Quá trình đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN là quá trình chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sự nghiệp văn hóa văn nghệ là bộ phận khăng khít của sự nghiệp đổi mới với nhiệm vụ trọng tâm là góp phần xây dựng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp có bản lĩnh vững vàng ngang tầm sự nghiệp đổi mới của dân tộc.
Quá trình chuyển đổi cơ chế từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường tất yếu dẫn đến nhu cầu xã hội hóa trên nhiều lĩnh vực trong đó có hoạt động văn hóa văn nghệ. Đảng và Nhà nước đã sớm có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo quá trình này. Sớm nhất là từ nghị quyết Trung ương 4, khóa VII về một số nhiệm vụ văn hóa văn nghệ những năm trước mắt, ngày 14/01/1993. Một trong những quan điểm chỉ đạo của nghị quyết này là: Văn hóa văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội, phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ của Nhà nước, tập thể và cá nhân theo đường lối của Đảng và sự quản lý của Nhà nước khắc phục tình trạng “Hành chính hóa” các tổ chức văn hóa văn nghệ. Đến Đại hội Đảng VIII tháng 9/1996, khi thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1996 - 2000, Đảng ta đã hình thành chủ trương lớn: “Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thông tin” và đến nghị quyết 23 của Bộ chính trị (ngày 16 tháng 6 năm 2008) đã quyết định: “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật, làm rõ các lĩnh vực cần xã hội hóa, lĩnh vực của Nhà nước và nhân dân cùng làm, lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư, bảo tồn, xây dựng và phát triển”.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ của Đảng, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết: Nghị quyết 90/NQ-CP ngày 21/8/1997 và nghị quyết 05/2005/NQ-CP. Trong 2 nghị quyết này, Chính phủ đã xác định mục đích yêu cầu, quan điểm chỉ đạo và các định hướng thực hiện và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Năm 1999, Chính phủ đã ban hành nghị định 73/1999/NĐ-CP và năm 2008 ban hành nghị định 69/2008/NĐ-CP nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng thành các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động trong một số lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Trong 2 nghị định này Chính phủ đã xác định các nguyên tắc thực hiện chính sách xã hội hóa, ban hành các chính sách khuyến khích cụ thể như: chính sách cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, chính sách giao đất, cho thuê đất, chính sách về thuế, phí, lệ phí, chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm, khen tặng danh hiệu, chính sách quản lý tài chính xác định trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước các cấp thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Chính phủ đã giao cho Bộ văn hóa Thông tin nay là Bộ văn hóa Thể thao Du lịch căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo và định hướng xã hội hóa, xây dựng, hoàn thiện và phê duyệt các đề án xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Chính phủ cũng đã giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trong phạm vi thẩm quyền của mình tổ chức thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ trên địa bàn của mình.
Ngày 21 tháng 4 năm 2010, trong bài viết xã hội hóa hoạt động văn hóa, Bộ trưởng Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch đã đưa ra những nhận định đánh giá 10 năm thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa như sau:
- Những thành tựu:
+ Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch đã xây dựng phê duyệt và triển khai đề án quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010. Các đơn vị trung ương trực thuộc Bộ đều triển khai xây dựng kế hoạch, lộ trình đẩy mạnh xã hội hóa đến năm 2010. Tổ chức họp triển khai đến toàn thể cán bộ công nhân viên và người lao động.
+ Ở địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành đã quán triệt phổ biến nghị quyết và nghị định đến các cấp, các ngành. Sở văn hóa thể thao du lịch các tỉnh thành tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa. Nhiều tỉnh thành đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích về đất đai, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huy động vốn, hỗ trợ lãi suất kích cầu chính sách thuế, chính sách cán bộ và chính sách phát triển các loại hình dịch vụ ngoài công lập. Do đó công tác xã hội hóa đã và đang từng bước mang lại một luồng sinh khí mới trong toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của ngành văn hóa thể thao du lịch, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập khu vực và thế giới, bước đầu đã làm thay đổi nhận thức các cấp lãnh đạo từ Ban, Bộ, ngành, trung ương đến địa phương cơ sở, từng bước tạo ra sự cân bằng giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập để đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa.
+ Tổ chức được nhiều hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có hiệu quả xã hội hóa cao với sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa và đơn vị nghệ thuật công lập.
+ Các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa do các tư nhân tự tổ chức và huy động kinh phí đã phát triển tương đối mạnh nhất là trong lĩnh vực ca múa nhạc điện ảnh, thư viện, bảo tàng, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể...
+ Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã có hơn 200 tổ chức, cá nhân hoạt động theo phương thức xã hội hóa, trong đó có gần 80 đơn vị có đăng ký hoạt động thường xuyên, ổn định, số còn lại hoạt động mang tính tự phát chưa có hiệu quả.
Hơn 700 doanh nghiệp đăng ký chức năng tổ chức biểu diễn và hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong đó có khoảng 150 đơn vị doanh nghiệp tham gia hoạt động thường xuyên ở loại hình ca múa nhạc.
+ Hoạt động xã hội hóa lĩnh vực điện ảnh chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trên cả hai lĩnh vực sản xuất phim và phát hành phim. Số lượng phim do các hãng tư nhân sản xuất, mô hình rạp chiếu phim tư nhân tăng lên cả về số lượng và chất lượng, khẳng định xu hướng xã hội hóa điện ảnh đang đạt được những kết quả đáng khích lệ.
+ Đã hình thành 40 thư viện tư nhân trung bình mỗi thư viện này có từ 5000 đến 10.000 đầu sách văn nghệ, khoa học, kỹ thuật, lịch sử, kinh tế... phục vụ cộng đồng rải đều ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Gần 10 bảo tàng nghệ thuật tư nhân.
Đến năm nay, chúng ta đã thực hiện chủ trương xã hội hóa được 20 năm. Để có cái nhìn đúng về thực trạng xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật, chúng ta phải quán triệt 5 quan điểm chỉ đạo và bám sát 5 định hướng xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ của chính phủ đối chiếu với thực tiễn. Từ cách tiếp cận này chúng ta nhận thấy: Hai quan điểm và 2 định hướng đầu của xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ đã đạt được những kết quả quan trọng đó là:
- Quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này có chuyển động tích cực: Quốc hội đã thông qua 1 số văn bản pháp luật, Chính phủ ban hành nghị quyết, nghị định, Bộ đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách của ngành văn hóa góp phần tác động tích cực đến đời sống, tinh thần của nhân dân, tích cực bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của nhân dân, đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhân dân những chủ thể của văn hóa tham gia ngày càng chủ động tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa văn nghệ. Hoạt động phát triển sự nghiệp mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm với nhiều hình thức: Nhà nước làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm, các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân và các cá nhân triển khai có hiệu quả góp phần nâng cao hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
- Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong lĩnh vực văn học nghệ thuật được triển khai tích cực với nhiều hình thức: Nhà nước, Nhà nước và nhân dân, các tổ chức, các doanh nghiệp tư nhân và các cá nhân triển khai có hiệu quả. Đến nay đã có 11 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, được nhân dân bảo tồn và phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhiều tổ chức biểu diễn ca, múa, nhạc, kịch, rối, xiếc của tư nhân, nhiều tổ chức sản xuất và phổ biến phim thuộc khu vực tư nhân được hình thành hoạt động rất sôi động, sáng tạo ra tác phẩm văn học nghệ thuật biểu diễn trực tiếp và quảng bá rộng trên các kênh truyền hình của cả nước. Hiện nay đã có hàng trăm ban nhạc, hàng trăm hãng phim tư nhân, hàng trăm vũ đoàn, hàng chục đoàn kịch, rối, xiếc thuộc khu vực tư nhân. Trong lĩnh vực đào tạo, bên cạnh hệ thống các trường đào tạo văn học thuật của khu vực công lập tiếp tục đổi mới từ chương trình, giáo trình học, phương thức đào tạo, đổi mới công tác quy hoạch sử dụng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực cho văn học nghệ thuật đã xuất hiện nhiều trường lớp đào tạo thuộc khu vực tư nhân đào tạo nguồn nhân lực cho ca, múa, nhạc, kịch, xiếc...
Bên cạnh những mặt tích cực trên, 20 năm qua, việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ còn nhiều hạn chế, bất cập.
Hạn chế lớn nhất là tốc độ xã hội hóa còn chậm, có ngành, lĩnh vực còn rất chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng của chính phủ trong nghị quyết 05/2005/NQ-CP. Mức độ xã hội hóa không đồng đều giữa các vùng miền, và giữa các tỉnh thành phố địa phương có điều kiện kinh tế xã hội như nhau. Công tác quản lý còn bất cập cả trong định hướng phát triển quy hoạch và chỉ tiêu thực hiện. Việc triển khai thực hiện còn chậm và nhiều lúng túng. Quản lý Nhà nước còn có biểu hiện vừa gò bó vừa buông lỏng, một số cơ chế chính sách đã ban hành chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu đồng bộ, có cơ chế chính sách chưa phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN.
Các lực lượng xã hội chưa được tổ chức và phối hợp tốt để chủ động tích cực tham gia vào quá trình xã hội hóa. Trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, các cơ sở công lập phần lớn vẫn áp dụng cơ chế quản lý như các cơ quan hành chính nên đã không phát huy được tính năng động, tự chủ và trách nhiệm. Thể hiện trên thực tế là có rất nhiều hạn chế, bất cập trong thực hiện 3 định hướng đó là:
- Chưa có bước đi thích hợp trong việc xã hội hóa một số hoạt động văn hóa chuyên ngành cho từng loại hình, vùng, miền đặc biệt là tập trung phát triển mạnh ở các vùng kinh tế phát triển bao gồm hoạt động nghệ thuật, đào tạo văn hóa văn nghệ điện ảnh, xuất bản, in, phát hành mỹ thuật, nhiếp ảnh, dịch vụ bảo hộ quyền tác giả...
- Tiến hành chậm và lúng túng trong thực hiện từng bước chuyển sang loại hình ngoài cộng lập các đoàn nghệ thuật, các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật trung cấp, khuyến khích một số khoa hoặc ngành đào tạo không chuyên sâu, có tính phổ thông quần chúng của các trường văn hóa nghệ thuật công lập tách ra để thành lập các cơ sở văn hóa nghệ thuật ngoài công lập. Chưa coi trọng khuyến khích các đơn vị, tổ chức ngoài công lập phối hợp với các tổ chức công lập xây dựng đời sống văn hóa cơ sở theo định hướng của Nhà nước; xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin cơ sở xã, phường, thị trần, thôn làng, ấp, bản, cơ quan, đơn vị theo nguyên tắc tự tổ chức, tự quản lý và chịu sự quản lý Nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.
- Đến năm 2010, chuyển toàn bộ số cơ sở công lập hiện có thuộc ngành văn hóa sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.
Những hạn chế bất cập trên thể hiện tập trung trong việc thực hiện các hình thức xã hội hóa các đoàn nghệ thuật, sân khấu, ca múa nhạc, các hãng phim trung ương và các tỉnh thành. Cơ sở ngoài công lập như các hãng phim tư nhân, các đoàn kịch xã hội hóa, các ban nhạc,... cơ sở vật chất còn rất khó khăn, hạn chế, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao, còn có những biểu hiện tiêu cực...
Nguyên nhân của những hạn chế bất cập trên chủ yếu là nhận thức chưa đầy đủ về xã hội hóa (từ mục đích xã hội hóa, quan niệm xã hội hóa, các hình thức xã hội hóa, các cơ chế, chính sách cho xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật của lãnh đạo, quản lý các cấp). Nếu hoạt động phổ biến quán triệt chủ trương, và hướng dẫn thực hiện cho đội ngũ cán bộ các cấp các đơn vị lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khóa XI làm tương đối tốt, thì khóa XII, nhiều cán bộ chủ chốt các cấp, các đơn vị văn hóa nghệ thuật đã được thay mới các hoạt động sơ kết 5 năm 10 năm chưa được thực hiện hoặc thực hiện còn hình thức. Nguyên Phó giám đốc Sở văn hóa thể thao du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã có một nhận xét: “Một thành phố năng động với khoảng 9 triệu dân như thành phố Hồ Chí Minh, nhưng việc nhận thức của những người tổ chức thực hiện xã hội hóa vẫn còn “lơ mơ”, do vậy việc triển khai nghị định (73/NĐ-CP, 69/ NĐ-CP) đi vào cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn” (Báo Người lao động, ngày 27/9/2010).
- Trách nhiệm triển khai chủ trương xã hội hóa của cán bộ một số lĩnh vực, một số đơn vị văn hóa nghệ thuật không cao, đúng như Chủ tịch hội nghệ sĩ sân khấu Lê Tiến Thọ cho biết “Chúng ta chưa có đề án cho hoạt động xã hội hóa, không có đề án sẽ không có được những giải pháp, những chính sách xã hội hóa cho sân khấu của chúng ta” (Báo điện tử vov.vn ngày 06/8/2016).
- Một trong những cản trở lớn cho quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật là tâm lý ỷ lại vào bao cấp của Nhà nước còn rất nặng nề, mà xã hội hóa lĩnh vực văn học nghệ thuật là việc làm rất khó khăn.
Do không quán triệt đầy đủ chủ trương xã hội hóa, do tư tưởng bao cấp còn nặng nề, do thiếu trách nhiệm, ngại khó đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cấp, các đơn vị văn hóa, nghệ thuật chưa có đề án, thiếu những cơ chế chính sách phù hợp, thiếu trách nhiệm phối hợp để giải quyết những khó khăn, buông lỏng kiểm tra, giám sát, định hướng cho từng lĩnh vực, từng loại hình từng đơn vị văn hóa nghệ thuật trong quá trình xã hội hóa.
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật là một chủ trương lớn của Đảng. Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết, 2 nghị định để thực hiện và đẩy mạnh thực hiện chủ trương này. Kết quả đạt được sau 20 năm là quan trọng nhưng còn quá nhiều yếu kém, bất cập và quan trọng là một số chỉ tiêu lớn đề ra cho năm 2010 mà đến nay vẫn chưa đạt được. Để có nhận thức đầy đủ, để có quyết tâm và năng lực thực hiện có hiệu quả chủ trương này, đã đến lúc Chính phủ cần tiến hành tổng kết thực tiễn 20 năm xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trên cơ sở đó ban hành nghị quyết và nghị định mới để định hướng, ban hành hệ thống đồng bộ các cơ chế chính sách mới phù hợp khuyến khích xã hội hóa có hiệu quả các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Để thực sự tạo ra xung lực mới thực hiện thắng lợi nghị quyết 23 của Bộ chính trị khóa IX và nghị quyết TW 33 khóa XI.