Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐMT cho biết, kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng đạt được những kết quả nhất định; tốc độ tăng trưởng GRDP toàn vùng năm 2018 theo giá so sánh 2010 khoảng 7,7%, cao hơn mức tăng của cả nước là 7,08%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp; hệ thống kết cấu hạ tầng đầu tư nâng cấp và phát triển; tổng mức đầu tư tăng trưởng khá; ngành du lịch tăng trưởng tốt, tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của toàn vùng. Các vấn đề xã hội từng bước được giải quyết, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện…
Để tạo đột phá phát triển Vùng KTTĐMT nói riêng, toàn vùng miền Trung và Tây Nguyên (19 tỉnh, thành phố) nói chung, đồng thời tăng cường mối liên kết hợp tác xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch giữa các địa phương, Hội đồng Vùng KTTĐMT đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, giải quyết một số nội dung, cụ thể: các tỉnh miền Trung có vị trí địa lý thuận lợi, là “mặt tiền” của Việt Nam ra biển nên khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, ngành quốc gia cần định hướng nội dung quy hoạch “xây dựng thành phố biển”; xác định việc phân vùng và liên kết vùng trong quá trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia bảo đảm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của từng vùng, trong đó có vùng duyên hải miền Trung. Đặc biệt, cho cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển dài 600km từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định nhằm đảm bảo đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối và khai thác tốt hơn quỹ đất ven biển của các địa phương, góp phần thực hiện các nhiệm vụ KT-XH, AN-QP vùng duyên hải miền Trung; cho phép nghiên cứu xây dựng Quy chế điều phối, liên kết vùng duyên hải miền Trung...
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được của các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐMT thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐMT có lợi thế về hệ thống hạ tầng giao thông, đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không đều có; tốc độ đô thị hóa rất nhanh so với mặt bằng cả nước, vì vậy các tỉnh, thành phố trong vùng cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường bằng nguồn lực và lợi thế sẵn có của mình. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng cần phải thay đổi tư duy phát triển để đánh giá đúng mức xem địa phương mình đang ở đâu để có niềm tin vươn lên. “Miền Trung không chỉ phát triển du lịch mà cần phải chú trọng phát triển công nghiệp, chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó cần phát huy lợi thế vùng miền núi để phát triển nông nghiệp, trồng rừng, bảo vệ môi trường. Phải xem việc liên kết phát triển là quan trọng nhất; đầu tư phát triển đường ven biển, đầu tư mở rộng sân bay cần nghiên cứu theo hướng xã hội hóa”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐMT phải trả lời được câu hỏi là yếu tố “bứt phá” nào của vùng để phát triển. Các tỉnh miền trung cần đổi mới tư duy, tự phấn đấu vươn lên, “đi trên đôi chân của mình” để phát triển giàu mạnh trên cơ sở tiềm năng to lớn về con người, di sản văn hóa, bờ biển đẹp,...
Các tỉnh cần có cơ chế của khu vực để phát triển chứ không chỉ xin ngân sách T.Ư; đóng góp vào hiện thực hóa khát vọng phát triển du lịch của cả nước. Ngoài thế mạnh về du lịch, các tỉnh cần có khu công nghiệp, nhất là chế tạo, chế biến vì giá trị gia tăng cao. Mũi nhọn khác ở miền trung là nông nghiệp đặc sản, nông nghiệp phục vụ du lịch, việc bảo vệ môi trường, trồng rừng đầu nguồn có vai trò rất quan trọng ở khu vực này. Trong năm nay, các tỉnh miền trung cần “bứt phá” qua việc đẩy mạnh liên kết vùng, trước hết là liên kết về du lịch, mở tua du lịch cả năm tỉnh, chứ không phải mạnh ai nấy làm. Bên cạnh đó, cần làm đường ven biển để phát triển đô thị; xã hội hóa mạnh mẽ việc phát triển các sân bay trong khu vực. Tại Hội nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược với Công ty CP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel; Công ty CP Tập đoàn FLC và Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest.