Thống kê truy cập Truy cập tổng 3.093.274 Truy cập hiện tại 188
|
Biến đổi của văn hóa nông thôn qua biểu tượng cổng làng Ngày cập nhật 25/03/2019
Cổng làng - biểu tượng lưu giữ hồn quê của những làng quê Việt Nam. Nếu trước đây, cánh cổng làng có lúc phải khép lại để bảo vệ sự bình yên của bao mái nhà trước âm mưu thôn tính của kẻ thù, thì hiện nay, cùng với quá trình đổi mới đất nước, cánh cổng làng đã được rộng mở để giao lưu, đón nhận những luồng văn hóa ngoại sinh. Tuy nhiên, phía sau cánh cổng làng lại là biết bao câu chuyện buồn vui, đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm về văn hóa làng trong quá trình đổi mới và hội nhập.
1. NHỮNG MẢNH GHÉP SAU CÁNH CỔNG LÀNG
Qua niên đại cổng làng, cho thấy từ xa xưa trong không gian làng xã với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, những “kiến trúc sư nông dân” đã tạo tác lên một thực thể sống động mang tính uy nghi, bền vững, kiên cố với những họa tiết, hoa văn, đường nét sinh động; gửi gắm tài năng, tình cảm, ý nguyện và khát vọng về sự ổn định, đầm ấm, yên vui của người dân bao đời. Cổng làng trở thành biểu tượng của sức mạnh, tinh thần đoàn kết cộng đồng; đồng thời, cũng là tín hiệu văn hóa để phân biệt, nhận diện nét đặc trưng của làng này với làng khác.
Cổng làng trở thành niềm tự hào, nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ; là nhân chứng lịch sử, chứng kiến những biến cải, tang thương của cuộc đời; là bức tường thành, là bộ lọc thẩm thấu, tiếp nhận những giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời kiên quyết không để cho những luồng văn hóa ngoại lai, những âm mưu, dã tâm thâm độc của kẻ thù có thể xâm nhập vào bên trong.
Phía sau cổng làng là cuộc sống bình yên, là sự kết nối, giao lưu thân tình của những gia đình, dòng họ, kết thành những chòm xóm, với sợi dây gắn bó bền chặt là huyết thống, hôn nhân; là những thế hệ tam đại, tứ đại đồng đường cùng quây quần bên nhau, sống có tôn ti trật tự, nghi lễ được thực hành thường xuyên với những bài học về đạo lý, về tư cách làm người; là những điều lệ quy định chặt chẽ trong hương ước, sổ tục; là những tấm gương sáng của những thế hệ đi trước lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo không gian, môi trường sống đậm chất văn hóa.
Trong không gian của làng quê, nền tảng và phương thức sản xuất, canh tác nông nghiệp thời vụ khiến con người phải tương tác, liên kết chặt chẽ với nhau để sinh tồn. Sống trong những mối quan hệ trên dưới, dọc ngang đan xen, chịu sự chi phối, giám sát của nhiều “con mắt” và dư luận làng xã khiến cá nhân luôn luôn phải tự điều chỉnh hành vi, nhìn vào mình và nghĩ đến người khác để sống đúng với khuôn mẫu, chuẩn mực mà văn hóa làng ngàn đời đã sản sinh, kiến tạo.
Trong không gian cổng làng, lớp lớp người dân lao động đã sáng tạo những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, phản ánh tâm tư, tình cảm và nguyện ước của cộng đồng. Qua lớp thời gian, qua sự đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên và thế lực ngoại xâm, những trầm tích văn hóa đã trở thành người bạn đồng hành, là điểm tựa tinh thần để người dân vượt qua những trở ngại, sống tốt và nhân ái hơn. Những di sản văn hóa đó đã kết tinh thành biểu tượng, vốn quý, tạo thành bản sắc văn hóa riêng mang đậm hồn quê, tình quê.
Cùng với quá trình mở cửa, đổi mới toàn diện đất nước trên mọi lĩnh vực, cánh cổng làng cũng chủ động mở ra để đón nhận, tiếp biến những thành tựu văn hóa, văn minh của nhân loại, làm giàu vốn văn hóa truyền thống; đồng thời, tích cực hội nhập, giao thoa với các nền văn hóa khác để chia sẻ, giới thiệu nét đặc sắc của nền văn hóa dân tộc mình; tiếp nhận những luồng văn hóa mới trên cơ tầng nền văn minh nông nghiệp lúa nước nên dấu ấn và sức chi phối của văn hóa làng xã còn đậm nét. Bên cạnh mặt tích cực, những hạn chế, như: sự nhanh nhạy, thích ứng với cái mới còn chậm; tư duy manh mún, nhỏ hẹp với tâm lý địa phương chủ nghĩa; tính gia trưởng, thói quen trọng kinh nghiệm, tuổi tác; sự nể nang, né tránh, vòng vo; áp lực của dư luận cộng đồng, tính cào bằng chủ nghĩa, ít coi trọng cá tính sáng tạo của cá nhân… chính là những lực cản lớn để làng quê khó bứt phá, hội nhập nhanh, bắt kịp với xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế.
Cánh cổng làng đã mở, thành lũy tre xanh đã trở nên thưa thớt, thông thoáng, thậm chí không còn tồn tại bao quanh xóm làng. Đó là tín hiệu cho thấy khoảng cách giữa các làng cổ truyền không còn những vách ngăn kiên cố; người dân không quẩn quanh bên gốc đa, giếng nước, sân đình, không còn “cánh cò, cánh vạc” sớm hôm tần tảo trên cánh đồng, mà giờ đây, người dân quê đã có thể đi khắp muôn nơi làm ăn, học tập, kiếm kế sinh nhai.
Quá trình mở cửa, hội nhập toàn cầu với sự hỗ trợ đắc lực của internet, mạng xã hội, truyền thông, đã đem đến những luồng gió mới cho đất nước, và thổi tới mọi ngõ ngách, xóm thôn. Nhưng bên cạnh những luồng gió trong lành, tích cực, cũng đã có những cơn gió độc theo chân tàn phá văn hóa làng quê. Có thể nói, trong cơn chuyển mình của thời đại, cổng làng sẵn sàng mở nhưng tâm thế của chủ nhân văn hóa làng còn lưỡng lự, trăn trở, băn khoăn trước những lựa chọn, ngả rẽ, giữa bảo tồn với phát triển, phát huy; giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại mà có lúc “sức ì” của thói quen, tư duy cũ không chấp nhận thay đổi, kiên quyết bài trừ cái khác, lạ. Trong khi đó, lớp trẻ với lối tư duy mới lại quá dễ dãi trong tiếp nhận những luồng tư tưởng, văn hóa đến từ mọi vùng miền, đã tạo ra những xung đột, rạn nứt, những khoảng cách thế hệ khó lấp đầy.
Nông thôn Việt Nam giữ vị trí quan trọng trong quá trình phát triển. Đây là khu vực có diện tích rộng, dân số đông (chiếm hơn 60% dân số cả nước); đồng thời, cũng là khu vực mà thu nhập bình quân trên đầu người còn thấp, với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trong khi trữ lượng di sản văn hóa lại hiện diện sâu đậm, dày đặc, phong phú. Nơi đây cũng đang diễn ra những “cuộc cách mạng” trong tư tưởng, suy nghĩ, thói quen để đi lên, tiến kịp với thị thành. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã đem đến cho làng quê Việt diện mạo, không khí mới, với những đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, những nhà văn hóa khang trang được mọc lên, điện đường trường trạm được đầu tư xây dựng hiện đại. Quá trình di dân, đi làm ăn kinh tế, xuất khẩu lao động của không ít người dân đã mang lại sự thay đổi, phát triển cho những vùng thôn quê… Đó là những tín hiệu tích cực dễ nhận thấy trên không gian trực diện của nhiều làng quê. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, phía sau cổng làng lại là bao câu chuyện cười ra nước mắt với nhiều nghịch cảnh, mâu thuẫn, đối lập, sáng tối đan xen. Nhiều tệ nạn xã hội đã “sinh ra” từ làng, nhiều bi kịch gia đình có nguyên nhân từ “sự phát triển kinh tế của làng”. Bên cạnh ngôi đình cổ, mái chùa rêu phong là những nhà nghỉ cao tầng; là những quán karaoke, game online…
Quá trình chuyển mình của làng quê diễn ra với tốc độ nhanh khiến nhiều người không kịp thích ứng. Họ lặng lẽ quay về với không gian của ruộng nương, ao bèo, giàn trầu, vườn cau, sống cuộc đời tự cung, tự cấp, khép kín. Kẻ thức thời thì đi trước đón đầu, kết nối với các công ty, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đầu cơ đất đai, mua bán dự án và nhanh chóng giàu có, chiếm lĩnh những khu đất vàng, những cung đường quan trọng, huyết mạch của địa phương. Vì chạy theo lợi ích và nhu cầu trước mắt, một số cán bộ địa phương đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng những khu đất công thành sở hữu riêng; thu hẹp, thậm chí giải tỏa không gian sinh hoạt cộng đồng để dành quỹ đất cho những công trình, dự án phát triển hạ tầng. Cũng chính câu chuyện đất đai là nguồn cơn nảy sinh những vụ việc xung đột, kiện cáo, tụ tập đông người khi người dân mất đất hoặc bị thu hồi, trả giá bèo bọt. Đây cũng là vấn đề gây nhức nhối, trở thành “điểm nóng” ở không ít làng quê Việt trong những năm gần đây; phản ánh những đợt sóng ngầm, những mâu thuẫn giữa các phe nhóm lợi ích. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho một bộ phận người nông dân có những hành vi manh động, thậm chí vi phạm pháp luật.
Cổng làng mở nhưng dường như cổng mỗi gia đình lại đang dần khép lại. Đó là một thực tế đáng suy ngẫm, khi không gian bên ngoài cánh cổng mỗi nhà đều trở nên kém an toàn với những nguy hiểm rình rập, những tệ nạn xã hội bao quanh. Cánh cổng mỗi nhà khép lại đồng nghĩa với sự hình thành những không gian khép kín, đèn nhà ai nhà nấy rạng; sự tương tác, liên kết, trao đổi, tình tương thân, tương ái, láng giềng “tối lửa tắt đèn” trở nên kém bền chặt…
2. TỰA VÀO TRUYỀN THỐNG, HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI
Dù phát triển đến đâu, dù đi xa muôn vạn dặm, cuối cùng con người vẫn có xu hướng tìm về cội nguồn, quê hương, bản quán, tìm về di sản văn hóa ngàn đời của ông cha. Điều đó thuộc về bản chất, căn tính và quy luật tâm lý thường tình. Vì thế, gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nhất là văn hóa làng xã cổ truyền không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn cho muôn đời sau, để sợi dây cố kết cội nguồn trở nên bền chặt, dài lâu.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, sự vận động, chuyển mình, biến đổi của văn hóa làng là không kể cưỡng lại. Cổng làng không thể kép kín mãi mà cần được mở rộng để chủ động đón nhận những luồng văn hóa, văn minh mới, tránh sự đơn điệu, nhàm chán, quẩn quanh; cần được giao lưu, kết nối, thâu thái những giá trị tốt đẹp đến từ muôn phương để tồn tại, phát triển. Tuy nhiên, phát triển theo hướng nào, với mô hình, cách thức ra sao để phát triển không tách rời, cắt đứt quá khứ, phát triển theo hướng bền vững lại là bài toán không hề đơn giản.
Giá trị văn hóa làng được sản sinh và thích ứng với mỗi giai đoạn, thời kỳ, phù hợp với đặc thù vùng miền, điều kiện tự nhiên, khí hậu, truyền thống lịch sử. Vì thế, cần khai thác, phát huy những mặt tích cực của văn hóa làng như tinh thần cố kết cộng đồng, tình tương thân tương ái, đoàn kết, gắn bó, sống thủy chung… ; đồng thời, khắc phục những mặt lạc hậu, khép kín, chậm thích ứng… để nông thôn tiến nhanh, tiến kịp với sức phát triển của đô thị. Việc mở rộng không gian văn hóa làng sẽ tạo điều kiện, cơ hội để con người tiếp nhận với những tri thức, thông tin mới; giao lưu, làm quen với nhiều đối tác, thiết lập các mối quan hệ, gia tăng tình bè bạn, để phát huy năng lực, trình độ bản thân, từ đó làm giàu cho cá nhân, gia đình và quê hương, Tổ quốc. Khi đời sống vật chất được nâng cao, khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp, con người sẽ có nhiều điều kiện chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần, quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Phát triển văn hóa làng xã là đụng chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm, tinh tế, đòi hỏi những bước đi thận trọng; tránh cách làm thiển cận, máy móc, chỉ chú ý đến lợi ích hiện tại mà không thấy được giá trị, lợi ích của những di sản, không gian văn hóa cho muôn đời sau. Việc quy hoạch, phát triển văn hóa làng phải có sự nghiên cứu, tính toán kỹ với sự tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng dân cư. Trong đó, cần lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của chủ thể văn hóa làng, khơi dậy khả năng, sức sáng tạo của nhân dân, dựa vào dân để quản lý, tạo sức mạnh tổng hợp để làng quê đổi mới, tiến bộ từng ngày.
Một cổng làng xưa ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An
Cần bảo tồn nguyên vẹn tri thức, cảnh quan, không gian văn hóa cổ truyền, giữ gìn môi trường, nét đẹp văn hóa làng quê trong sự tương quan hài hòa với những công trình kiến trúc hiện đại. Đồng thời, dự báo được xu thế vận động, phát triển của làng quê trong tương lai; không được nóng vội, chủ quan mà cần có thời gian để người dân quê có tâm thế sẵn sàng thay đổi. Việc tiếp cận những giá trị mới đến từ bên ngoài như tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hành tự do dân chủ, bảo đảm quyền con người, tôn trọng sự khác biệt, tinh thần khoan dung, vị tha, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội… là điều cần thiết trên nền tảng tri thức, vốn sống, vốn văn hóa làng để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị; giữa Việt Nam với các nước tiên tiến trên thế giới.
Mở cửa để hội nhập, giao thoa với nhiều không gian và nền văn hóa mới ở xung quanh là một tất yếu của cuộc sống. Điều quan trọng là chủ thể của mỗi làng phải chuẩn bị những hành trang văn hóa để đưa làng mình phát triển ngày càng giàu đẹp, bền vững và trù phú hơn. Đến hiện đại từ những giá trị vững bền của văn hóa truyền thống sẽ là hướng đi thức thời và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Bằng bản lĩnh, ý chí và quyết tâm của những người dân quê và sự quan tâm của các cấp, các ngành, chúng ta có quyền tin tưởng trong tương lai không xa, những làng quê Việt sẽ cất cánh, tiến xa hơn trong sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, để phấn đấu đến năm 2045, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại như quyết tâm của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
TS. NGUYỄN HUY PHÒNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Tuyên giao (HN) Các tin khác
|
|