2. Từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước
Hương ước, quy ước thực chất là một công cụ tự quản của cộng đồng dân cư, giúp cho việc điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong cộng đồng dân cư. Chính vì thế, cần phải xác định rằng chủ thể hương ước phải là người dân của chính cộng đồng. Trên cơ sở từ chỉ đạo, định hướng của chính quyền, sự phối hợp của các cấp, các ngành và đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương, cần huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình soạn thảo hương ước, quy ước; tham khảo ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những nhân vật có uy tín tại địa phương.
Để Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, chúng ta cần tập chung một số nhiệm vụ căn bản đó là: Hướng dẫn quy trình xây dựng hương ước, quy ước cụ thể, rõ ràng, phù hợp với đặc thù văn hóa vùng miền, dân tộc; Đa dạng hóa hình thức của hương ước, tuy nhiên nội dung hương ước, quy ước cần cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện; Nội dung hương ước, quy ước bao quát mọi vấn đề trong đời sống của cộng đồng, trong đó có những quy định cụ thể về quy tắc; Không ngừng đổi mới phương thức tổ chức thực hiện hương ước, quy ước, phát huy dân chủ ở cơ sở, tính tự chủ, sáng tạo của cộng đồng, tránh hình thức, tránh xu hướng “hành chính hóa” trong quá trình soạn thảo và thực hiện hương ước.
Trong công tác quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế quản lý, phối hợp giữa các ngành ngành liên quan là vô cùng quan trong, bởi hương ước, quy ước điều chỉnh rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong cọng đồng dân cư, bởi vậy cần phải có sợ phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong công tác chỉ đạo, xây dựng và triển khai thực hiện quy ước, hương ước theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị.
Phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở, như: Văn hóa, Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan kiểm tra, giám sát.
Phối hợp trong công tác tuyên truyền về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; vận động xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; tác hại của bạo lực gia đình; kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử trong gia đình, trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp của các thành viên gia đình.
3. Tăng cường đầu tư về nguồn lực, tạo điều kiện đảm bảo việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước
Thực tế cho thấy công tác triển khai xây dựng, thực hiện hương ước ở các địa phương đều rất khó khăn về kinh phí. Nguồn lực để triển khai xây dựng hương ước, quy ước chủ yếu được lồng ghép từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật... Các nguồn lực đầu tư cho việc triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở còn rất hạn chế, chưa có cán bộ chuyên trách và nguồn lực tài chính hỗ trợ trong việc soạn thảo, in ấn, tài liệu.
Tận dụng, phát huy nguồn nhân lực của các tổ chức chính trị xã hội; bố trí cán bộ chuyên trách về công tác xây dựng, theo dõi việc triển khai thực hiện hương ước, quy ước ở địa phương. Hiện nay, việc xây dựng hương ước, quy ước lại giao cho chính quyền xã, thôn; phòng Văn hóa - Thông tin huyện có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện bảo đảm các nội dung của hương ước, quy ước phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy tắc xây dựng nếp sống văn hóa, xem xét tính hợp pháp, loại bỏ những nội dung trái với các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm kỹ thuật xây dựng hương ước, quy ước.
Về tài chính, phải tận dụng nguồn lực từ các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” “Phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, hạt nhân là phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, các chương trình phổ biến pháp luật; các phong trào phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội ở địa phương. Vận dụng nguồn lực về cơ sở vật chất, hạ tầng, các thiết chế văn hóa, xã hội ở khu dân cư như có sẵn như: Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa, các khu vui chơi giải trí, sân bãi, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hệ thống truyền thanh của thôn làng... phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các văn bản, tài liệu hướng dẫn về triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở; tổ chức họp lấy ý kiến, tổng kết, đánh giá kết quả, tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư.
Thường xuyên sơ kết, tổng kết công tác triển khai thực hiện hương ước, quy ước ở các cấp, các ngành chưa được tiến hành thường xuyên để đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, từ đó có sự chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời; khen thưởng, tuyên dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong xây dựng và triển khai thực hiện hương ước, quy ước ở địa phương, thu hút sự tham gia của người dân đối với việc giám sát triển khai thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, làng, ấp, bản...
4. Tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý, xây dựng, hướng dẫn thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở
Việc triển khai xây dựng hương ước, quy ước được Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, lực lượng triển khai trực tiếp ở các cấp thường là cán bộ kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách quản lý, hướng dẫn về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Trong khi đó, việc xây dựng hương ước, quy ước ở các thôn, làng, ấp, bản lại do cộng đồng đảm nhiệm, trực tiếp là Chi ủy thôn, gồm đại diện: Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Chi hội Cựu chiến binh, Trưởng thôn, Trưởng các dòng tộc, những người già trong làng am hiểu văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của cộng đồng là những người tham gia vào ban soạn thảo. Những người tham gia soạn thảo hương ước, quy ước chủ yếu dựa trên sự hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân hoặc học hỏi từ việc xây dựng hương ước, quy ước của các làng đã làm trước để xây dựng hương ước, quy ước cho làng mình. Do vậy, việc tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên môn, người tham gia xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước là một trong những giải pháp quan trọng. Nội dung tập huấn phù hợp, trong đó cần tập trung vào những nội dung như: Phổ biến chủ trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Xây dựng nội dung tài liệu hướng dẫn phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, phong tục, tập quán của từng vùng, miền. Cử cán bộ quản lý không chỉ nắm chắc các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước liên quan đến việc xây dựng, thực hiện hương ước mà còn phải có kỹ năng, am hiểu phong tục, tập quán của của cộng đồng địa phương. Hướng dẫn cụ thể về nội dung và hình thức thể hiện của hương ước, quy ước; trình tự, thủ tục soạn thảo, thông qua, phê duyệt, tổ chức thực hiện; việc sửa đổi, bổ sung… Hướng dẫn rà soát, thống kê, đánh giá kết quả việc triển khai, thực hiện.
Về phương thức tập huấn, cần phải tập huấn theo chuyên đề, ví dụ như: Chuyên đề phổ biến các văn bản, quy định nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; Chuyên đề về công tác hướng dẫn, triển khai xây dựng và thực hiện hương ước. Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm về công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước để tham khảo ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý nhằm đưa ra các giải pháp quản lý, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước một cách hiệu quả.
5. Tăng cường tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước
Tổ chức giám sát, kiểm tra xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước là khâu quan trọng đảm bảo cho hương ước, quy ước được thực hiện nghiêm túc, phát huy được vị trí, vai trò tự quản của cộng đồng, gìn giữ và bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương; mặt khác còn kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập, hạn chế, những vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện để có sự điều chỉnh, nhắc nhở, xử lý. Thực tế ở một số địa phương cho thấy, công tác giám sát, kiểm tra xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước chưa được tiến hành thường xuyên; thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể. Nội dung giám sát, kiểm tra chủ yếu giao cho cán bộ văn hóa, cán bộ hộ tịch xã đảm nhiệm, hoặc giao cho cấp thôn tự giám sát, tổng kết, đánh giá.
Vậy để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt dộng kiểm tra, giám sát cần thực hiện tốt một số giải pháp như: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cùng cấp tăng cường công tác giám sát việc triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở địa phương đúng theo quy định của pháp luật. Vận động, khuyến khích, động viên các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng và người dân tham gia vào công tác giám sát việc triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở. Đề cao vai trò của cộng đồng, trưởng các dòng họ và người dân tham gia giám sát việc triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng theo quy định của nhà nước. Nội dung kiểm tra giám sát phải tập trung, trong điểm đặc biệt là giám sát về trình tự xây dựng hương ước, quy ước; nội dung hương ước, quy ước có trái với quy định pháp luật hay phù hợp với đặc thù văn hóa của vùng, miền, dân tộc.