* Gia đình là “tế bào” của xã hội
Mỗi người luôn có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Ðặc biệt, gia đình luôn là cội nguồn của mọi thành công, là điểm xuất phát và nơi nương tựa để mỗi người vượt qua khó khăn trong công việc và cuộc sống.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác khẳng định:“Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Theo lời Bác, ngày 28 tháng 6 năm 2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấy uỷ Đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây thật sự là cơ hội để mỗi chúng ta, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đoàn thể, địa phương đề cao trách nhiệm trong việc chăm lo xây dựng gia đình, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sự phát triển của gia đình để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, công tác gia đình nói chung và phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được các cấp, các ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế quan tâm chú trọng đẩy mạnh và triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng, chính sách pháp luật pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được các cơ quan, ban ngành, đoàn thể phối hợp triển khai thực hiện một cách đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức phong phú, có sức lan tỏa đến người dân, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, nắm rõ được các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng xã hội trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, tiến tới xây dựng gia đình hoà thuận, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc.
Những giá trị chuẩn mực tốt đẹp của gia đình Việt Nam như: lòng yêu nước, yêu quê hương, hiếu nghĩa, thủy chung, cần cù, sáng tạo, đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách, không ngừng vươn lên để tồn tại và phát triển. Những truyền thống quý báu đó đã được gia đình Việt Nam vun đắp, phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Hiện nay, với sự giao lưu hội nhập về kinh tế và văn hóa đã đặt ra cho gia đình Việt Nam những thử thách cần phải thích nghi và biển đổi cho phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước hiện nay. Để gia đình là tổ ấm của mỗi người, là nơi duy trì nòi giống, tạo nguồn lực cho sự phát triển đất nước; là môi trường quan trọng hình thành nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách của con người, nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời cũng là nơi chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, sự “gạn đục, khơi trong” về các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình đang là xu hướng tích cực. Gia đình hiện đại ngày càng phát triển trên nền tảng gia đình truyền thống vẫn được xem là cơ bản và vững chắc. Những ngôi làng cổ vẫn còn nguyên vẹn, những mái nhà xưa của cha ông vẫn được trùng tu, bảo tồn bên cạnh những ngôi nhà hiện đại cao tầng của con cháu. Nó như một vật chứng giáo dục về gìn giữ gia phong, lễ giáo và truyền thống tốt đẹp của gia đình. Và trong mỗi gia đình hiện tại, họ luôn ý thức thực hiện tốt phong trào “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Bên cạnh đó, từ các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa… đã lồng ghép giữ gìn những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa gia đình.
* Lan tỏa văn hóa ứng xử gia đình tốt đẹp
Những năm qua, để giữ gìn và xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, phù hợp với thuần phong mỹ tục của từng địa phương, từng dân tộc: Mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Gia đình trẻ phát triển bền vững”, Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, “Gia đình không có bạo lực” …
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành liên quan đã lồng ghép triển khai các hoạt động Công tác gia đình vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đưa phong trào có bước phát triển mới cả về lượng và chất. Các nội dung phong trào đã góp phần phát huy dân chủ cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Công tác gia đình, xây dựng gia đình văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh đã tác động tích cực đến kinh tế - xã hội, góp phần bảo tồn các giá trị của gia đình Huế, xây dựng và hình thành nếp sống ứng xử văn minh của người dân trên địa bàn. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, đã đóng góp trong thành công chung của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn. Tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá đạt tỷ lên trên 90%. 85% thôn tổ đạt danh hiệu khu dân cư văn hoá… Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của hộ gia đình trong công tác phòng chống bạo lực gia đình ngày càng được nâng cao. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tiếp tục đề ra các nhiệm vụ trọng tâm theo giai đoạn, trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình, CLB về phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn, trong đó chú trọng đến việc triển khai thực hiện thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình".
Hằng năm, hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế phát động tuyên truyền với chủ đề theo từng năm như: “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, “Gia đình bình an – xã hội hạnh phúc” nhằm đề cao những giá trị vô giá của gia đình, đó là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, tôn kính bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc con trẻ. Các địa phương tùy theo điều kiện thực tế đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như “Hội thi gia đình hạnh phúc”, gặp mặt, giao lưu, tôn vinh các gia đình tiêu biểu theo từng giai đoạn …thực sự là ngày hội để các gia đình, cá nhân được bồi đắp thêm tình yêu, hy vọng để xây dựng tổ ấm của mình. Để Ngày gia đình Việt Nam 28/6 trọn vẹn và ý nghĩa, mỗi gia đình hãy tổ chức những bữa cơm sum họp để các thành viên trong gia đình có thể ôn lại truyền thống nề nếp gia phong là điều cần thiết và ý nghĩa hơn bao giờ hết, qua đó gắn chặt tình cảm các thành viên với nhau, từng bước đưa “Ngày gia đình Việt Nam” vào cuộc sống, trở thành ngày hội lớn trên mọi miền Tổ quốc, một nét đẹp văn hóa – nơi mà tình yêu thương và chia sẻ được tôn vinh, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, đong đầy tình yêu thương, để mỗi gia đình trở thành nền tảng vững chắc của xã hội như lời Bác dạy.
Ðể gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là “tế bào” lành mạnh của xã hội, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc gìn giữ và xây dựng nếp sống văn hóa gia đình. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của mỗi người mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội.