Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.095.220
Truy cập hiện tại 73
Để tranh cổ động tiếp tục giữ vai trò xung kích
Ngày cập nhật 06/08/2020

Mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động trực tuyến tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2020) và Quốc khánh 2/9. Cuộc thi dành cho tất cả các họa sỹ chuyên và không chuyên, công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Cùng với cuộc thi, Cục Văn hóa cơ sở trực thuộc Bộ cũng phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức phát động “Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về bảo vệ môi trường”... Đây là chuỗi hoạt động nghề nghiệp được tổ chức theo đà thắng lợi của đợt phát động tranh cổ động phòng chống Covid-19, góp phần khẳng định dòng tranh cổ động vẫn là một loại hình nghệ thuật xung kích, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một sứ mệnh đặc biệt

Tranh cổ động có một sứ mệnh đặc biệt, gắn liền với những chuyển động của đời sống xã hội. Sự nở rộ và phát triển đạt đến đỉnh cao của dòng tranh cổ động Việt Nam có lẽ phải kể đến cuộc kháng chiến chống Mỹ với những tác phẩm nghệ thuật xoay quanh chủ đề đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây hầu hết là những tác phẩm có sức lan tỏa mạnh mẽ tạo nên không khí lạc quan, tin tưởng vào cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc vừa tạo nên niềm hăng say trong lao động sản xuất với tinh thần tất cả cho tiền tuyến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và sức ép của các trào lưu văn hóa đang được du nhập vào Việt Nam theo con đường hội nhập, vị trí của dòng tranh cổ động trong đời sống mỹ thuật đã ít nhiều bị thu hẹp, thậm chí có thời kỳ chỉ xuất hiện trong các gallery bán đồ lưu niệm. Vì vậy, để tranh cổ động tiếp tục giữ vai trò xung kích, tham gia trực tiếp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, cần có nhiều giải  pháp.

Không bàn đến thời kỳ hoàng kim của tranh cổ động những năm 50, 60, 70 thậm chí 80 của thế kỷ trước, mà chỉ cần điểm qua những cuộc thi gần đây do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch hay Cục Văn hóa cơ sở tổ chức, cũng đủ thấy mối tương quan mật thiết giữa dòng tranh cổ động với chuyển động của cuộc sống đương đại. Từ Covid-19 cho đến vấn đề môi trường, hay quan trọng hơn là đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ thứ XIII đều được phản ánh trong các tác phẩm tranh cổ động. Gần đây nhất Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã trao giải thưởng cho tập thể và các tác giả có tác phẩm đạt giải trong cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020). Công bằng mà nói, để có được một đội ngũ những họa sĩ vẽ tranh cổ động có thể vượt qua danh tiếng của các họa sỹ như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến… đối với hội họa Việt vẫn còn là đường xa vạn dặm. Nhưng những giải thưởng từ các cuộc thi dành cho tranh cổ động gần đây, cho thấy đã có sự kế thừa và phát triển rất tốt không chỉ về nghề mà còn là những ý tưởng sáng tác dựa trên nền tảng truyền thống kết hợp với khoa học kỹ thuật, tạo nên một diện mạo mới cho dòng tranh cổ động, hấp dẫn và cuốn hút. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện toàn quốc có khoảng 40 họa sĩ chuyên làm tranh cổ động. Bên cạnh những họa sỹ chuyên theo đuổi lối vẽ truyền thống, cũng có nhiều họa sỹ lựa chọn đồ họa vi tính để thực hiện tác phẩm của mình. Nếu làm phép so sánh về chất lượng tác phẩm thì giới phê bình vẫn nghiêng nhiều hơn về lối vẽ truyền thống. Lý do, có không ít họa sỹ quá lạm dụng máy móc, lười đầu tư cho xây dựng ý tưởng dẫn đến cắt ghép tạo ra những sản phẩm chất lượng kém, khiến cho tranh cổ động ít nhiều mất đi giá trị.

Theo họa sỹ, NSND Phạm Minh Trí: “Công nghệ số phát triển đang hỗ trợ cho ngành đồ họa một cách mạnh mẽ, các họa sỹ trẻ được học hành, có phương tiện hỗ trợ đầy đủ nên ngôn ngữ cũng mạnh mẽ, hiện đại hơn. Nhưng tranh cổ động hiện nay lại không có được sự phát triển tương xứng bởi thiếu sự tham gia tích cực vào các vấn đề chính trị, xã hội. Các họa sỹ trẻ có nhiều mối quan tâm khác nên tranh cổ động đang bị chững lại”. Thậm chí còn xảy ra tình trạng đạo nhái ý tưởng của các họa sỹ tham gia dự thi sáng tác tranh cổ động, bị phát hiện và thu hồi quyết định giải thưởng…

Sự mờ nhạt về ý tưởng, kém nhiệt huyết trong sáng tác đã khiến cho dòng tranh cổ động “đứng yên tại chỗ”. Thậm chí không vượt ra ngoài “Bóng” của các vị tiền nhân khi mãi tuân thủ quy tắc sáng tác được coi là bất thành văn “Trời xanh mây trắng nắng vàng/ Công, nông, trí thức xếp hàng tiến lên”...

Đổi mới sáng tác

Khi đưa ra những nhận định về dòng tranh cổ động hiện nay và những giải pháp để tranh cổ động thoát khỏi các gallery bán đồ lưu niệm bước ra ngoài đời sống. Nhiều nhà phê bình mỹ thuật cho rằng: tranh cổ động phải là những tác phẩm mỹ thuật chứ không phải chỉ là vài ba hình vẽ quen thuộc với mấy dòng chữ khẩu hiệu. Những họa sỹ tranh cổ động chân chính sẽ luôn trăn trở, dằn vặt để nghĩ ra được những hình tượng, hình thức thể hiện mới.

Nhưng để làm được điều này, ngoài nỗ lực, dấn thân của họa sỹ chuyên vẽ dòng tranh cổ động cũng rất cần sự đầu tư thỏa đáng từ Bộ chủ quản. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các cuộc tuyên truyền, vận động sáng tác tranh cổ động khá nhiều, chủ yếu là của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch... Những cuộc thi này đã mở ra một sân chơi khá thú vị cho các họa sỹ. Ngoài giá trị kinh tế có thể thu được khi tham dự cuộc thi, các họa sỹ còn góp phần khôi phục, nhắc cho người yêu nghệ thuật nhớ đến sự tồn tại của dòng tranh cổ động trong đời sống mỹ thuật đương đại. Và có lẽ, cũng chính nhờ những cuộc thi này mà họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã cho rằng “Tranh cổ động vẫn luôn đồng hành với những sự kiện lớn của đất nước, góp một tiếng nói quan trọng để cùng với các lĩnh vực nghệ thuật khác chuyển tải tới người dân những thông điệp bằng một ngôn ngữ riêng, đặc biệt”.

Thứ ngôn ngữ riêng mà Chủ tịch Hội Mỹ Thuật Lương Xuân Đoàn nói đến không gì khác hơn là ý tưởng của người họa sỹ. Ý tưởng ấy xuất phát từ nội dung cụ thể, được tìm tòi sáng tạo chứ không thể chỉ cắt ghép nhằm mang đến cho công chúng tiếng nói riêng của mình, hòa đồng với mục đích, ý nghĩa của việc tuyên truyền về chính trị, về văn hóa, xã hội... mà họa sỹ hướng tới. Chưa kể đến những chủ đề, hình tượng mang tính mặc định, không hoặc rất khó thay đổi buộc họa sỹ phải tìm ra ý tưởng, hình thức thể hiện sao cho mới mẻ, sinh động, mang phong cách riêng để không trùng lặp và lặp lại chính mình. Có thể coi cuộc thi sáng tác tranh cổ động về cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua là một ví dụ cụ thể cho một đề tài mới, một mối quan tâm mới của toàn xã hội mà các họa sỹ đã nhiệt tình hưởng ứng và thành công.

Đổi mới phong cách sáng tác, xây dựng ý tưởng, am hiểu đời sống chính trị, xã hội là những yêu cầu đặt ra cho các họa sĩ chuyên vẽ tranh cổ động. Hay nói một cách nghề nghiệp nhất theo quan niệm của giới phê bình: Họa sỹ vẽ tranh cổ động muốn thành công phải biết hài hòa trong cái chung phải có cái riêng, cái riêng phải gắn với cái chung. Đó là điều mà không phải họa sỹ nào cũng có được. Chưa kể, với những họa sỹ thành công, những đãi ngộ về mặt chính sách thông qua các giải thưởng cuộc thi cũng chưa thực sự tương xứng (giải thưởng lớn trong nước thì giải A được khoảng 15 triệu đồng), nếu tranh được sử dụng trưng bày triển lãm thì được trả nhuận treo, in báo, xuất bản thì có thêm nhuận bút). Chính vì vậy, để tranh cổ động thực sự tiến về phía trước, xác lập lại vị trí quan trọng như vốn có trong đời sống mỹ thuật đương đại, rất cần có những thay đổi trong công tác đầu tư, đào tạo, triển lãm và cơ cấu giải thưởng... để những tác phẩm tranh cổ động đến được nhiều hơn với công chúng yêu nghệ thuật. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt về bản quyền và xây dựng chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm chấm dứt tình trạng khai thác các tranh cổ động một cách tự do rồi in sao bán tràn lan trên thị trường mỹ thuật hiện nay. Có như vậy, tranh cổ động mới đủ sức để thực sự bước tiếp đường xa vạn dặm.

Nguồn: baovannghe.com.vn (NN)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.