Câu lạc bộ (CLB) là đội, là nhóm của những người có cùng sở thích, có cùng nhu cầu và nguyện vọng được thành lập theo quyết định của cơ quan Nhà nước, hoặc cơ quan chuyên môn của Nhà nước. Hoạt động của CLB mang tính xã hội, theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự đầu tư kinh phí, tự chủ về điều kiện hoạt động, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của mình, chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn nhà nước.
Cũng có thể nói, CLB là tổ chức của những cộng tác viên thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý để cùng hoạt động vừa để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, giải trí sáng tạo, vừa để truyền dạy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Do vậy, CLB vừa là một hình thức tổ chức, vừa là một phương thức hoạt động được áp dụng trong các thiết chế văn hóa nghệ thuật.
Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số đã được triển khai tốt, phát huy mạnh mẽ ở các địa phương, cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện A Lưới. Các giá trị văn hóa truyền thống từng bước được phục hồi, bảo tồn và phát huy, tạo điều kiện thuận lợi về phát triển văn hóa, du lịch. Các lễ hội, văn hóa ẩm thực, các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, điểm di tích lịch sử được bảo vệ, tôn tạo và phát huy… Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, giao lưu hợp tác về văn hóa được mở rộng, góp phần tích cực vào việc phát triển đời sống văn hóa của người dân trên địa bàn huyện. Các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống được bảo tồn và phát huy.
Thông qua thực hiện Đề án Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc được UBND huyện phê duyệt, đã tổ chức được 12 lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ thu hút được trên 200 học viên tham gia và trên 57 nghệ nhân truyền dạy; thành lập trên 60 đội văn nghệ dân gian của các làng văn hóa; 18/18 xã, thị trấn có đội văn nghệ hoạt động thường xuyên, có 170 nghệ nhân lớn tuổi am hiểu về lĩnh vực văn hóa phi vật thể như: dân ca, dân nhạc, dân vũ, ca dao, tục ngữ. Đặc biệt, huyện vinh dự được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú: 01 nghệ nhân nhân dân cụ Quỳnh Hoàng, 04 nghệ nhân ưu tú gồm: ông Hồ Văn Hạnh, Nguyễn Hoài Nam, A Rel Đời, A Dưr Tư. Thực hiện thành công Đề tài “Dịch chuyển lời 20 ca khúc viết về Đảng, Bác Hồ và Ca ngợi quê hương A Lưới từ lời Việt sang lời Pa Cô”. Phối hợp với Viện hàn lâm Ngôn ngữ Việt Nam đưa vào giảng dạy tiếng dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… ở 05 trường học và các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức và người lao động trên địa bàn.
Nhận thức được tầm quan trọng về vai trò của các Câu lạc bộ trong việc bảo tồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện A Lưới đẩy mạnh xây dựng mạng lưới câu lạc bộ trên địa bàn dân cư ở các địa phương. Nhờ đó, hoạt động CLB đã được nâng lên một bước, trở nên bài bản, có tổ chức và chọn lọc hơn, trở thành hoạt động có tính chuyên nghiệp hơn và không ngừng được nhân rộng trên khắp các địa bàn. Và nghệ nhân là những người đóng vai trò nòng cốt trong việc phát huy và nhân rộng mạng lưới trong việc bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng.
Mặc dù hoạt động của các CLB của A Lưới đang còn rất hạn chế và khiêm tốn, đến nay mới có 03 CLB hoạt động gồm: CLB nghệ thuật dân gian truyền thống xã Trung Sơn, CLB nghệ thuật dân gian truyền thống A Rel Thùy Linh và CLB May Way…nhưng đây thực sự là mô hình sinh hoạt tập thể, hướng tới việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời nuôi dưỡng, ươm mầm những tài năng cho nghệ thuật truyền thống, nhất là thế hệ trẻ.
Trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ trong việc bảo tồn và truyền dạy các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống, huyện A Lưới cần tập trung một số giải pháp sau: tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động các CLB văn hóa, văn nghệ. Duy trì việc cử cán bộ hướng dẫn các CLB dàn dựng chương trình văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để các CLB tham gia các hội thi, hội diễn. Tạo điều kiện để những người có sở thích, năng khiếu về văn hóa, văn nghệ thành lập CLB phù hợp với từng lứa tuổi, loại hình nghệ thuật, bố trí địa điểm sinh hoạt, hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của các mô hình CLB nhằm thu hút nhiều đối tượng tham gia cũng như sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành trong việc hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời về mọi mặt để các CLB văn hóa văn nghệ ngày càng phát triển ổn định, bền vững, để các “diễn viên” quần chúng ngày càng thêm gắn bó với loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương, phát triển, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng.
Cùng với hệ thống các CLB được thành lập trên địa bàn toàn tỉnh đã tạo nên một mạng lưới các CLB văn hóa văn nghệ rộng khắp từ tỉnh đến các cơ sở. Các CLB văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện A Lưới bước đầu đã tạo nên dấu ấn, không chỉ là một “kênh” hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì và bảo tồn các môn nghệ thuật truyền thống tại địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.