Ngày 9/1/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về hoạt động quý IV/ 2018.
Theo đó, Báo cáo của Bộ VH,TT&DL cho biết: trong thời gian vừa qua, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định. Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 06 Thông tư.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong quý IV cũng được triển khai chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề tồn tại bất cập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành từ trung ương tới địa phương.
Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng. Thể chế, chính sách trong lĩnh vực di sản văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9) và công nhận 22 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 7). Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL quyết định xếp hạng 14 di tích quốc gia; đưa 43 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức tốt công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hoàn thiện hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”; xây dựng hồ sơ “Xòe Thái” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” trình UNESCO.
Quý IV/2018, Bộ VH,TT&DL cũng đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, triển lãm, thông tin cổ động từ Trung ương đến cơ sở phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Các địa phương nghiêm túc thực hiện Luật Quảng cáo, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 15/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.
Bộ cũng đã chỉ đạo, tổ chức tốt Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X tại tỉnh Vĩnh Phúc. Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng mang tính cộng đồng; nhiều địa phương đã triển khai các đề án về bảo tồn phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn như: Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Tuyên Quang, Điện Biên...
Tổ chức thành công nhiều chương trình nghệ thuật, các đợt chiếu phim, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch.
Công tác gia đình được triển khai đồng bộ, đảm bảo chất lượng và yêu cầu đề ra. Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các văn bản, chương trình, đề án đã được phê duyệt. Triển khai tổng kết tại các địa phương và tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong Quý IV năm 2018, hoạt động thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh gắn với triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới”. Công tác tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 được triển khai tích cực và tổ chức thành công ở các cấp, thu hút hàng triệu người tham gia. Tham gia tranh tài có hơn 11.700 vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài; trong đó có hơn 7.000 vận động viên, 2.500 huấn luyện viên, 2.200 trọng tài; lập 199 kỷ lục, trong đó có 151 kỷ lục đại hội, 48 kỷ lục quốc gia.
Ngoài ra, thể thao Việt Nam còn đạt được những thành tích nổi bật trên các đấu trường quốc tế. Với tinh thần đoàn kết, bản lĩnh sân cỏ vững vàng, chiến thuật hợp lý, đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đã thi đấu kiên cường, cống hiến những trận cầu hấp dẫn và chiến thắng thuyết phục, giành Cup Vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á 2018.
Về lĩnh vực du lịch, chỉ tính riêng tháng 12/2018, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 1.374.235 lượt khách, tăng 5,6% so với tháng 11/2018 và tăng 7,7% so với tháng 12/2017. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 đạt 15.497.791 lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017; khách nội địa đạt 80 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 620.000 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2017. Sự kiện đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu là một dấu ấn quan trọng của ngành Du lịch Việt Nam. Đây là dấu mốc của ngành Du lịch trong năm 2018, thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời khẳng định nỗ lực của toàn ngành với thời gian dài giữ mức tăng trưởng khoảng 30% và sau 03 năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 02 lần.
Với sự tăng trưởng ấn tượng khách du lịch quốc tế, tại Báo cáo “Điểm nhấn Du lịch năm 2018”, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Việt Nam xếp thứ 3 trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất thế giới; là đại diện duy nhất của Châu Á lọt vào danh sách 3/10 quốc gia có du lịch trải nghiệm tốt nhất thế giới (TripAdvisor công bố). Những thành tích và giải thưởng này đã góp phần khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.