Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.063.614
Truy cập hiện tại 43
Để di sản sống trong cộng đồng
Ngày cập nhật 03/08/2018

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đồng ý với đề xuất của tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng hồ sơ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Quá trình lập hồ sơ không quá khó khăn, điều quan trọng là phải làm gì để di sản sống trong lòng cộng đồng một cách bền vững.

Một di sản quý của dân tộc
Làng Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (tục gọi là làng Mái) nằm ở tả ngạn sông Đuống, là nơi ra đời của dòng tranh Đông Hồ có tuổi đời khoảng 500 năm. Với hàng trăm mẫu tranh, cách thức làm tranh sử dụng ván khắc gỗ độc đáo gồm ván nét và ván màu, đề tài phản ánh đời sống vật chất và tinh thần cư dân nông nghiệp, nghệ thuật tạo hình mang đậm hồn Việt… tranh Đông Hồ được xem là dòng tranh dân gian tiêu biểu nhất của người Việt, từng đi vào thơ ca: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (“Bên kia sông Đuống”-Hoàng Cầm). 

Tranh Đồng Hồ cũng như các dòng tranh khác như tranh Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tranh Kim Hoàng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), tranh làng Sình (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) chủ yếu được người dân mua để trang trí trong ngày Tết. Trải qua bao biến thiên lịch sử, lúc thịnh lúc suy, đến nay về cơ bản người dân làng Đông Hồ sống bằng nghề nông, làm vàng mã. Làm tranh dân gian chỉ còn một vài hộ gia đình như nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam duy trì. Vì vậy, việc các cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ về tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại không chỉ thêm một lần tôn vinh giá trị di sản, mà còn dịp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản cho muôn đời sau.

Khi chúng tôi đến nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, cả gia đình đang miệt mài làm tranh với một quy trình đã được chuẩn hóa. Theo học ngành mỹ thuật, công tác tại nhiều cơ quan văn hóa khác nhau, đến năm 1992, ông Chế xin nghỉ hưu sớm để chuyên tâm làm tranh. Dần dà, ông lập công ty, có cơ ngơi rộng rãi để vừa là xưởng làm tranh, vừa nơi trưng bày sản phẩm... Từ cuộc trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, chúng tôi rút ra một số điểm giống những câu chuyện nhiều nghệ nhân ở các ngành nghề khác sống được bằng nghề, đó là: Bản thân nghệ nhân phải có tâm và có tầm; phải đa dạng hóa sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm mới có thể dùng nghề nuôi sống gia đình; chính quyền địa phương phải hỗ trợ nghệ nhân…
Chính từ việc sống được nhờ tranh, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế mới thuyết phục được con cháu trong nhà bỏ nghề nông, làm vàng mã chỉ để tập trung làm tranh. Năm nay đã 81 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vẫn đau đáu với bao câu chuyện làm tranh, đó là: Các cơ quan chức năng sẽ có hỗ trợ gì các nghệ nhân, việc tổ chức truyền dạy cho lớp trẻ sẽ như thế nào... Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó chủ tịch UBND xã Song Hồ, cho biết: “Qua tìm hiểu của chính quyền địa phương, những người dân trong làng cơ bản có biết về kỹ thuật làm tranh. Nhưng do nhu cầu thị trường hạn chế, nếu cung nhiều so với cầu sẽ không tiêu thụ được nên nhiều hộ dân không theo nghề. Bên cạnh tạo điều kiện cho các hộ hiện vẫn đang làm tranh, chúng tôi tha thiết mong các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ thêm để họ có thể sống được bằng nghề”.
Truyền dạy tri thức là tối quan trọng
Hiện nay, Việt Nam đã đệ trình UNESCO hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ “Nghệ thuật xòe Thái” đang xây dựng, chuẩn bị hoàn thiện và sẽ đệ trình UNESCO trước tháng 3-2019. Do vậy, hồ sơ về tranh dân gian Đông Hồ sẽ phải đợi đến tháng 3-2020 mới đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Thời gian còn gần 2 năm, được xem là cần thiết để có sự chuẩn bị đầy đủ về nội dung khoa học và thủ tục cần thiết, cũng như triển khai một số biện pháp bảo vệ sức sống của di sản tranh Đông hồ tại địa phương. Về mặt hồ sơ, nội dung khoa học cũng như câu chữ được thể hiện bằng tiếng Anh không có nhiều trở ngại khi đơn vị đứng ra lập hồ sơ, tư vấn cho UBND tỉnh Bắc Ninh và các nghệ nhân là Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Để hồ sơ có sức thuyết phục, theo PGS, TS Nguyễn Thị Hiền, Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: “Điều quan trọng là cần phải trao truyền tri thức, kỹ năng làm tranh dân gian Đông Hồ cho thế hệ trẻ thông qua các lớp đào tạo “truyền nghề truyền ngón”, do các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy. Đồng thời, cần có những biện pháp bảo vệ khác để di sản thực sự có sức sống trong cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ bị mai một. Về lâu về dài, tỉnh Bắc Ninh cần có những chính sách thỏa đáng cho nghệ nhân, cho người học làm tranh, bù giá cho sản phẩm, nỗ lực quảng bá giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm”.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đều tin hồ sơ về tranh dân gian Đông Hồ có khả năng cao được UNESCO công nhận vì giá trị độc đáo của dòng tranh này. Câu chuyện là sau khi được ghi danh, cơ quan chức năng và cộng đồng sẽ có những bước đi nào để dòng tranh mang đậm hồn Việt này thực sự phục hưng và trở thành một sản phẩm văn hóa đại diện cho quốc gia, góp phần làm đa dạng tinh hoa văn hóa nhân loại.

Theo Cinet.vn (NN)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.