Theo đó, sự kiện điểm nhấn là Triển lãm "Từ mặt đất đến bầu trời" với hơn 100 tài liệu nhằm góp phần làm rõ hơn về thế trận phòng không mà quân và dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam đã chuẩn bị, chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược với mật danh Linerbaker II của Mỹ. Đặc biệt là vai trò chỉ huy, kết nối thông suốt các mặt trận từ căn hầm Chỉ huy Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu (Hầm T1). Đây là nội dung trong chương trình phối hợp tổ chức giữa Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Chiến thắng B.52, Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 923.
Triển lãm gồm 2 chủ đề: B.52: Hà Nội không bất ngờ và Từ mặt đất đến bầu trời.
Triển lãm lần đầu tiên giới thiệu câu chuyện của 108 phi công Việt Nam, những nhân chứng đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt, trong đó là câu chuyện của những phi công trực tiếp tham gia chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của đế quốc Mỹ cuối năm 1972.
Trong khuôn khổ Triển lãm, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 923 tổ chức tổ chức chương trình tọa đàm, giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, những phi công chiến đấu quả cảm, anh dũng của Phi đội bay đêm đánh B52 Mỹ. Đồng thời ra mắt, giới thiệu cuốn sách: "108 phi công chiến đấu Việt Nam" và "Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long".
Những hồi ức được chia sẻ thông qua những câu chuyện chân thực của chính những người trong cuộc, sẽ giúp công chúng và thế hệ trẻ một lần nữa ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của lớp lớp cha anh đi trước, trân trọng ký ức hào hùng của "một thời đạn bom, một thời hòa bình".
Cùng với không gian triển lãm được tổ chức tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, một triển lãm có tên gọi "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" cũng được diễn ra tại Bảo tàng Chiến thắng B.52. Đây là kết quả của sự hợp tác, trao đổi thông tin, tư liệu, hiện vật giữa hai đơn vị nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn những tư liệu, hình ảnh quý giá chiến thắng quan trọng trong lịch sử quân sự Việt Nam, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Lối lên xuống Hầm T1
Bên cạnh đó là sự kiện Ứng dụng công nghệ thông tin để diễn giải câu chuyện lịch sử tại Hầm chỉ huy Tác chiến T1- "Hầm T1 trong đêm bão lửa".
Hầm Sở Chỉ huy Tác chiến T1 của Bộ Tổng Tham mưu thuộc cơ quan Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Căn hầm được xây dựng vào năm 1964, là nơi tiếp nhận những báo cáo cũng như đưa ra các chỉ đạo trực tiếp đến khắp các chiến trường trên cả nước. Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hầm Chỉ huy Tác chiến cùng một lúc thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Chỉ huy bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; đảm bảo giao thông chi viện cho miền Nam; tổ chức báo động phòng không nhân dân. Chính tại căn Hầm này đã phát ra những hồi còi đầu tiên báo động phòng không trên toàn thành phố Hà Nội khi máy bay Mỹ tiến vào bắn phá Thủ đô. Toàn thể nhân dân được thông báo vào hầm trú ẩn trước 35 phút. Các đơn vị vũ trang sẵn sàng chiến đấu.
Trong sự kiện chào mừng 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội lần đầu tiên ứng dụng công nghệ 3D mapping tái hiện lại hoạt cảnh "Hầm T1 trong đêm bão lửa", diễn giải câu chuyện và không khí làm việc dưới Hầm T1 trong ngày đầu tiên Mỹ đưa B.52 đánh ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là thời khắc chiếc máy bay B.52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội trong đêm mở màn chiến dịch, tạo ấn tượng và cảm xúc đặc biệt cho khách tham quan.
Triển lãm mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 14/12/2022 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, số 19 đường Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội./.