Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.093.647
Truy cập hiện tại 215
Vị trí, vai trò của người cao tuổi trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 05/10/2018
Kính trên, nhường dưới”, “kính lão, đắc thọ” là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Trong xã hội Việt Nam, người cao tuổi luôn được coi trọng, tôn kính; họ có vai trò to lớn trong việc gìn giữ, truyền thụ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, là lớp người có công lớn trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Kế thừa truyền thống của dân tộc, sinh thời, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc đối với Người cao tuổi. Người đã có những quan điểm sâu sắc, nhất quán và mang tính hệ thống về vị trí, vai trò, trách nhiệm của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà. Quan điểm của Bác về người cao tuổi được thể hiện ở một số điểm nổi bật sau:
1. Vị trí, vai trò của người cao tuổi
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của người cao tuổi đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, với gia đình, quê hương nói riêng. Từ sớm, Người đã nhận thấy vị thế, vai trò, tiềm năng, sức mạnh và những giá trị cả về vật chất và tinh thần của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng, trong thời chiến cũng như trong thời bình.
 

Ngay sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã khẳng định, cách mạng muốn thắng lợi cần phải đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc, trong đó phát huy được vai trò của các bậc phụ lão, cao niên là việc làm cần thiết. Người thường xuyên viết thư, trực tiếp nói chuyện thăm hỏi, động viên các bậc phụ lão cần tiếp tục phát huy vai trò của mình tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Người từng nói: “Đối với người cao tuổi, tuy sức khỏe không bằng lúc còn trẻ nhưng có những mặt mạnh cơ bản, đó là: Có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc; tuổi càng cao chí càng cao; tích lũy được vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng phong phú; có sự tín nhiệm cao”.

Tháng 6/1941 trong “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”, Bác đã chỉ rõ vai trò của người cao tuổi có ảnh hưởng đến sự nghiệp cách mạng đất nước, đến quê hương và gia đình, họ chính là những người đáng kính, có uy tín, là nơi quy tụ tinh thần đoàn kết, sức mạnh dân tộc: “Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến giết giặc... Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”. [1]
Thực tiễn đã chứng minh vai trò của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng và trong xã hội. Trong kháng chiến, họ chính là những chiến sỹ du kích già với “tay chống gậy, tay cầm dao giết giặc cứu nước” luôn đi đầu và sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, xứng đáng với danh hiệu: “Tuổi cao chí khí càng cao; Múa gươm giết giặc ào ào gió thu; Sẵn sàng tiêu diệt quân thù; Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng” [2].
Trong kiến quốc, người cao tuổi là những chiến sỹ trên mặt trận “diệt giặc dốt, giặc đói”, các cụ đã tham gia tích cực vào phong trào bình dân học vụ, động viên con cháu hăng say lao động sản xuất, thực hiện “hũ gạo tiết kiệm” chống nạn đói, xây dựng đời sống mới, tích cực động viên con cháu lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc… Qua đó càng thể hiện vai trò to lớn không thể thiếu của mình trong sự nghiệp Kháng chiến, kiến quốc: “Càng già, càng dẻo, lại càng dai; Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai; Đôn đốc con em làm nhiệm vụ; Vuốt râu mừng xã hội tương lai” [3]
2. Trách nhiệm của người cao tuổi
Ngày 21/9/1945, trong “Thư gửi các vị phụ lão” với tư cách là một người cao tuổi, Bác đã thẳng thắn phê phán quan niệm "Lão lai tài tận" (nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm được gì nữa), “Lão giả an chi” (người già nên ở yên) của một số người cao tuổi, đặc biệt trong bối cảnh nước ta vừa mới giành được độc lập với muôn vàn khó khăn đang ở phía trước rất cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người: “Hiện nay, nước ta mới tranh lại quyền độc lập tự do, nhưng còn phải qua nhiều bước khó khăn, để củng cố quyền tự do độc lập đó. Vậy nên quốc dân ta, bất kỳ già trẻ, đều phải ra sức gánh một vai” [4].
Theo Người: với các bậc phụ lão tuổi cao sức yếu, tuy không làm được việc nặng nhọc, nhưng cũng không nên trông chờ, ỷ lại con cháu, mà phải biết phát huy kinh nghiệm của mình để dìu dắt động viên thế hệ trẻ: “Con cháu ta, thanh niên sức khỏe thì gánh vác việc nặng, chúng ta già cả, không làm được công việc nặng nề, thì khua gậy đi trước để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ”[5].
Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, người cao tuổi không chỉ là người có kinh nghiệm, uy tín, là người lao động cần cù, sáng tạo trong xây dựng gia đình, quê hương, đất nước, mà còn là người dám hy sinh thân mình cho độc lập tự do của dân tộc. Họ chính là những người trực tiếp làm nên lịch sử, gìn giữ bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Trong bài viết “Càng già càng giỏi” đăng trên báo Nhân dân số 4218, ngày 22/10/1965, Người viết: “Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thụ thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mĩ, cứu nước. Các cụ tùy điều kiện mà tổ chức đội Bạch đầu quân để làm những công việc như: khuyến khích con cháu tham gia bộ đội và thanh niên xung phong; giữ gìn trật tự trị an làng xóm; giúp đỡ dân quân, tăng gia sản xuất, trồng cây gây rừng; cổ động bà con đặt hũ gạo chống Mĩ cứu nước…” [6]
3. Cần phải có chính sách quan tâm kịp thời, phù hợp đối với người cao tuổi
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn luôn quan tâm, ghi nhớ vai trò, công lao của người cao tuổi. Người luôn căn dặn các cấp bộ đảng, chính quyền và nhân dân ta phải biết kính trọng, tôn vinh, khuyến khích, động viên và có những chính sách quan tâm kịp thời đến việc chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi.
Dù trong bất kỳ thời điểm nào, ở mọi lúc, mọi nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong việc chăm sóc người cao tuổi. Thông qua các bài viết, bài nói chuyện, với tình cảm ân cần, gần gũi, chân thành, Người thường xuyên thăm hỏi, động viên kịp thời, khuyến khích người cao tuổi tiếp tục phát huy vai trò của mình trong cuộc sống, phải tự mình học tập nâng cao dân trí, tích cực tham gia các hoạt động trong đời sống xã hội, tiếp tục là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Đối với các đồng chí đảng viên cao tuổi, Bác đặc biệt nhấn mạnh: "Công việc ngày càng nhiều, càng mới nên đảng viên già phải cố gắng mà học", "Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng"[7].
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Bác thường xuyên nhắc nhở các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các ngành, cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc, động viên và giúp đỡ kịp thời đối với người cao tuổi, qua đó đảm bảo sức khỏe và cuộc sống cho họ, để họ tiếp tục phát huy vai trò cống hiến cho sự nghiệp cách mạng nước nhà.
Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sớm Đảng ta rất coi trọng công tác chăm sóc người cao tuổi. Ngày 10/5/1995, Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập. Tiếp đó, trên cơ sở đề nghị của Hội Người cao tuổi Việt Nam lấy ngày 6/6/1941 làm ngày truyền thống của người cao tuổi, ngày 26/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 772/QĐ-TTg lấy ngày 6/6 hàng năm là “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam” nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước làm gương cho lớp trẻ đi sau tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ  để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu đẹp, văn minh, dân chủ bền vững. Đồng thời, vận động toàn dân tham gia phong trào chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội cùng nhau chăm sóc người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có íchcho gia đình và xã hội. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Người cao tuổi. Qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi nước ta, những người có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, kết nối các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, có công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ độc lập và xây dựng phát triển quê hương, đất nước.
Theo Tạp chí Hội Người Cao tuổi Việt Nam (TT)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.