Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.093.305
Truy cập hiện tại 183
Huyện A Lưới: phát triển du lịch gắn với bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
Ngày cập nhật 19/07/2019

A Lưới là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách Thành phố Huế 70km về phía Tây, giáp với biên giới Việt - Lào. Là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, A Lưới luôn giữ trong mình nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích chiến tranh cách mạng tiêu biểu, nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ kỳ vỹ. Nơi hội tụ những sắc màu văn hóa của 5 dân tộc anh em Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh với nhiều tiềm năng du lịch đang được khai thác và phát huy một cách hiệu quả. 

* Phong phú, hấp dẫn về tài nguyên du lịch
A Lưới ẩn chứa trong mình nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên phong phú, đa dạng, đầy màu sắc.  Có nhiều cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, và các giá trị văn hóa – nhân văn cũng như tính nhân ái hiếu khách của người dân A Lưới đã trở thành nguồn tài nguyên vô giá. Với hệ thống di tích lịch sử cách mạng ghi dấu các chiến công anh dũng của dân và quân A Lưới cùng cả nước. Toàn huyện có 72 di tích lịch sử, có 7 điểm di tích cấp quốc gia, trong đó, di tích đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, con đường đã đi vào huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc với những cái tên quen thuộc như: hệ thống địa đạo của Khu ủy Trị Thiên trong dãy núi A Túc, cụm địa đạo Động So, A Đon, động Tiên Công; các sân bay ASo,  A Co, đồi A Biah…
 
 
Điểm du lịch sinh thái duối  Pâr le, xã Hồng Hạ
 
Bên cạnh những tiềm năng du lịch di tích lịch sử văn hóa,  A Lưới được nhắc đến như là một vùng đất còn lưu trữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc. Đến với A Lưới du khách sẽ được trải nghiệm loại hình du lịch Homestay trong những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới như nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu, nhà Rông của dân tộc Tà Ôi, nhà Dài của dân tộc Pa Cô. Hòa mình trong các lễ hội truyền thống văn hóa dân tộc,  nhất là lễ hội A Riêu Ping của người Pa Cô và lễ Aza. Thưởng thức loại hình văn nghệ dân gian, các làn điệu dân ca như Hát Kâr lơi, Ba boih, Cha chấp, Xiềng… mang âm hưởng, hơi thở của núi rừng Trường Sơn. Tìm hiểu phong tục, tập quán đặc sắc, khám phá và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc nơi đâyvà cùng thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống như cơm nếp nương, bánh nếp A Coác, rượu đoác, rượu cần, cá suối v.v. tạo nên sự đa dạng, phong phú, đặc sắc của văn hóa dân tộc, làm cho A Lưới càng trở nên hấp dẫn, là nguồn tài nguyên quan trọng  để khai thác phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch cộng đồng ...
Với địa hình đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú đã tạo cho A Lưới những thắng cảnh đẹp như Thác A Nôr, thượng nguồn suối Đăq Pling, suối Pâr le …Cách trung tâm huyện 30 km là những cánh rừng nguyên sinh A Roàng  được coi là đẹp nhất và suối nước nóng rất cuốn hút,  độc đáo được đưa vào hoạt động du lịch của huyện. Đây là khu rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn, với diện tích khoảng 3.000 ha kéo dài từ A Lưới đến tận Quảng Nam với nhiều thác cao, vực sâu, rất hấp dẫn đối với loại hình du lịch sinh thái và dành cho những người yêu thích phiêu lưu, mạo hiểm,  trải nghiệm, khám phá sự đa dạng sinh học ở rừng nguyên sinh A Roàng và những địa điểm hấp dẫn khác … 
Hệ thống giao thông thuận lợi, nằm trên đường quốc lộ 49 nối A Lưới với thành phố Huế, tuyến đường Hồ Chí Minh giúp A Lưới thông thương với Quảng Trị, Quảng Nam, có các cửa khẩu thông với nước bạn Lào đã được mở của như: Hồng Vân - Cu Tai, A Đớt - Tà Vàng, hứa hẹn cho du lịch A Lưới bứt phá.
* Kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa.
Trong những năm qua, huyện A Lưới đã chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo cho phát triển nhanh, bền vững. 
UBND huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa, du lịch gắn với xây dựng nếp sống văn minh, tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Phòng VHTT huyện phối với với Ban văn hóa các xã  thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt là dân ca, dân vũ, dân nhạc và các lễ hội mang bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Sưu tầm và phát hành sách “Truyện cổ Pa Cô”; thực hiện thành công  đề tài “Dịch chuyển lời 20 ca khúc viết về Đảng, Bác Hồ và ca ngợi quê hương A Lưới” nhằm phát huy truyền thống văn hóa, cốt cách đồng bào các dân tộc,  đưa văn hóa truyền thống thấm sâu vào đời sống xã hội. Thực hiện đề án bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, phòng VHTT đã mở 09 lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ tại các xã trên địa bàn huyện, 02 lớp truyền dạy nghề điêu khắc, 04 lớp truyền dạy nghề đan lát thủ công truyền thống. Xây dựng danh mục để sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Hoàn thiện không gian làng truyền thống kết hợp với phát triển du lịch tại xã Hồng Kim, làng du lịch sinh thái cộng đồng Việt - Tiến - A Nôr, đưa vào sử dụng sản phẩm du lịch “một ngày làm già làng” thu hút đông đảo du khách trải nghiệm.
 
Dịch vụ Homestay
 
Truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa của từng dân tộc đã được bảo tồn và khai thác, mở rộng giao lưu giữa các dân tộc thông qua festival nghề truyền thống Huế, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch được định kỳ tổ chức 02 năm một lần với quy mô toàn tỉnh và tham gia các hội diễn, liên hoan quy mô khu vực, toàn quốc đã góp phần phát huy, quảng bá, giới thiệu với du khách trong và ngoài tỉnh vẻ đẹp độc đáo riêng có của vùng cao A Lưới. Đặc biệt trong các kỳ Festival Huế vải Zèng thổ cẩm của A Lưới được trình diễn trên sân khấu qua bộ sưu tập của các nhà thiết kế thời trang và trong năm 2016 nghề dệt Zèng truyền thống của các dân tộc huyện A Lưới đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân huyện cũng cho xây dựng nhiều phương án hỗ trợ phát triển du lịch homestay tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng và một số hộ gia đình tại xã Hồng Kim, Hồng Hạ, A Roàng và Nhâm nhằm phát huy tiềm năng du lịch đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Huyện A Lưới xác định du lịch homestay phát triển góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần tôn vinh và giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người A Lưới. 
 
 
Lớp truyền dạy dân ca
 
Công tác hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch A Lưới ngày càng được đầu tư, thu hút  đông đảo du khách đến tham quan các điểm du lịch. Trong đó, A Lưới đã liên kết thành công và hiệu quả với 03 huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam) xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng phát huy thế mạnh của mình. Bên cạnh đó, A Lưới luôn tăng cường công tác quảng bá về tiềm năng du lịch A Lưới trên các phương tiện truyền thông, phối hợp với VTV3 thực hiện chương trình vẻ đẹp Á Đông “tìm hiểu về quy trình dẹt Zèng, các điệu múa và trang phục truyền thống của đồng bào Cơ Tu, cách làm đẹp độc đáo của người Pa Cô ...; phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) thực hiện chương trình “Trường sơn đông gọi Trường Sơn Tây - Đường qua A Lưới”... Nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế, nâng cao và đa dạng hóa du lịch của A Lưới trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện cho biết:  Huyện sẽ tập trung xây dựng một chiến lược tổng thế phát triển du lịch trên cơ sở đánh giá có hệ thống những tiềm năng, điều kiện về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng và các nguồn nhân lực khác cho phát triển du lịch, từ đó làm bàn đạp vững chắc phát triển ngành kinh tế được xem là quan trọng của huyện nhà, nhằm tối đa hóa đóng góp của du lịch đối với kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cùng với đó bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.
Bài và ảnh: Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.