Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.092.744
Truy cập hiện tại 119
Nâng cao vai trò của Trung tâm Văn hóa cấp huyện trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cho hệ thống ở cơ sở.
Ngày cập nhật 14/04/2021

Xây dựng đời sống văn hóa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm của các Trung tâm Văn hóa cấp huyện nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở góp phần quan trọng để tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, hình thành nếp sống văn hóa, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động văn hóa, là điều kiện để phát huy vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đối với đời sống chính trị, kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Tập huấn Bài Chòi tại Trung tâm VHTT&TT huyện Quảng Điền

* Vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở trong xây dựng đời văn hóa
Thực hiện chủ trương này, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương, của Sở Văn hóa và Thể thao, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành có liên quan, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao các huyện trên địa bàn toàn tỉnh đã có những nỗ lực rất lớn trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn). Những thành tựu trong công tác xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở thời gian qua đã chứng minh được vai trò quan trọng của hệ thống Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện, thị xã trong công tác định hướng tư tưởng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp tại địa phương, nâng tầm thị hiếu văn hóa của người dân. Nhiều Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao cấp huyện như: Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện A Lưới là những đơn vị luôn quan tâm đến công tác hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cơ sở với  nhiều cách làm sáng tạo, chủ động, vượt khó thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và thể thao huyện Quảng Điền hàng năm tổ chức công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp dưới về công tác liên hoan, hội thi, hội diễn, đặc biệt hướng dẫn khôi phục và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ của địa phương, trong đó hướng dẫn khôi phục và trình diễn nghệ thuật Bài chòi, tập huấn và chuyển giao mô hình thể thao cộng đồng cho các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa cấp dưới, đến nay trên địa bàn huyện Quảng Điền phong trào thể dục thể thao cơ sở phát triển rộng khắp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện A Lưới mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động nhưng đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của cán bộ cơ sở trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương, như: hướng dẫn cho cán bộ phụ trách các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa xây dựng kế hoạch năm về hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức lớp truyền dạy cho các hạt nhân văn nghệ theo chương trình đề án của huyện A Lưới về bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc huyện A Lưới, phối hợp cử cán bộ hướng dẫn các đơn vị, ban ngành trên địa bàn tổ chức các liên hoan văn hóa văn nghệ theo đặc thù của từng ngành, đơn vị. Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thị xã Hương Thủy thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về hoạt động câu lạc bộ nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt của các Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa xã, phường, thôn, bản ...
 
 
Thực hành các giá trị văn hóa của đồng bào Pa Cô huyện A Lưới do các nghệ nhân truyền dạy
 
Với sự nỗ lực của Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã và thành phố Huế công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền cổ động, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động câu lạc bộ đã được nâng cao về chất và lượng, tạo điều kiện để người dân tham gia và chủ thể sáng tạo trong các hoạt động văn hóa tại địa phương.
* Thực trạng của hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không phải Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh cũng làm tốt công tác này. Thực tiễn hoạt động tại các địa phương cho thấy đội ngũ làm công tác văn hóa trên địa bàn tỉnh hầu hết không được đào tạo bài bản về chuyên ngành văn hóa, xã hội nên chất lượng các hoạt động văn hóa thường lặp đi lặp lại qua các năm, khó có sự sáng tạo, thường lệ thuộc vào sự chỉ đạo chung của UBND các xã, phường, thị trấn. Cán bộ văn hóa ít có điều kiện trang bị kiến thức, rèn luyện nghiệp vụ nên gặp lúng túng trong triển khai, nâng cao chất lượng phong trào; một số cán bộ chuyên môn có năng lực, am hiểu về công việc, năng động thường được luân chuyển vào các vị trí công việc mới dẫn đến chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa bền vững, chưa phát huy được chức năng, nhiệm vụ đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở cơ sở. Một số đơn vị tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa tại cơ sở vẫn chưa được tổ chức thường xuyên, nội dung còn nặng về lý thuyết, văn bản.  Do thực hiện đề án sát nhập giữa một bộ phận từ Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài truyền thanh huyện dẫn đến những biến động về nhân sự từ cán bộ lãnh đạo đến chuyên viên, một số đơn vị chưa bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ nghiệp vụ có chuyên môn cao để đáp ứng nhiệm vụ công tác. Công tác nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của hệ thống cán bộ cơ sở về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa được tiến hành một cách khoa học, bài bản dẫn đến việc tổ chức các lớp học, tập huấn chưa đạt được mục tiêu.
 
 
Thực hành trình diễn Bài chòi
 
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng và đào tạo cán bộ cho các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa chỉ mới đáp ứng một phần chi phí duy trì hoạt động; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao còn ở mức thấp. Đội ngũ cán bộ tại chổ của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, phòng Văn hóa Thông tin có năng lực, tổ chức hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho phương pháp viên hạng dưới đúng theo tiêu chuẩn chức danh Phương pháp viên hạng II chưa nhiều. Do đó, khó có thể khai thác, tận dụng đội ngũ này để làm lực lượng nồng cốt trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn)
* Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ
Việc tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở là vấn đề rất quan trọng để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao cấp huyện trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với hệ thống cán bộ cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa thì Ngành Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
Hàng năm cần phân bổ nguồn kinh phí hợp lý cho hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ (trong đó có kinh phí tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng và kinh phí cử cán bộ của Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ). Các Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao đã chủ động đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa gắn với dịch vụ và thị trường theo Quy hoạch thiết chế văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 20/2013 của UBND tỉnh phê duyệt và Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Văn hóa và Thể thao. 
Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện cần mời những người có năng lực, chức danh phương pháp viên hạng II hiện đang công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tham gia vào công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn).
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh với chức năng nhiệm vụ của mình xây dựng và thực hiện các đề án, kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực cho nhóm ngành văn hóa trình Sở Văn hóa và Thể thao nhằm đảm bảo cung cấp một phần nhân lực hướng dẫn nghiệp vụ cho Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao cấp huyện.
Nội dung đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở của Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã và thành phố Huế hàng năm phải có kế hoạch chi tiết, đối tượng cụ thể, nội dung tổ chức linh hoạt, bám sát với nhu cầu hoạt động của cán bộ cơ sở.
tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo chuyên ngành có uy tín trên địa bàn tỉnh cũng như các Trường Đại học, Cao đẳng trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn (theo chuyên đề, bồi dưỡng đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ hành nghề hoặc các nội dung khác theo đơn đặt hàng của từng địa phương).
Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở, các Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao cấp huyện tiếp tục phát huy vai trò hướng dẫn nghiệp vụ của mình nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh. Đây chính là lực đẩy, là điều kiện cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố và nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đi vào chiều sâu, bền vững./. 
Bài và ảnh: Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.