Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.100.015
Truy cập hiện tại 18
Để văn hóa trở thành nguồn lực
Ngày cập nhật 25/02/2022

"Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên, điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản"- GS.TS Vũ Minh Giang- Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia nhận định.

LTS: Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã diễn ra với nhiều vấn đề gợi mở cũng như khát vọng xây dựng văn hóa nước nhà đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Để những nội dung của Hội nghị đi vào cuộc sống, gắn với thực tiễn, biến văn hóa trở thành một trong những nguồn lực quan trọng phát triển đất nước Báo điện tử Tổ Quốc khởi đăng tuyến bài viết: “Đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia” với những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhằm góp tiếng nói đa chiều cho lộ trình chấn hưng văn hóa trong thời gian tới.

Theo GS.TS Vũ Minh Giang, trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành Văn hóa mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc.

Khi ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", Trung ương đã nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chính vì vậy, khi đánh giá, Bộ Chính trị đã đưa ra những kết luận hết sức quan trọng, theo đó việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên,

điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản 

Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một dần. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác. Một số chủ trương, quan điểm nêu trong Nghị quyết chậm được thể chế; chưa có những chiến lược, giải pháp đồng bộ để phát triển và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về văn hóa. Chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong quản lý văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa. Việc chỉ đạo phát triển công nghiệp văn hóa còn chậm. Các đặc trưng cơ bản của nền văn hóa là "dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học" cùng quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được quán triệt thường xuyên; có dấu hiệu bị buông lỏng trong cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội.

"Bộ Chính trị cũng chỉ ra những hạn chế trên đây do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đối với phát triển bền vững đất nước. Vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội"- GS.TS Vũ Minh Giang nhận định.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chưa thực sự đổi mới, nhất là trong việc xây dựng, đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hình thức, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa có mặt còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Chưa phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp, sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ của các chủ thể văn hóa, khích lệ, động viên tính tích cực xã hội của nhân dân, nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trong tổ chức thực hiện Nghị quyết. Công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để hình thành cơ sở lý luận, đúc kết hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam còn chậm, lúng túng, bị động.

Theo GS.TS Vũ Minh Giang, cùng với đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, cũng phải đánh giá đúng và thấy hết những khó khăn khi khai thác các nguồn lực văn hóa.

Trước hết, đó là những trở ngại trước các thói quen, tập tính và hạn chế của cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa mà một trong những nhược điểm lớn, gây rất nhiều hậu quả tai hại là không có thói quen nhìn xa, là tâm lý "ăn xổi". Suy cho cùng, thói quen này cũng là biểu hiện của những tàn dư lịch sử, nằm trong di tồn văn hóa. Nếu không có nhận thức thật sâu sắc để có biện pháp khắc phục hữu hiệu thì đây là một cản trở lớn cho sự phát triển. Trong thời đại ngày nay, người ta trù liệu trước cho sự phát triển ít nhất là vài chục năm.

Một hạn chế lớn khác của di tồn văn hóa có hại cho sự phát triển là tâm lý bình quân cào bằng. Đây là sản phẩm của cơ cấu kinh tế - xã hội nông nghiệp - công xã. Trong lịch sử, sự bình đẳng làng xã, sự phân hóa xã hội không mấy sâu sắc đã từng đóng vai trò quan trọng cho sự cố kết/đoàn kết cộng đồng. Quan niệm "dàn hàng ngang mà tiến" hay "xấu đều hơn tốt lỏi" đôi khi là những yếu tố cần thiết để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, mặt trái chính là tâm lý ghét sự vượt trội - một biểu hiện của tâm lý bình quân. Trong phát triển nói chung, đây là yếu tố có sức cản vô cùng mạnh mẽ...

Một trong những điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển, đưa đất nước đi tới phồn vinh là phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, đặc biệt là giới trẻ như tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra. Giáo dục văn hóa, lịch sử cho mọi tầng lớp từ lãnh đạo đến nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến những gì mình có thành lợi thế, thành sức mạnh.

GS.TS Vũ Minh Giang

Theo GS.TS Vũ Minh Giang, trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế.

"Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi và hiệu quả, trong đó đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam"- ông Vũ Minh Giang nêu quan điểm.

Bên cạnh việc phát huy sức mạnh mềm, việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm. Việt Nam là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời và rực rỡ, có truyền thống dựng nước và giữ nước vô cùng vẻ vang. Lịch sử đã để lại cho chúng ta một truyền thống hào hùng và gắn với nó là vô vàn những di tích quý giá. Tuy nhiên, đến nay, những di sản này chưa được khai thác hiệu quả. Phần nhiều mới chỉ được giữ gìn theo cách bảo quản và đôi khi được tôn tạo bằng những khoản kinh phí rất hạn chế. Thế giới hiện đang có rất nhiều kinh nghiệm làm sống dậy di sản văn hóa, khai thác di sản như những tài nguyên góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.

GS.TS Vũ Minh Giang khẳng định, nói đến văn hóa Việt Nam trước hết phải nói tới nền tảng tinh thần là ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập, tự cường. Đây là nội dung cực kỳ quan trọng của văn hóa Việt Nam và là yếu tố cấu thành phẩm chất của con người Việt Nam.

Nền tảng này đã được thể hiện rõ rệt trong những lần Việt Nam phải đối phó với họa xâm lăng từ bên ngoài. Tinh thần dân tộc cao sẽ là động lực và sức mạnh thúc đẩy một dân tộc vươn tới đỉnh cao. Vấn đề đặt ra hiện nay cho Việt Nam là làm thế nào để động viên được cao nhất sức mạnh này trong công cuộc xây dựng đất nước và cạnh tranh quốc tế. Thêm vào đó, trong văn hóa Việt Nam, truyền thống hiếu học và khả năng trí tuệ của người Việt đã và đang trở thành một yếu tố bảo đảm cho sự phát triển với tốc độ cao của đất nước và trở thành một thế mạnh khi cạnh tranh quốc tế trong tương lai.

Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là

sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế 

Ông Vũ Minh Giang khẳng định: "Một trong những nét đặc sắc đồng thời cũng là thế mạnh của con người Việt Nam là tính cách mềm dẻo, cởi mở và dễ hội nhập. Đây là một yếu tố hết sức thuận lợi trong hoàn cảnh ngày nay, khi mà thế giới ngày càng phát triển theo xu thế hội nhập và chu kỳ thay đổi công nghệ ngày càng có xu hướng rút ngắn. Trong khi đó, văn hóa của chúng ta đa dạng, phong phú với bản sắc hết sức độc đáo. Đó là lợi thế lớn cho Việt Nam trong thời kỳ chủ động hội nhập".

Chúng ta đã nói nhiều tới sự phát triển chậm trễ, những món "nợ lịch sử" mà sớm muộn chúng ta phải trả (như công nghiệp hóa chẳng hạn). Nhưng xét về nhiều phương diện, trong hoàn cảnh thế giới ngày nay, sự chậm trễ đó đang tạo cho chúng ta một lợi thế: lợi thế của người đi sau. Ô nhiễm môi trường đang là mối lo của cả nhân loại vì trong quá trình công nghiệp hóa trước đây, nhiều quốc gia, dân tộc đã không có hiểu biết đầy đủ và kinh nghiệm cần thiết trong lĩnh vực này.

"Những nước công nghiệp hóa sau không chỉ có điều kiện đi tắt, đón đầu về công nghệ hiện đại hóa mà còn có đầy đủ kinh nghiệm của các nước đi trước để học tập. Nhưng điều có ý nghĩa quan trọng hơn trên phương diện bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống là chúng ta vẫn còn kịp, nếu như có được sự nhận thức sáng suốt và đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng một nền văn hóa mang bản sắc dân tộc, xứng với tầm vóc lịch sử của dân tộc và biến tất cả những gì mình có thành lợi thế trong cạnh tranh quốc tế"- GS.TS Vũ Minh Giang nhận định./.

nguồn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (MH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.