Tham dự khai hội có đồng chí Lê Trường Lưu – Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh.
Lễ hội đền Huyền Trân công chúa được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, đây là một hoạt động không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà còn là nơi để mọi người tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi, cầu mong cho mọi sự tốt lành đến với mọi người trong năm mới. Đồng thời góp phần quảng bá đến với du khách thập phương và quần chúng nhân dân những hình ảnh văn hóa, giá trị di sản văn hóa, một vùng đất mang đậm giá trị bản sắc văn hóa của cả nước, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
“Ngưỡng vọng tiền nhân” - với chủ đề xuyên suốt qua hàng năm, với ý nghĩa sâu sắc– tưởng nhớ những người đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất Đại Việt- Việt Nam. Lễ hội diễn ra tại vùng đất Thần kinh- kinh đô thần thánh của Việt Nam một thuở, cũng nổi danh là đất Thiền Kinh - Kinh đô của Phật giáo Việt Nam, nơi lắng đọng hồn thiêng sông núi.
Đây là một trong những sự kiện văn hóa, lễ hội tiêu biểu của Thừa Thiên Huế chào mừng 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chào đón Xuân Nhâm Dần và tiếp tục đẩy mạnh chuỗi các hoạt động, sự kiện của Festival bốn mùa năm 2022. Lễ hội mang đậm sắc thái truyền thống được khai mở với sự tri ân sâu sắc đến Hoàng đế- Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân, những người đã có công lao to lớn để cách đây 715 năm, Đại Việt có thêm hai châu Thuận Hóa vuông ngàn dặm, kéo dài từ đất Quảng Trị đến sông Thu Bồn- Quảng Nam, trong đó có xứ Huế của chúng ta hiện nay.
Đến với lễ hội để nhân dân và du khách thập phương cùng thành kính thắp nén tâm hương, tri ân đến Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị hoàng đế anh minh, lỗi lạc, không chỉ trực tiếp lãnh đạo dân tộc 2 lần đánh bại đế quốc Nguyên Mông, làm nên những kỳ tích lịch sử, mà còn là vị hoàng đế đặt dấu ấn quan trọng trong công cuộc “nam tiến”, tạo tiền đề để các triều đại sau mở rộng cương vực của dân tộc đến Mũi Cà Mau.
Tham dự lễ hội cũng là dịp để mỗi chúng ta thành kính tri ân đến Công chúa Huyền Trân, người đã dấn thân “Nước non ngàn dặm ra đi... /Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô, Ly”, hy sinh tình riêng để góp công lập nên vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế có vị thế xứng đáng trong lịch sử của đất nước. Công chúa Huyền Trân con người hiếu nghĩa vẹn toàn, được nhân dân kính ngưỡng, sống tận lực vì nước, thác hiển linh phò trợ giúp dân.
Trong hai ngày lễ hội sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn để phục vụ du khách như biểu diễn múa Lân sư rồng, biễu diễn võ thuật và thi đấu đẩy gậy, biểu diễn của các câu lạc bộ nghệ thuật, biểu diễn Ca Huế, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, trình diễn thư pháp, trình diễn áo dài truyền thống, triển lãm di sản cố đô Huế qua nghệ thuật ký họa… Tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp năm mới và Tết cổ truyền dân tộc, phục vụ nhu cầu văn hóa và chiêm bái của người dân và du khách thập phương.
Trước đó, ngày 8/2 (Mùng 8 tháng Giêng năm Nhâm Dần) cũng tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức phần nghi lễ theo đúng phong tục truyền thống. Trước là để cáo yết các bậc tiền nhân, sau là để cầu mong cho Quốc thái Dân an, phong điều vũ thuận, dịch giã sớm yên, mùa màng bội thu, nhà nhà an khang, no ấm, hạnh phúc.
Lễ hội sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ 08/2 đến ngày 09/2 (tức là mùng 8 đến ngày mùng 9 tháng giêng, âm lịch). Đây cũng là sự kiện đầu tiên của chuỗi các hoạt động Festival Huế 2022 - Festival 4 mùa; đồng thời là hoạt động kích cầu du lịch của tỉnh với tiêu chí "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong tình hình mới.
Một số hình ảnh trong Lễ hội:
Trình diễn các Bộ sưu tập áo dài ngũ thân
Biểu diễn Ca Huế và dân ca Huế
Trưng bày và trình diễn nón lá truyền thống
Chương trình nghệ thuật khai hội