Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.104.300
Truy cập hiện tại 22
Kỷ niệm 710 năm Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết Bàn: Phát huy tư tưởng, văn hóa của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày cập nhật 07/12/2018

Trong suốt 10 thế kỷ của lịch sử phong kiến Việt Nam, hiếm có vị vua nào lãnh đạo đất nước, chống giặc ngoại xâm và để lại một di sản văn hóa đặc sắc, kỳ vĩ như vua Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông (1258-1308) là vị vua thứ ba đời nhà Trần. Ông là con trai đầu của vua Trần Thánh Tông, tên chính là Khâm, sinh ra và lớn lên vào thời kỳ đất nước luôn luôn bị giặc ngoại xâm lăm le xâm lược, nên sớm ý thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, nhân dân, dòng họ. Ông được vua cha Trần Thánh Tông nhường ngôi năm 1278, cùng cha ổn định tình hình đất nước và củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ bình yên bờ cõi Tổ quốc.

* Vị vua anh minh 
Nói đến vua Trần Nhân Tông, trước hết là nói đến người anh hùng cứu dân, cứu nước. Ông là một nhà chiến lược có tài chỉ huy quân sự đã đứng ra lãnh đạo quân dân Đại Việt vượt qua mọi thử thách, đưa cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên tới thắng lợi huy hoàng. Thái tử Trần Khâm được vua cha truyền ngôi khi mới 21 tuổi, đúng vào thời kỳ quân Mông Cổ đánh bại Nam Tống lập ra triều Nguyên. Biết được dã tâm xâm lược của kẻ thù, nhà vua đã cùng quân dân Đại Việt gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến bảo vệ giang sơn. Vua biết chọn người tài, giao cho họ những chức quan trọng. 
Với bậc quân vương anh minh, Trần Nhân Tông nhận rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, nên có sáng kiến tổ chức hai hội nghị lớn: Tháng 10 năm 1282, vua và Thượng hoàng mở hội nghị quân sự Bình Than họp với các vương hầu và bách quan bàn kế sách đánh giặc, cử các tướng lĩnh đem quân đi trấn giữ các nơi hiểm yếu. Tháng 12 năm 1284, vua triệu tập các vị bô lão đại diện cho nhân dân cả nước họp ở điện Diên Hồng để hỏi kế đánh giặc: "Các vị phụ lão đều nói đánh, muôn người cùng hô một tiếng”.
Vua Trần Nhân Tông đã nhiều lần trực tiếp cầm quân đánh giặc, xông pha tới nơi hiểm yếu để động viên khích lệ tướng sĩ. Cũng trong kháng chiến chống Nguyên - Mông, vua Nhân Tông đã thể hiện tài năng ngoại giao kiệt xuất thực thi một chính sách đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo có nguyên tắc trên cơ sở bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, đặc biệt đối với quốc gia ngoại bang hùng mạnh luôn có dã tâm xâm lược Đại Việt là triều Nguyên Mông xứ Trung Hoa lúc bấy giờ hay các nước thân cận láng giềng. Một mặt vua giữ lễ thường qua lại thăm viếng, cống nạp như trước. Trong khi kẻ thù thì khiêu khích, đe dọa, Nhân Tông không dứt khoát cự tuyệt mà, nhằm tranh thủ thời gian hoà hoãn để củng cố và khẩn trương xây dựng lực lượng. Vua tìm cách thoái thác những yêu sách xâm hại đến chủ quyền quốc gia và lợi ích của Đại Việt, như khi sứ nhà Nguyên sang dụ hàng, vua đã không trả lời mà còn bắt giam sứ giả, rồi tích cực chuẩn bị kháng chiến.
Với quân xâm lược khi chúng giày xéo non sông thì vua thẳng tay trừng trị, với kẻ thất trận thì rộng lượng khoan hồng. Tù binh quân Nguyên thất trận được cấp lương ăn và phương tiện về nước. Ngay sau chiến thắng quân Nguyên vua Trần Nhân Tông đã cho sai đốt hết ngay tại sân chầu những báo cáo của các ông quan trung thành về bọn phản bội đi theo giặc để yên lòng những kẻ phản trắc.
Sau thắng lợi huy hoàng đánh tan 50 vạn quân Nguyên vào mùa xuân năm 1288, Trần Nhân Tông chủ trương "nới sức dân", thúc đẩy khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, nhanh chóng xây dựng lại đất nước bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Bấy nhiêu công lao to lớn đã đưa Trần Nhân Tông lên một vị trí vẻ vang trong lịch sử dân tộc, được các sử gia đánh giá là "bậc vua hiền của nhà Trần", "nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước" 
Qua sự kiện trên có thể thấy vai trò đứng đầu nhà nước của vua Trần Nhân Tông trong hai lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông vào năm1285 và năm 1288 là vô cùng to lớn.
Không chỉ lo giữ yên phía Bắc, Trần Nhân Tông còn rất quan tâm tới mối bang giao với Nhà nước Chiêm Thành ở phía Nam. Năm 1301, sau khi đã xuất gia ở Yên Tử, Trần Nhân Tông còn vân du đến biên giới phía Nam của đất nước, lập am Tri Kiến tại trại Bố Chính (Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Bình ngày nay). Từ đó, ông đi tiếp đến tận kinh đô của Chiêm Thành và du ngoạn ở đấy 7 tháng liền. Nhân chuyến đi này, Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Năm 1306, Chế Mân đã đem hai châu Ô, Lý làm lễ vật dẫn cưới Huyền Trân. Hai châu ấy được đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa (Quảng Trị đến Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay) và sáp nhập vào bản đồ Đại Việt. Quan hệ bang giao giữa Đại Việt và Chiêm Thành mở ra mời thời kỳ nồng ấm và thân thiện.
* Một Triết gia, Nhà văn hóa lớn
Đức vua Trần Nhân Tông không chỉ là một chính khách kiệt xuất, một hoàng đế anh minh mà còn là một triết gia, một nhà văn hoá lớn. Trong sự nghiệp của mình, vua Nhân Tông đã để lại nhiều trước tác có giá trị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, triết học, lịch sử, Phật giáo.
Trải qua mười thế kỷ tồn tại của nhà nước phong kiến tự chủ Việt Nam (từ thế kỷ X - XX), Trần Nhân Tông nổi lên là một vị vua anh minh lỗi lạc, không chỉ có công trong công cuộc bảo vệ non sông, giống nòi, trùng hưng đất nước, mà còn sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Với những áng văn thơ đầy xúc cảm tạo nên dấu ấn đậm nét trong văn học Việt Nam thời Lý - Trần. 
Một nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam nhận xét: "Đây phải nói là một điểm sáng kỳ lạ trong đời sống của một người xuất gia như vua Trần Nhân Tông. Chưa bao giờ trong lịch sử Phật giáo ở nước ta hay ở bất cứ một nước nào khác trên thế giới, một người xuất gia lại có thể mở mang bờ cõi và mở mang bờ cõi một cách hòa bình. Căn cứ vào giới luật của hàng Phật tử bình thường sống ở các chùa chiền... thì một người xuất gia không bao giờ được phép đi làm mai mối cho việc dựng vợ gả chồng. Thế mà, Hương Vân đại đầu đà đã làm việc đó và làm một cách thành công”.
Trần Nhân Tông, người sáng lập ra Phật phái Trúc Lâm Yên Tử là một Phật phái mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Năm 35 tuổi, sau khi lãnh đạo quân dân Đại Việt chiến thắng cả ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, đất nước trở lại thái bình, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông. Đến năm 41 tuổi Ngài vào núi Yên Tử xuất gia tu hành, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, và trở thành Tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử.
Từ cuộc đời, văn thơ đến giáo lý Trúc Lâm cho thấy Trần Nhân Tông luôn nung nấu tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, lòng dũng cảm "vô uý" (không sợ) của Thiền tông Trúc Lâm. Trần Nhân Tông tuy xuất gia nhưng vẫn nặng lòng lo việc nước, việc dân. Đối với ông, Phật giáo nói chung và dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử nói riêng phải luôn gắn liền với đời sống của đất nước, của dân tộc, không thể có sự cách biệt giữa đạo và đời. Ngay việc Trần Nhân Tông chọn Yên Tử làm nơi tu thiền cũng hàm chứa nhiều tầng nghĩa. Yên Tử có cảnh vật vừa đẹp, vừa thanh vắng, rất thích hợp cho việc tu thiền nên các vua Trần đã tìm đến núi Yên Tử.
Năm 2018, nhân kỷ niệm 710 năm vuaTrần Nhân Tông nhập niết Bàn,  Đại Lễ tưởng niệm với quy mô cấp quốc gia do Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì với nhiều hoạt động phong phú như: Lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Đại lễ cầu siêu tại chùa Ngọa Vân (Đông Triều) - nơi Đức Vua hóa Phật; Lễ truyền đăng và nhiễu tháp tưởng niệm Phật Hoàng. Đặc biệt, Hội thảo khoa học quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng, văn hóa” được tổ chức trong ba ngày từ 5-7/12, tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm, thành phố Uông Bí với sự tham gia của hơn 400 nhà khoa học với 135 tham luận trong đó có 34 tham luận của các học giả đến từ 10 Quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cuộc đời và sự nghiệp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông dù làm vua, làm Thái Thượng hoàng hay nhìn qua lăng kính của một vị chân tu với những điểm nổi bật: Kiên quyết đập tan dã tâm xâm lược của quân Nguyên Mông - một đế chế mạnh nhất từ Âu sang Á; Trị vì đất nước bằng lòng khoan dung, đoàn kết toàn dân bằng hòa hợp và yêu thương. Chính điều đó đã làm cho thế giới kính phục và đề cao. Trường Đại học Harvard (Mỹ) có Viện nghiên cứu Trần Nhân Tông, viện lập ra giải thưởng Trần Nhân Tông với chủ đề: “Hòa Giải và Yêu thương”,  kỷ niệm 710 năm Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết Bàn chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu và phổ biến rộng rãi về cuộc đời và sự nghiệp, công lao, những tư tưởng, văn hóa của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông để thế hệ sau ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với máu xương của cha ông  trong công cuộc bảo vệ chủ quyền  thiêng liêng của Tổ quốc.
Hằng Nguyễn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.