Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.096.892
Truy cập hiện tại 335
Những trang sách gia đình dành cho thiếu nhi
Ngày cập nhật 29/06/2021

Gia đình là đề tài xuyên suốt trong văn học, được đề cập ở nhiều thể loại. Trong đó có những trang viết về gia đình dành cho thiếu nhi đầy xúc động, có giá trị đánh thức và nuôi dưỡng tâm hồn.

“Điểm danh” các tác phẩm văn học Việt Nam viết cho thiếu nhi, ngay từ những năm 1930 - 1945 đã xuất hiện nhiều trang viết về gia đình. Đó là tập hồi ký về tuổi thơ cơ cực của nhà văn Nguyên Hồng trong “Những ngày thơ ấu”. Là tập “Gió đầu mùa” của Thạch Lam, giàu sắc thái, đầy day dứt cho những số phận không may, vừa ấm áp ngọn lửa tình người. Hay một “Chân trời cũ” rưng rưng đượm buồn thương của Hồ Dzếnh... Đoạn trích của các tác phẩm này đã được chọn đưa vào chương trình giáo dục phổ thông cho nhiều thế hệ học sinh Việt Nam đọc, học, cảm nhận bầu không khí thời cuộc đã ảnh hưởng đến các gia đình, tuổi thơ và hành trình lớn lên của mỗi đứa trẻ ra sao.

Mỗi cuốn sách hay viết về gia đình là suối nguồn bồi đắp yêu thương cho trẻ thơ.

Sự nghèo khổ, vất vả về vật chất có thể là mẫu số chung của nhiều gia đình xưa kia, còn ranh giới giữa hạnh phúc hay bất hạnh của một đứa trẻ phụ thuộc phần lớn vào tình yêu thương của cha mẹ, ông bà và những người xung quanh. Như thế giới tuổi thơ của 5 chị em trong câu chuyện “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi, dù mẹ của chúng, chị Út Tịch thường xuyên đi đánh giặc xa nhà thì khi ấy “nhân dân Tam Ngãi” đều có thói quen trông nom các con của chị. Gặp pháo hay máy bay bắn thì “bất cứ ai cũng có thể kéo chúng xuống hầm mình”, gặp bữa ăn thì “ai cũng cảm thấy mình có bổn phận ôm chúng vào nhà, cho ngồi vào mâm, và tìm mọi cách cho chúng thấy ở đây cũng như ở nhà chúng vậy”. Sự đùm bọc sẻ chia trong chiến tranh khiến những đứa trẻ dẫu có xa mẹ cha thì vẫn luôn cảm nhận được tình yêu thương. Những tác phẩm dành cho thiếu nhi giai đoạn này như “Quê nội” (Võ Quảng), “Dòng sông thơ ấu” (Nguyễn Quang Sáng), “Mái trường xưa” (Lê Khắc Hoan), “Tuổi thơ im lặng” (Duy Khán)... được nhiều thế hệ thiếu niên Việt Nam yêu thích.

Khi chiến tranh đã lùi xa, nỗi lo cơm áo gạo tiền kéo theo nhiều biến cố. Nhà văn Ma Văn Kháng đã từng thốt lên: “Gia đình, cái giọt nước của biển cả, có ai ngờ lại là một vùng chứa nhiều sóng gió đến thế. Ôi cái vùng tưởng là tĩnh lặng, cái vùng hay bị lãng quên trong mối quan tâm hằng ngày, có ai ngờ lại là nơi khởi thủy, chung cục của lắm điều bất hạnh và những niềm hạnh phúc”. Nhà văn Ma Văn Kháng đã viết nhiều tiểu thuyết đề tài gia đình như “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”, và đặc biệt là cuốn truyện viết về tuổi thơ “Côi cút giữa cảnh đời” đượm buồn thương.

Viết về một hiện thực buồn nhưng đầy lòng trắc ẩn và không thiếu những phút giây ấm áp về tình cảm gia đình như “Côi cút giữa cảnh đời” là “Bỏ trốn” của Phan Thị Thanh Nhàn, tác phẩm đã đạt giải A trong Cuộc vận động sáng tác truyện và tranh truyện cho thiếu nhi 1993 - 1995 của NXB Kim Đồng. Cuốn sách sau đó đã được đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chuyển thành phim nhựa và đoạt giải bạc của Hội Điện ảnh năm 1996.

Song song với mảng văn học thiếu nhi Việt Nam, nhiều tác phẩm văn học thế giới về đề tài gia đình đã được dịch sang tiếng Việt. Ngoài các tác phẩm đã quen thuộc với trẻ em Việt như “Thời thơ ấu”, “Không gia đình”, “Những tấm lòng cao cả”, "Tuổi thơ mãi mãi cùng ta”, “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”... thì những năm gần đây có thêm “Khi bố còn thơ”, “Cây cam ngọt của tôi”, “Cha và con”, “Người đua diều”, “Bố con cá gai”, “Lũ trẻ đường tàu”... Bên cạnh những cuốn sách được viết với phong cách hài hước và cuốn hút trẻ em như “Bố xấu bố tốt”, “Hướng dẫn sử dụng mẹ”, “Bố là bà giúp việc”, “Ông nội vượt ngục”, “Bà nội găngxtơ”... là những trang viết vô cùng cảm động của “Có bố đây, đừng sợ”, “Hãy chăm sóc mẹ”, “Súp miso của bé Hana”, “Ba ơi, mình đi đâu?”...

Không cần ngôn ngữ hoa mỹ hay cốt truyện ly kỳ, những trang viết về gia đình chỉ cần sự chân thực trong cảm xúc là đủ sức lay động con tim người đọc. Mỗi cuốn sách hay viết về gia đình là suối nguồn bồi đắp yêu thương cho trẻ thơ, để trẻ em tự cảm nhận và qua đó học cách yêu thương, vun đắp, trân quý tình cảm gia đình.

Nhung Nguyễn (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.