Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.099.174
Truy cập hiện tại 277
Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh- Cuộc đời và sự nghiệp”:Thể phách đã mất mà tinh anh muôn thủa vẫn còn
Ngày cập nhật 11/05/2020

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2020), Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vừa tổ chức hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh- Cuộc đời và sự nghiệp” với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu... Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì hội thảo.

Ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được công bố Ảnh: TƯ LIỆU​​​​​​

Đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh: “Cuộc đời Hồ Chí Minh và đức độ của Người là hiện thân của sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn liền với phẩm chất cao quý của người cộng sản trong thời đại mới. Hồ Chí Minh không chỉ yêu Tổ quốc và nhân dân mình, Người còn luôn mơ ước, phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp, hoà bình và hạnh phúc cho tất cả những người cùng khổ. Vạch đường, chỉ lối, đoàn kết họ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định thực hiện khẩu hiệu nổi tiếng: Vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”.
 
Trái tim Người, cho đến hơi thở cuối cùng, vẫn dành để cống hiến
 
Ông Nguyễn Văn Công đặc biệt nhấn mạnh: “Trái tim Người, cho đến hơi thở cuối cùng, vẫn dành để cống hiến cho mọi người, cho dân tộc và cho nhân loại…”. Theo ông Công, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca cách mạng, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam. Hơn 40 báo cáo khoa học tại Hội thảo không chỉ là dịp ôn lại, khẳng định vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với sự phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thiết thực, góp phần “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong giai đoạn mới...”, Giám đốc Khu di tích khẳng định.
 
Đồng chủ trì hội thảo, PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của lịch sử, của những quyết định lịch sử trong các bước ngoặt của tiến trình giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới. Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
 
“Bác Hồ dạy cách làm người”, những phân tích, hồi tưởng của nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, TS Trần Viết Hoàn một lần nữa khẳng định tấm gương đạo đức, nhân cách sống cao đẹp, vĩ đại trong những thể hiện giản dị, mộc mạc và đơn sơ của Người. “Bác Hồ trước hết là con người của lòng nhân ái. Lòng nhân ái của Bác Hồ sâu thẳm như biển cả, nhưng đồng thời lại thiết thực như hạt gạo, hạt muối. Mục đích cao nhất của cuộc đời Bác Hồ là làm sao cho mọi người đều có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Giữa mùa đông rét mướt, Bác đã từng cởi chiếc áo của mình cho một tù binh. Bác không thích gọi một trận đánh tiêu diệt nhiều địch là một trận đánh đẹp. Bác thích cái đẹp, cái nghĩa ở đời là tình người thương yêu lẫn nhau”, ông nói. Nguyên Giám đốc Khu di tích Trần Viết Hoàn cũng khẳng định, những lẽ sống ở đời mà Bác Hồ đã nêu gương sáng, là mẫu hình của vị anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa lớn của thời đại, người cộng sản mẫu mực và chiến sĩ quốc tế trong sáng, thủy chung, tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước thương dân, về tư tưởng, trí tuệ, về nhân cách, đạo đức, lối sống cho các thế hệ Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu các dân tộc thiểu số tại Giàn hoa Phủ Chủ tịch, ngày 12.3.1961 Ảnh: TƯ LIỆU
 
Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Bác Hồ là ở chỗ, dù việc lớn hay nhỏ, đối với Người bao giờ cũng là lời nói đi đôi với việc làm. Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói thì Người thực hiện nhịn ăn trước. Người khuyên cán bộ phải cần, kiêm, liêm, chính thì Người đã sống giản dị, thanh bạch, khước từ ở ngôi nhà sang trọng thuộc thời Toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ Toàn quyền thời đó, đến khi nhận một chút tài sản của Đảng, của nhân dân dành cho thì Người đã nhận một ngôi nhà sàn đúng như điều Người muốn. “Chúng ta chỉ có thể học tập, quán triệt và làm theo lẽ sống ấy của Người thì mới đáp đền sự mong muốn của Người… Học, làm theo đạo lý làm người mà Bác Hồ đã nêu gương sáng, đấy là kỳ vọng mà nhiều người trông chờ vào cuộc vận động “Học, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, để cứu vãn tình hình nghiêm trọng hiện nay về sự sa đọa đạo lý sống Việt Nam mà một bộ phận cán bộ, đảng viên hư hỏng gây ra...”, ông Hoàn nhấn mạnh.
 
“Muốn có oai tín thể diện, thì phải làm việc cho giỏi”
 
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu: “Cuộc đời Người là một biểu tượng sáng ngời trong lịch sử loài người thế kỷ XX và mãi mãi về sau, một thiên tài “thể phách đã mất mà tinh anh muôn thủa vẫn còn”, một tấm gương của vị lãnh tụ kiên cường, suốt đời chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân và đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, công bằng xã hội, củng cố, phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc trên toàn thế giới”. Thứ trưởng nêu rõ, các tham luận tại hội thảo với những phân tích sâu sắc, khoa học đã tập trung làm rõ 5 nhóm vấn đề chính:
 
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì hội thảo Ảnh: KHIẾU MINH
 
Các mốc sự kiện mang ý nghĩa quan trọng về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Một số quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, độc lập tự chủ, đoàn kết, công tác cán bộ, giáo dục, đổi mới, phong cách lãnh đạo, nguồn lực cơ sở...; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Giải pháp và đề xuất để phát huy tác dụng, nâng cao chất lượng tuyên truyền trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Sự tôn vinh, lòng ngưỡng mộ, tình cảm kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới... Các tham luận, báo cáo khoa học từ nhiều góc độ tiếp tục khẳng định sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
PGS.TS Lý Việt Quang, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nêu, “trong công cuộc đổi mới hiện nay, việc nhận thức và thực hiện đầy đủ hơn, rõ ràng hơn vai trò của nguồn lực con người đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt là trên phương diện con người cộng đồng gắn kết chặt chẽ, song hành với con người cá nhân, là sự trở lại với những giá trị đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy nguồn lực con người trong tình hình mới”. Tiếp cận từ góc độ “Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mở đường cho ngoại giao nhân dân Việt Nam”, bà Lý Hoàng Điệp, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh: Trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn tiếp tục vận dụng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngoại giao nhân dân để làm cho thế giới hiểu rõ hơn về đất nước, con người, công cuộc đổi mới của Việt Nam, đường lối chính sách của Đảng, nhân dân ta, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và hợp tác ngày càng rộng rãi của thế giới.
 
PGS.TS Doãn Thị Chín, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu những luận điểm về học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh của người cán bộ, đảng viên hiện nay, nhấn mạnh: Hồ Chí Minh chỉ rõ: Có người cho rằng “phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện. Nói thế hết sức sai. Muốn có oai tín thể diện, thì phải làm việc cho giỏi. Nếu ăn mặc bảnh, mà được oai tín thể diện, thì mấy chàng Sở Khanh chẳng nhiều thể diện oai tín lắm ư?”. Hiện nay, có không ít cán bộ ăn chơi hoang phí, xa xỉ, trong khi nhân dân còn nhiều người đói khổ, họ không biết hoặc cố tình quên rằng, hoang phí, xa xỉ công sức, tiền của nhân dân “là một tội ác”. Cũng có không ít cán bộ thể hiện uy tín, thể diện của mình bằng những trang bị vật chất xa hoa mà ít quan tâm đến hiệu quả công việc, đến nguyện vọng của quần chúng nhân dân; họ không biết rằng, làm như vậy là họ đã tự xa dân, tự đánh mất đi niềm tin của quần chúng…
 
“Thực tiễn trong quá trình xây dựng và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên được “dân mến, dân tin, dân phục, dân yêu” là nhờ thực hiện nghiêm túc những lời dạy chí tình, chí nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng…”, theo PGS.TS Doãn Thị Chín. 
Theo Báo Văn hóa (HN)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.