Trao tặng tác phẩm của họa sĩ Lâm Triết cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế
Ưu ái
Trong căn nhà nhỏ trên đường Phan Chu Trinh, thành phố Huế, bà Bùi Oanh Hằng vẫn còn lưu giữ những tác phẩm quý của ông ngoại - họa sĩ Tôn Thất Sa, trong đó có bức tranh “Lũ lụt ở Bắc kỳ”. Bức tranh được vẽ năm 1915, từng đạt giải nhất trong một cuộc triển lãm ở Hà Nội thời kỳ đó. Bức tranh này được Hội đồng thẩm định mua tác phẩm mỹ thuật của tỉnh lựa chọn sưu tập đầu năm 2019 và được gia đình họa sĩ đồng ý.
Bà Bùi Oanh Hằng chia sẻ: “Những tư liệu, tác phẩm ông ngoại tôi để lại là di sản quý giá với gia đình. Khi Sở Văn hóa và Thể thao đặt vấn đề mua tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế, tôi suy nghĩ, đắn đo rất nhiều. Việc gìn giữ tác phẩm còn lại của ông tôi cũng rất khó khăn. Do điều kiện bảo quản không tốt, tôi lo tác phẩm sẽ bị hư hỏng. Nhưng nếu được trưng bày ở bảo tàng, tác phẩm sẽ được gìn giữ, bảo quản tốt, được giới thiệu rộng rãi đến công chúng”.
Đầu năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang khẩn trương triển khai sưu tầm tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Ngoài tác phẩm của họa sĩ Tôn Thất Sa, tác phẩm của các họa sĩ: Mai Trung Thứ, Phan Xuân Sanh, Võ Xuân Huy, Phan Thanh Bình, Đặng Mậu Triết… cũng được lựa chọn sưu tập trong dịp này.
Hầu hết các họa sĩ, người thân của những họa sĩ quá cố đều ủng hộ việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế và mong muốn đóng góp cho bảo tàng. Họ muốn để dành những tác phẩm tốt nhất cho bảo tàng, dù có nhiều nhà sưu tập trả giá cao hơn. Nhiều tác giả chưa bao giờ bán tác phẩm nhưng khi đề cập đưa vào bảo tàng để giữ gìn tên tuổi thì họ sẵn lòng. Giá cả được cân nhắc phù hợp, trong đó có phần ủng hộ, đóng góp của họa sĩ và gia đình họa sĩ, hoặc tặng thêm một số tác phẩm ở các giai đoạn sáng tác khác nhau để bộ sưu tập về tác giả đầy đủ hơn. Bà Bùi Oanh Hằng bộc bạch: “Tôi không muốn bán tác phẩm của ông cho các nhà sưu tập vì không biết nó sẽ đi về đâu. Tuy nhiên, bán cho bảo tàng thì tác phẩm được lưu giữ tại quê hương, nơi ông gắn bó cả cuộc đời gần 100 năm”.
Sẽ theo hướng nghệ thuật đương đại
Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh, thành viên Hội đồng thẩm định mua tác phẩm mỹ thuật cho hay, trước mắt, hội đồng nghệ thuật chủ trương sưu tập ngay tác phẩm của những tác giả đã mất vì số lượng tác phẩm còn lại không nhiều, nếu chậm chân có thể sẽ không còn. Trong đó nhắm đến các tác giả tên tuổi, tiêu biểu đóng góp hình thành nên nền mỹ thuật của Thừa Thiên Huế. “Dù hết sức cố gắng nhưng tranh của một số tác giả khó sưu tập, đặc biệt là tác giả thời kỳ trước năm 1975, như: Lê Văn Huy Miến, Phạm Đăng Trí. Những tác phẩm đã sưu tập và lên kế hoạch sưu tập đều là những tác phẩm xứng đáng, mức kinh phí cũng hợp lý”, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức cho biết thêm.
Xu hướng sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Huế không chỉ sưu tập tác phẩm của những tên tuổi lớn trước đây, mà còn dành kinh phí để tiếp cận nghệ thuật đương đại. Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức cho rằng: “Ở Việt Nam đã có những bảo tàng mỹ thuật hình thành cách đây đã lâu. Với bề dày, các bảo tàng này đã sưu tập những tinh hoa của mỹ thuật Việt Nam và mỹ thuật miền Trung. Bảo tàng Mỹ thuật Huế sinh sau đẻ muộn nên thiên về hướng đương đại để có điều kiện khẳng định tính chất riêng biệt. Việc sưu tập cũng nên gối đầu. Song song với việc sưu tập tác phẩm của những tác giả đã mất, cần dành kinh phí sưu tập tác phẩm của các họa sĩ đương đại”.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, UBND tỉnh rất quan tâm dành kinh phí mua tác phẩm để hình thành bảo tàng. Việc mua tác phẩm được tiến hành bài bản. Hội đồng thẩm định gồm các thành viên có chuyên môn, uy tín, cân nhắc rất kỹ chọn mua những tác phẩm tốt nhất hiện có của các tác giả tên tuổi. Tuy vậy, khi gặp tác phẩm tốt thì giá cả cũng là vấn đề khó, vì kinh phí dành cho việc sưu tập tác phẩm còn hạn hẹp.
Trong điều kiện hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Huế chưa đủ kinh phí để sưu tập đầy đủ tác phẩm. Điều đó sẽ được tiếp tục trong nhiều năm nữa với sự cố gắng, quyết tâm của tỉnh, để Huế sẽ có Bảo tàng Mỹ thuật tươm tất, tương xứng với bề dày của vùng đất văn hóa.