"Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc"
Những ngày này, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh nhộn nhịp hơn bình thường. Khách tham quan từ các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đến các thế hệ trẻ tới tìm hiểu những hình ảnh, hiện vật phản ánh sự trưởng thành lớn mạnh của Bộ đội Trường Sơn trên con đường huyền thoại. Hàng vạn hiện vật, hình ảnh thoáng qua rất nhỏ bé, đơn sơ, nhưng ở đó lại ẩn chứa những câu chuyện xúc động, minh chứng cho tinh thần bất khuất của dân tộc ta trong bản hùng ca lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Cách đây tròn 60 năm, ngày 19.5.1959, tuyến đường Trường Sơn đã ra đời với nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế với hai nước bạn Lào và Campuchia. Trong 16 năm, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, dũng cảm, mưu trí, đoàn kết hiệp đồng, các lực lượng Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vừa chiến đấu vừa xây dựng, đã hoàn thành mạng lưới đường chiến lược xuyên qua dãy núi Trường Sơn hùng vĩ và trùng điệp, trải dài qua 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh nước bạn Lào, và 4 tỉnh của Campuchia, với độ dài gần 20.000km, gồm 5 hệ thống trục dọc, 21 hệ thống trục ngang. Từ lúc “quân đi tính từng người”, đến khi trên đường Trường Sơn có cả ngàn xe tăng, pháo lớn, tên lửa cùng hàng binh đoàn - quân đoàn rầm rập ra trận. Từ lúc “gùi hàng tính từng cân” đến lúc hàng vạn ô tô chở hàng triệu tấn vũ khí - hàng hóa được vận chuyển từ miền Bắc đến với miền Nam ruột thịt...
“Nếu cắt đứt được đường mòn Hồ Chí Minh thì cuộc chiến tranh ở Việt Nam sẽ chấm dứt sớm hơn”. Vì vậy, suốt 16 năm (1959 - 1975), đế quốc Mỹ đã biến đường Trường Sơn thành “tuyến lửa”. Trong giai đoạn đó, chúng đã trút xuống con đường này hơn 4 triệu tấn bom đạn, hàng triệu quả mìn các loại, hàng vạn khí tài trinh sát điện tử hiện đại và hơn 10 triệu lít chất độc hóa học, làm cho núi rừng Trường Sơn ngày đêm rung chuyển... Trong hoàn cảnh đó, “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”... là mệnh lệnh sống của bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ trên tuyến đường huyết mạch trong toàn bộ hệ thống chi viện chiến lược.
Ở nơi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc ấy, cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn luôn giữ vững tư tưởng tiến công, chủ động, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo ra nhiều giải pháp độc đáo, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn, khiến chuyên gia quân sự Mỹ từng ví tuyến đường như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, “là một con rắn trăm đầu, cứ chặt đầu này lại mọc ra cái đầu khác” - cán bộ Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh Nguyễn Hải Bình chia sẻ.
Cái khó ló cái khôn
Trong rất nhiều hiện vật được lưu giữ, đáng chú ý là chiếc đèn rùa của lái xe Phạm Văn Hách, Đại đội 20, Tiểu đoàn 990, Binh trạm 12 sử dụng vận chuyển hàng phục vụ chiến dịch Quảng Trị, tháng 6.1972. Trước đó, vận tải trên tuyến đường Trường Sơn vào ban đêm không thể sử dụng đèn pha ô tô vì sợ lộ, lực lượng lái xe đã có sáng kiến làm đèn gầm gắn dưới xe. Bóng đèn nhỏ được bôi quanh một lớp mỏng dầu mỡ xe ô tô, để khi xe đi bóng đèn bị bắt bụi, mờ đi, bảo đảm an toàn cho đội hình xe vận chuyển vào ban đêm. Việc lắp đèn gầm đem lại hiệu quả thiết thực nhưng chỉ áp dụng cho xe đi trên đường bằng phẳng, khi xe leo dốc, vượt đèo, dễ bị lộ bởi ánh sáng hắt lên cao.
Để đáp ứng yêu cầu thực tế chiến trường, tháng 7.1966, nhóm nghiên cứu công trình “Đèn ngụy trang ánh sáng” được thành lập, do Thiếu úy, kỹ sư Phạm Gia Nghi làm trưởng nhóm, với yêu cầu phải tìm ra nguyên lý để đèn có thể che mắt máy bay địch, đồng thời cung cấp đủ ánh sáng cho lái xe điều khiển an toàn. Sau một thời gian nghiên cứu, nhóm đã chế tạo ra đèn ngụy trang mới. Đèn được lắp vào 10 xe ô tô chạy thử ở khu vực Sơn Tây - Suối Hai - Đá Chông (K9) và ngược lại, mỗi xe chạy cách nhau 20m, phía trước có ô tô dẫn đường, phía sau có xe khóa đuôi đều bật đèn pha. Quân chủng phòng không, Không quân dùng máy bay quân sự chở Hội đồng khảo sát gồm Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ… bay thấp, bay tốc độ chậm, nhưng nhiều lần đi lại đều không phát hiện được 10 xe đi giữa. Với thành công này, đèn ngụy trang được sản xuất hàng loạt, đưa vào sử dụng trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn và đã góp phần vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam từ năm 1967 - 1975.
Sống giữa tâm bão đạn bom, khí hậu khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài của Trường Sơn, các sáng kiến tiếp tục ra đời nhằm khắc phục hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Rất nhiều sáng kiến ấy vẫn còn lại trong ký ức của những người lính Trường Sơn, như chiếc nồi quân y 3 tác dụng, dùng để chưng nước sông thành nước cất phục vụ cứu chữa thương bệnh binh năm 1973. Từ ống pháo sáng thu hồi của địch, anh em quân y gò thành nồi muốn cho hơi nước không thoát ra, lấy săm xe đạp cắt ra cuốn quanh nồi. Nguồn nước để chưng cất phải lấy từ dòng suối trong hoặc ra giữa sông để múc về, cứ 30l chưng thành 10l, chưng tiếp lần 2 chỉ còn khoảng 2l. Trong điều kiện không có hóa nghiệm, tiêm thử cho thỏ, gà và theo dõi không thấy hiện tượng sốc thuốc, anh em quân y đã lấy nước tiêm cho thương bệnh binh. Với sáng kiến này lực lượng quân y trên Trường Sơn đã áp dụng rộng khắp trên tuyến bảo đảm cứu chữa thương bệnh binh kịp thời...
Các chiến sĩ công binh Trường Sơn còn tự tạo ra chiếc hầm di động, hay còn gọi là áo giáp cơ động. Từ thùng phuy xăng công binh xẻ ra, bên ngoài lợp những lớp tre nứa, lớp vỏ cây có sẵn của rừng Trường Sơn, công binh ngồi bên trong dùng que dài khoảng 8m để kích chạm vào bom bi, bom sát thương, bom nổ mảng văng ra bị tre nứa giữ lại. Hay khi thả gạo trôi sông bị máy bay địch phát hiện, ném bom ráo riết, nhiều bao gạo đã bị vỡ, ngâm dưới nước bị chua. Bộ đội vớt mang về và tự tạo túi vắt bún và bàn ép bún để tận dụng số gạo chua đó làm thành bún cải thiện đời sống cho anh em trên tuyến...
Gắn bó với các hiện vật, hình ảnh lịch sử ấy và được gặp gỡ, nghe các câu chuyện về Trường Sơn của các cựu chiến binh, thanh niên xung phong nói về chuyện mở đường, về “túi nước khổng lồ” Trường Sơn trong mùa mưa, về những trận sốt rét rừng đáng sợ hơn cả giặc Mỹ, những lễ truy điệu sống... chị Nguyễn Hải Bình cho biết, câu chuyện về đường Trường Sơn như một bản hùng ca bi tráng, có thể nói cả ngày không dứt. Câu chuyện ấy vẫn hàng ngày được kể đến các thế hệ trẻ, nhiều học sinh ngồi nghe hàng giờ trong niềm xúc động và khâm phục ý chí quật cường, sáng tạo, bám trụ tuyến đường của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến: Địch chặn 1 đường, ta mở thêm 2, 3 đường; đường chạy đêm bị đánh, đường chạy ngày xuất hiện, từ đó những trục, mạng đường ngang nối dọc, Đông nối Tây, Bắc nối Nam được hình thành, bảo đảm nhiệm vụ chi viện của hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.