Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.103.225
Truy cập hiện tại 1.261
Lựa chọn & định hình cách thức tổ chức lễ hội
Ngày cập nhật 04/07/2019

Huế đang xây dựng hình ảnh “Kinh đô lễ hội” bằng việc tổ chức nhiều lễ hội khác nhau, cùng với đó là thực hiện đề án “Festival bốn mùa”. Tuy nhiên, nếu không hệ thống, lựa chọn được những lễ hội tiêu biểu và cách thức tổ chức chuyên nghiệp thì rất khó để lễ hội trở thành sản phẩm du lịch.

Huế là vùng đất nổi tiếng với các lễ hội

Dấu hỏi về chất lượng

Du lịch lễ hội là một trong những sản phẩm văn hóa đặc trưng của Huế, được định hướng phát triển để tăng khả năng thu hút khách du lịch. Thời gian qua, thông qua tổ chức lễ hội, khách du lịch phần nào cảm nhận được nét văn hóa của một vùng đất, đời sống tinh thần phong phú của người dân Cố đô.

Tính đa dạng của lễ hội Huế đã và đang góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch, nhất là dòng khách hành hương. Không chỉ lễ hội truyền thống mà những lễ hội đương đại cũng được tổ chức và từng bước xây dựng thương hiệu trên bản đồ lễ hội của cả nước và thế giới, như Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế, được phân chia tổ chức định kỳ hàng năm.

Một điều không khó nhận ra là du lịch lễ hội ở Huế dù có lợi thế, nhưng chưa thể “ăn” khách. Mới đây, ngành du lịch tổ chức buổi trao đổi với các doanh nghiệp du lịch để đánh giá sức hấp dẫn của lễ hội Huế trong việc phát triển du lịch Huế nói chung. Các doanh nghiệp đều cho rằng, bỏ qua vấn đề đáp ứng nhu cầu văn hóa, đời sống tâm linh của người dân bản địa, ở khía cạnh phục vụ du lịch thì lễ hội ở Huế vẫn chưa làm tốt chức năng là một sản phẩm du lịch đúng nghĩa.

Có khá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến du lịch lễ hội ở Huế. Du lịch lễ hội lấy lễ hội làm đối tượng chính trong mục đích đi du lịch. Tuy nhiên, hoạt động lễ hội ở Huế chủ yếu tổ chức vào mùa xuân, mùa hè và mùa thu lại thiếu. Từng dòng khách, quốc tịch, tôn giáo, đối tượng khách theo độ tuổi, theo nghề nghiệp… khác nhau, cũng có nhu cầu về thưởng thức lễ hội khác nhau là yếu tố khách quan khiến lễ hội còn kén khách.

Lễ hội đã mang những yếu tố khoanh vùng dòng khách dựa trên đặc trưng riêng. Dù thế, đã hướng đến du lịch thì đòi hỏi hình thái tổ chức của lễ hội phải thay đổi. Để thu hút khách du lịch cần tính đến cải tiến lễ hội. Chẳng hạn như hội vật làng Sình, ngoài việc thi thố của các đô vật ở Huế, việc tổ chức một cuộc thi mang tính trải nghiệm, giải trí cho du khách tham gia cũng cần được triển khai.

Chất lượng các lễ hội cũng là điều cần được đánh giá lại. Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế nhìn nhận, lễ hội Huế hiện thiếu tính hệ thống và kết nối để thành chuỗi lễ hội phục vụ khách. Ngay cả những lễ hội vào mùa xuân, tính kết nối là khả thi nhất, nhưng còn nhiều lễ hội tổ chức thiếu bài bản, quy mô nhỏ lẻ, xét về yếu tố phục vụ du lịch rất khó đạt mục tiêu.

Lễ hội đường phố tại Festival Huế

Định hình cách tổ chức

Du lịch lễ hội lấy lễ hội làm điểm tựa, hoạt động du lịch lễ hội góp phần tôn vinh, bảo vệ bản sắc văn hóa của lễ hội, điểm tựa để gìn giữ và phát triển. Việc tổ chức đảm bảo được các tiêu chí thì lễ hội không chỉ tăng khả năng phục vụ khách mà còn cơ hội để bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, thời gian qua, ngành du lịch nghiên cứu tổ chức một số loại hình lễ hội kết hợp giữa truyền thống và đương đại nhằm làm phong phú, đa dạng hơn các hoạt động thu hút khách đến Huế trải đều trong năm. Các lễ hội hướng đến góp phần khẳng định danh hiệu Huế - thành phố Festival và mục tiêu chính hướng tới là tạo thêm các sự kiện, đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm, khám phá cho du khách khi đến Huế.

Việc tổ chức được các lễ hội là điều đáng khích lệ trong bối cảnh Huế còn thiếu các điểm nhấn để thu hút khách. Hạn chế có thể thấy là khả năng quảng bá cho lễ hội còn rất yếu. Vì thế, các lễ hội chỉ dừng lại phục vụ người dân địa phương là chính. Quay lại thời điểm năm 2018, cũng có một số lễ hội được tổ chức. Do thiếu kinh nghiệm và thời gian quyết định tổ chức lễ hội quá gấp gáp nên chỉ còn vài ngày mới công bố. Lúc này, sự chủ động để thu hút khách đến Huế tham gia lễ hội cũng không còn, nên những du khách tham gia vào lễ hội cũng chỉ là “ăn may”, đến Huế rồi, có lễ hội thế là tham gia.  

Lễ hội Diều 2019 cần được quảng bá chuyên nghiệp hơn 

“Công nghệ” tổ chức là điều bắt buộc mới có thể chuyên nghiệp hóa lễ hội. Tổ chức bài bản mới hướng đến phục vụ du lịch. Lâu nay, cách thức tổ chức mới dừng lại ở việc bảo tồn lễ hội, duy trì tổ chức là để thỏa mãn đời sống văn hóa của người dân. Hệ thống lại những lễ hội tiêu biểu, có khả năng phục vụ tốt du khách là điều cần thiết và nên giao cho một đơn vị tổ chức sẽ hướng đến tính chuyên nghiệp, chất lượng.

Để thực hiện được yêu cầu trên, theo các chuyên gia, Huế cần có chính sách phát triển sản phẩm du lịch lễ hội theo quy hoạch phát triển du lịch của địa phương. Xác định được sự hấp dẫn và tiềm năng của du lịch lễ hội. Điều chỉnh cơ sở tiện nghi gần điểm du lịch lễ hội và dịch vụ phục vụ để trở thành sản phẩm du lịch. Tăng khả năng quảng bá, thông tin tới khách du lịch hiện tại và các dòng khách tiềm năng...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung khi tham dự một lễ hội văn hóa đã khẳng định, Huế đang định hướng phát triển du lịch lễ hội. Để lễ hội trở thành sản phẩm hấp dẫn cần có những sự điều chỉnh phù hợp hơn. Như lễ tế đàn Xã Tắc, đang được tổ chức lúc nửa đêm thì khó có thể thu hút khách du lịch. Do đó, sẽ có sự thay đổi trong cách tổ chức để vừa giữ được nét tâm linh, truyền thống, vừa có thể phục vụ du khách vào khung thời gian phù hợp.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế (MH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.