuyện áo quần, trang phục mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về tinh thần độc lập, ý thức tự chủ cùng các giá trị về văn hóa.
Triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử nước ta, là triều đại kế thừa các truyền thống văn hóa dân tộc trên một lãnh thổ hoàn chỉnh, rộng lớn nhất so với với các triều đại khác; chế độ Y quan, Lễ nhạc cũng hoàn chỉnh hơn hẳn các triều đại trước đó. Bởi vậy, những di sản mà triều Nguyễn để lại cho chúng ta cũng phong phú và hết sức đồ sộ. Tuy nhiên, thời gian, chiến tranh và cả ý thức con người đã hủy hoại một phần rất lớn kho tàng di sản văn hóa nói trên, trong đó có di sản về Y quan hay lễ phục. Vì vậy, việc nghiên cứu để kế thừa, phát huy giá trị di sản Lễ phục triều Nguyễn là rất cần thiết và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, đây là việc làm không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, xã hội đồng thời lại góp phần phát triển ngành thời trang, một lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hóa. Và Huế, với thế mạnh là kinh đô một thuở, vùng đất của di sản đã đi tiên phong trong lĩnh vực này.
 
Đề án Huế kinh đô áo dài Việt Nam với những bước đi đầu tiên
 
Đề án “Huế- kinh đô áo dài Việt Nam” mà cố đô Huế đã và đang triển khai mạnh mẽ chính là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng. Nhưng còn hơn thế, sự tỏa sáng của “Kinh đô áo dài” không chỉ là thương hiệu về văn hóa, mà còn vì sự phát triển bền vững của chính Thừa Thiên Huế, một vùng đất rất giàu có về di sản nhưng đang còn không ít khó khăn thách thức do phải giải quyết những mâu thuẩn giữa bảo tồn và phát triển.
  Từ giữa năm 2020, khi Sở Văn hóa & Thể thao phát động và triển khai đề án Huế kinh đô áo dài Việt Nam, phong trào phục hưng áo dài truyền thống, đặc biệt là các loại áo ngũ thân và áo nhật bình đã lan tỏa mạnh mẽ từ chốn công sở đến học đường, đến cả giới doanh nhân, tiểu thương, và đặc biệt là du khách đến Huế. 
Sau hơn 2 năm triển khai đề án Huế kinh đô áo dài Việt Nam, Sở đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ dư luận và cộng đồng. Điều đáng mừng là nếu ở giai đoạn đầu có nhiều ý kiến không đồng thuận, thậm chí phản đối khá gay gắt thì đến nay hầu hết các ý kiến đều đồng tình với chủ trương phục hồi quốc phục, hồi sinh di sản áo dài của Thừa Thiên Huế mà ngành Văn hóa là đơn vị tiên phong triển khai. Không chỉ thế, phong trào mặc áo dài truyền thống, áo ngũ thân đã và đang lan tỏa rất mạnh mẽ ra khắp nơi. Trong phạm vi tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành văn hóa và Thể thao, với vai trò chủ công đã đưa áo dài vào cuộc sống thường nhật, trong các lễ hội văn hóa, thể thao, lễ Chào cờ nơi công sở… Ngành giáo dục sau khi đã phổ biến áo dài nữ ở chốn học đường khối trung học phổ thông, cũng đã và đang thử nghiệm đưa áo dài nam vào trong các hoạt động quan trọng của ngành như Lễ tôn vinh học sinh danh dự toàn tỉnh, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc, các hoạt động ngoại khóa về chủ đề văn hóa lịch sử. Một số trường học đã trang bị hoặc thuê mượn áo ngũ thân để thầy cô giáo và các em học sinh mặc trong các sinh hoạt thực tế tại bảo tàng, di tích và các lễ hội do trường tổ chức. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã trang bị áo dài cho toàn bộ cán bộ công nhân viên và đã triển khai quy định mặc đồng phục áo dài khi tham gia các lễ hội và các sinh hoạt văn hóa. Giới doanh nhân đã sử dụng áo dài trong hầu hết các diễn đàn; và tại chợ Đông Ba, ngôi chợ hơn trăm tuổi và nổi tiếng nhất xứ Huế, hang tram tiểu thương đã cùng nhau mặc áo dài trong các ngày lễ tết hay trong các ngày hội do thành phố Huế phát động, tạo nên những hình ảnh tuyệt đẹp về áo dài Huế gắn liền với ngôi chợ lịch sử.
 
Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời
 
Thân sau vạt trước nên lời nước non
 
(Văn Tiến Lê)
 
Đặc biệt, với chủ trương đẩy mạnh triển khai đề án Huế kinh đô áo dài Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và lãnh đạo một số sở ngành, đơn vị trên địa bàn đã luôn nêu gương khi mặc áo dài ngũ thân tham dự các lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và một số nghi lễ ngoại giao, tạo nên những hình ảnh rất đẹp và đầy bản sắc.
Cùng chung với Huế, trên phạm vi toàn quốc, phong trào phát triển áo dài truyền thống và phục hưng quốc phục cũng đang lan tỏa mạnh mẽ với vai trò của nhiều hội đoàn, tổ chức dân sự xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ. Thậm chí lãnh đạo một số địa phương như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hội An…đã mặc áo dài truyền thống (bao gồm cả áo dài nam và áo dài nữ) để tham gia các lễ hội, các sự kiện văn hóa do địa phương tổ chức.
Có thể nói đây là một sự “trở lại” rất ngoạn mục của bộ áo dài truyền thống, một thuở từng được xem là quốc phục Việt Nam.
Sự lan tỏa của áo dài truyền thống mà trọng tâm là áo ngũ thân với vai trò tiên phong của cố đô Huế đã trở thành một xu thế tất yếu khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, và đây chính là cơ hội cho công cuộc phục hưng Quốc phục của thế hệ chúng ta.
 
P.T.H
 
Một số hình ảnh về áo dài ngũ thân:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
TS.Phan Thanh Hải
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.