Vào dịp Trung thu, ngôi từ đường Thái tộc của GS.TS. Thái Kim Lan được các thành viên của fanpage Nam Triều Y Trang Viện trang trí đầy sắc màu với đèn lồng, đèn ông sao, trống quân, mâm cỗ… Các sản vật mùa thu, như: thanh trà, mứt củ sen, bánh nướng, bánh dẻo, các loại bánh nếp… như tái hiện lại phong vị Tết Trung thu xưa. Trong ngôi nhà vườn cổ kính ấy, những nếp sinh hoạt truyền thống, không khí ấm áp đoàn viên ngày Tết Trung thu với sự góp mặt của nhiều thế hệ trong gia đình được tái hiện rõ nét qua bộ ảnh.
NTK Trần Quang Minh Tân, người sáng lập Nam Triều Y Trang Viện chia sẻ: “Cố đô Huế vẫn còn là một không gian văn hóa lưu giữ được nhiều phong tục cổ xưa. Chúng tôi tái hiện lại đôi nét văn hóa xưa là để các bạn trẻ hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống, để những người con không kịp trở về nhà mùa trung thu bởi ảnh hưởng của dịch bệnh có dịp hồi tưởng lại một vài ký ức tươi đẹp thuở ấu thơ, cũng là để nhắc nhớ rằng, nơi đâu có “tình thân” nơi đó là nhà”.
Bộ ảnh “Bóng sầu” Nam Triều Y Trang Viện vừa giới thiệu kể số phận của các phi tần, cung nữ ở chốn Khiêm Lăng đầy u tịch, sâu lắng. Tương truyền, vua Tự Đức không có con nên sau khi vua mất, số phận các vị phi tần thuở nào cũng theo bóng quân vương về nơi Khiêm Lăng chôn vùi xuân son. Xuyên suốt mạch chảy của bộ ảnh là sự u tịch của Khiêm Lăng, nơi cảnh sắc tuyệt đẹp nhưng chất chứa đầy tâm sự u sầu của những người phụ nữ sống ở nơi đây.
Những ngày cận tết, các bạn trẻ của Nam Triều Y Trang Viện lại rủ nhau về Phú Mậu để thực hiện bộ ảnh giới thiệu về hoa giấy Thanh Tiên. Với mong muốn đem hình ảnh của làng nghề truyền thống độc đáo quảng bá đến mọi người, lan tỏa những tinh hoa văn hóa truyền thống, bộ ảnh thể hiện sự tiếp nối giữa cũ và mới, thông qua bối cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của một gia đình làm hoa giấy làng Thanh Tiên những ngày giáp tết. Thông qua sắc màu sặc sỡ tươi mới báo hiệu một mùa tết sum vầy đang đến, bộ ảnh phần nào tỏ lòng trân quý những con người vẫn ngày đêm miệt mài lưu giữ ký ức của một tết xưa, một điều gì đó rất Huế.
Quảng bá nét đẹp di sản
Dự án “Quảng bá nét đẹp di sản thông qua cổ phục” của fanpage Nam Triều Y Trang Viện do Trần Quang Minh Tân cùng một số bạn trẻ yêu văn hóa, đặc biệt là văn hóa, lịch sử cung đình triều Nguyễn thành lập để quảng bá nét đẹp di sản văn hóa Huế thông qua cổ phục. Lên ý tưởng thực hiện những bộ ảnh về cung nữ, thái giám, lính hộ lăng triều Nguyễn hay văn hóa truyền thống, các bạn trẻ giới thiệu đến công chúng vẻ đài các của chốn cung đình xưa, không gian thâm nghiêm của đền đài, lăng tẩm, những nét văn hóa xưa. Qua đó, kể cho mọi người những câu chuyện về lịch sử, văn hóa Huế bằng hình ảnh.
Chọn Huế làm quê hương thứ hai, NTK Minh Tân ấp ủ ý tưởng này khá lâu và được một số nhiếp ảnh, như: Trung Phan, Nguyễn Phong, Nhật Long cùng các bạn người mẫu, make up… ủng hộ, hỗ trợ. Họ tự bỏ công sức, kinh phí cùng nhau làm hoàn toàn phi lợi nhuận để quảng bá di sản của Huế thông qua những câu chuyện mang tính lịch sử.
“Mục đích lập fanpage là nơi quảng bá di sản của Huế, chủ yếu là các điểm đến di sản, sau đó là các câu chuyện về lịch sử triều Nguyễn. Trang phục chủ yếu là áo ngũ thân và áo Nhật bình, những sản phẩm cổ phục do tôi thiết kế. Mỗi bộ ảnh đều có câu chuyện, nội dung và hình thức quảng bá tiếp cận với giới trẻ. Bây giờ, các bạn trẻ thích xem những bức ảnh đẹp, sống động và những câu chuyện chúng tôi kể không chỉ là hình ảnh tư liệu mà để cho nhân vật lịch sử sống lại qua hình ảnh, truyền tải đến người xem một cách gần gũi. Thông qua những câu chuyện này, các bạn sẽ cảm nhận được giá trị của văn hóa lịch sử và bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến di sản Huế”, NTK Minh Tân nói.
Để thực hiện những bộ ảnh này, các thành viên của Nam Triều Y Trang Viện chuẩn bị khá kỳ công, có khi mất cả tháng mới hoàn thành. Minh Tân là người lên ý tưởng, làm trang phục, phụ kiện, sau đó cùng các nhiếp ảnh bàn bạc lựa chọn địa điểm có góc chụp đẹp, đặc sắc đúng với câu chuyện, thiết kế buổi chụp, tìm người mẫu thích hợp… Minh Tân thường phải đọc sách, tư liệu, tìm hiểu lịch sử triều Nguyễn cũng như văn hóa Huế để lên ý tưởng chuyển tải được câu chuyện, bối cảnh lịch sử.
Các nhiếp ảnh, người mẫu cũng phải xem hình ảnh tư liệu, đọc sử sách cũ để chụp đúng bối cảnh, nắm được thần thái, tâm trạng, cách đi đứng, phong thái của nhân vật để thể hiện gần giống nhất có thể và thể hiện mạch câu chuyện muốn truyền tải. Nhiếp ảnh Trung Phan bày tỏ: “Tôi tham gia hoạt động này vì đam mê, muốn được quảng bá giá trị văn hóa qua cổ phục để mọi người cùng nhìn về quá khứ qua góc nhìn của người trẻ. Những câu chuyện lịch sử của triều Nguyễn, các di tích, lăng tẩm… luôn cuốn hút và tôi muốn truyền tải những câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh đến người xem”.