Xác lập cơ sở lý luận và khung phân tích, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và các giải pháp phát huy sức mạnh mềm văn hoá Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế..., hội thảo đã đưa ra những góc nhìn, kiến giải và đặc biệt là những kinh nghiệm thực tiễn, khá lý thú và bổ ích đối với việc phát huy sức mạnh mềm văn hoá Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đặt câu hỏi: Sức mạnh mềm văn hoá Việt Nam nằm ở đâu? Ông cũng đưa ra những câu trả lời dưới góc nhìn và lập luận sắc bén của một chính trị gia giàu kinh nghiệm. “Việt Nam cần phải phát huy tiềm năng, thế mạnh của sức mạnh mềm văn hoá. Tuy nhiên, phải biết chọn lọc để tìm ra những yếu tố đặc sắc và cũng không nên né tránh những mặt yếu kém, tiêu cực. Nếu cứ né tránh mà không có giải pháp khắc phục thì sẽ khó có thể phát huy được khối tiềm năng to lớn từ những giá trị văn hoá”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lưu ý.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại hội thảo
PGS.TS Phạm Lan Oanh (Phó Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam) nhấn mạnh: “Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam không thể chỉ tập trung phát triển “sức mạnh cứng” về kinh tế, quân đội mà cần phải quan tâm phát triển cả “sức mạnh mềm”, đặc biệt là văn hoá”. Từ yêu cầu thực tiễn đó, Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016- 2020: “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển KTXH” đã được phê duyệt. Hội thảo quốc tế này nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hoá Việt Nam”.
Các chuyên gia quốc tế hào hứng chia sẻ kinh nghiệm
Từ kết quả nghiên cứu ban đầu, nhóm nghiên cứu đề tài nhận định, hầu hết các quốc gia đứng trong vị trí top đầu trong bản đồ sức mạnh mềm 30 từ năm 2015 đến nay như Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật hay các cường quốc mới nổi tại Châu Á như Hàn Quốc, dù gia tăng sức mạnh theo mục tiêu nào thì sự thành công đều có mẫu số rất đặc biệt, liên quan đến việc chuyển hoá nguồn lực mềm văn hoá thành sức mạnh mềm văn hoá, có sức hấp dẫn, lôi cuốn, thuyết phục đối tượng tiếp nhận.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý
Các quan điểm khoa học cũng chỉ ra rằng, cơ chế chuyển hoá nguồn lực mềm văn hoá thành sức mạnh mềm văn hoá nếu được xác lập và vận hành tốt sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam phát huy sức mạnh mềm văn hoá hiệu quả trong điều kiện thực tế của một quốc gia đang phát triển, chưa có tiềm lực cạnh tranh về kinh tế. Đa phần các ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất cho rằng, cần xác lập một tầm nhìn dài hạn để phát huy sức mạnh mềm văn hoá Việt Nam. Trước hết, tầm nhìn này phải được bắt đầu từ việc thực hiện các mục tiêu cụ thể là hình thành cơ chế phối hợp giữa các kênh tác động nhằm tạo hiệu quả tích cực trong việc chuyển hoá nguồn lực mềm văn hoá vốn rất đa đạng, phong phú của Việt Nam.
Ông Michael Croft phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Michael Croft (Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội) nhấn mạnh: “Những hiểu biết sâu sắc về sự hình thành và việc duy trì sức mạnh mềm văn hoá có vai trò then chốt đối với Việt Nam trong việc giải quyết với các thách thức của tương lai và định vị quốc gia tốt nhất để đạt được thành công và sự ổn định”. Ông Michael Croft cũng đưa ra một câu hỏi đặc biệt quan trọng cho Hà Nội: “Chúng ta biết rằng năm tới sẽ tròn 20 năm Hà Nội được công nhận là Thành phố vì Hoà bình. Mặc dù vẫn rất có ý nghĩa, liệu danh hiệu này có đủ đại diện cho tất cả những khát vọng của Thủ đô trong thế kỷ mới hay không?” Cũng chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Phạm Thị Lan Oanh (Phó Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam) kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan trong việc đưa các chiến lược và ý tưởng được thảo luận trong hội thảo vào các hoạt động triển khai trên thực tế. Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với ba phiên chủ đề khác nhau: Cơ sở lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hoá Việt Nam; Kinh nghiệm quốc gia, địa phương và giải pháp gia tăng sức mạnh mềm văn hoá thông qua các phương thức; Xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu thành phố và tiềm năng, tầm nhìn xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo.