* “Mười chín tháng Tám” sống mãi với thời gian
Trong số những ca khúc viết về cao trào Cách mạng tháng Tám 1945 có nhiều bài được sáng tác trước thời điểm diễn ra cuộc tổng khởi nghĩa. Nhưng cũng có ca khúc được tác giả sáng tác ngay trong thời điểm diễn ra cuộc đấu tranh sôi sục của quần chúng Nhân dân, ca khúc "Mười chín Tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh là ví dụ điển hình.
Ký ức vẫn còn sống động, vẹn nguyên về ngày thu lịch sử cách đây 75 năm, một bài hát chỉ vọn vẹn 10 câu, giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc, Nhạc sĩ đã sáng tác bài hát này khi ông hòa cùng dòng người đấu tranh. Khi ấy, ông vừa đi vừa viết lời hát lên trên những mảnh báo cũ, vỏ bao thuốc lá. Viết được dòng nào, ông hát lên cho mọi người cùng hát theo và đến chiều cùng ngày thì bài hát được in lại và phổ biến rộng rãi. Trong dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám thành công (1945-2005), cũng là lúc nhạc sĩ Xuân Oanh đã 82 tuổi, khi kể lại hoàn cảnh ra đời của bài hát, ông nhắc đến một chi tiết rất thú vị đó là khi bài hát vừa hình thành, có người hỏi tên bài hát là gì, ông ngớ người ra là chưa kịp đặt tên cho bài hát. Nhưng rồi với mấy lời ca trong bài cứ nhắc đi nhắc lại câu “Mười chín tháng Tám” và thêm không khí rạo rực của ngày hôm đó (19/8/1945), ông liền nói, tên bài hát là “Mười chín tháng Tám”, mọi người thấy sao? Mọi người cười hồ hởi, tán dương.
Đến chiều hôm đó, nhạc sĩ Xuân Oanh mới viết ra giấy bài hát “Mười chín tháng Tám” gửi cho một người bạn làm nghề xuất bản nhờ in ra và ngay sau đó, bài hát được phát hành rộng rãi, vào tận miền Nam. Sau đó ít ngày, bài hát được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm và phát sóng liên tục cả tuần tiếp đó, vào đúng dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 nên bài hát càng có ý nghĩa sâu sắc và đọng lại mãi trong lòng mọi người.
Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, hiếm có bài hát nào lại được đặt tên từ chính một ngày cụ thể - “Mười chín tháng Tám”. Cái tên giản dị “Mười chín tháng Tám” đã gói trọn ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện hào hùng của dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” giành lấy độc lập, tự do mà trong đó mỗi người dân đã góp phần làm nên sự nghiệp vĩ đại trong lịch sử dựng nước và giữ nuớc của dân tộc ta. Bài hát “Mười chín tháng Tám” đã và sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và Nhân dân ta, trở thành nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ với những người quân và dân ta khắp mọi miền đất nước. Đến nay, sau 75 năm, ca khúc “Mười chín tháng Tám” hàng năm vẫn vang lên hùng tráng vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công 19/8 và Quốc khánh 2/9.
* Khi tiếng gọi Tổ quốc vang lên
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp là giai đoạn thăng hoa trong sự nghiệp của các Nhạc sỹ như “Tiến quân ca” của Văn Cao, “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, “Du kích ca” của Đỗ Nhuận, “Lên đàng” và “Tiếng gọi thanh niên”của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước... Nhạc sĩ Văn Cao viết bài hát “Tiến quân ca” (Quốc ca) trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền vào năm 1944. Nhạc sĩ Văn Cao từng cho rằng, tên bài hát và lời ca khúc “Tiến quân ca” là sự tiếp tục từ ca khúc “Thăng Long hành khúc ca” trước đó. Ngay từ khi ra đời, bài hát được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng tháng Tám, ca khúc này được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi đất nước thống nhất (1975) cho đến nay, ca khúc "Tiến quân ca" tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi được chọn chính thức làm quốc ca, phần lời của Quốc ca cũng đã được sửa đổi khác đôi chỗ so với bản gốc "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao. Hay tác phẩm "Tháng Tám lịch sử" là bản giao hưởng đầu tay của nhạc sĩ Doãn Nho, viết vào năm 1973, gần 30 năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông mới chỉ là một cậu bé 15 tuổi. Thế nhưng, những kí ức của ngày lịch sử ấy đi theo ông và thôi thúc ông viết bản giao hưởng này.
Vượt qua sự thử thách của thời gianvà được thời gian bồi đắp, đến nay, nhiều ca khúc cách mạng vẫn vẹn nguyên sức sống, sức lan tỏa trong lòng người. Biết bao thế hệ khán giả đã cùng hòa điệu với những lời ca, nốt nhạc hào hùng ấy, đầy chí khí của cuộc đấu tranh cách mạng. Trải qua 75 mùa thu tháng Tám với bao thăng trầm của dân tộc, những ca khúc ấy vẫn được người nghe yêu mến. Lý giải về sức sống của những ca khúc này trong lòng khán, thính giả, nhiều người cho rằng, mỗi ca khúc cách mạng là một trang lịch sử bằng âm thanh để cho thế hệ hôm nay nhìn lại quá khứ, trở về với những năm tháng hào hùng của dân tộc. Mỗi ca khúc ra đời thường gắn liền với những dấu ấn, sự kiện lịch sử cụ thể. Và chính những mốc son lịch sử dân tộc đã lay động cảm xúc của bao thế hệ nhạc sĩ, từ đó, nhiều ca khúc hay về những thời khắc lịch sử đáng nhớ ấy đã ra đời.
Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc và cũng mở ra kỷ nguyên mới cho nền âm nhạc Việt Nam. Từ những bước đi đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam, kho tàng âm nhạc Việt đã đầy lên, dày hơn qua 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế hôm nay.
Những ngày này mỗi giai điệu lịch sử vang lên không chỉ nhắc nhớ về một thời kỳ đấu tranh oanh liệt của thế hệ cha ông để bảo vệ tổ quốc mà còn là giai điệu thắp lên ý chí, niềm tự hào dân tộc, khích lệ thế hệ hôm nay gìn giữ và phát huy những thành quả đó trong thời đại mới. Trong những ngày thu tháng Tám này, chúng ta hãy cùng thêm một lần nghe lại những ca khúc cách mạng để sống lại khí thế hào hùng của dân tộc.