Cũng theo ông Phạm Tất Thắng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 110 quy định tất cả các hoạt động lễ hội nhưng có sự phân cấp rất rõ, cho cơ quan quản lý nhà nước và địa phương với quy mô tính chất lễ hội rõ ràng, có sự phân loại trên cơ sở quy mô và tính chất của các lễ hội. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực và địa phương được giao trách nhiệm, thẩm quyền để quản lý và tổ chức lễ hội. Nghị định cũng quy định xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức các lễ hội.
“Tôi cho rằng đây là nghị định rất cần thiết, ban hành đúng thời điểm và với nội dung như vậy cơ bản đã đủ để giúp cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương đưa hoạt động tổ chức quản lý, tổ chức lễ hội vào nề nếp. Nhiều lễ hội thương mại, phản cảm và bạo lực, với quy định mới sẽ thắt chặt lại”- ông Phạm Tất Thắng nói. Phó Chủ nhiệm Phạm Tất Thắng cũng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển chúng ta phải đảm bảo hai yếu tố: tôn trọng giá trị văn hóa truyền thống, cốt lõi, một mặt phải khắc phục được những lễ hội có tính chất phản cảm, những hủ tục ở một số lễ hội đây là nhiệm vụ của công tác quản lý, nghị định 110 bước đầu đã đặt vấn đề để có thể xử lý được việc này.
Nhiều điểm mới, cụ thể
Nghị định 110 đã quy định nhiều điểm mới. Trong đó đặc biệt lưu ý, lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
Nghi lễ cũng phải đảm bảo tính trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam…
Một điều đáng lưu ý, Nghị định quy định về việc tạm ngừng tổ chức lễ hội cho phép cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp như: Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội; Tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; gây cháy nổ, làm chết người; Xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương; Có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội gây hoang mang trong nhân dân.
Về xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội được quy định rõ hai thành phần gồm tổ chức và cá nhân. Trong đó, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng phân cấp, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và đơn vị tổ chức lễ hội.