Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.093.701
Truy cập hiện tại 214
Gìn giữ bản sắc văn hóa di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Ngày cập nhật 03/08/2018

Mới đây, kênh truyền hình CNN đã lần đầu tiên phát sóng bộ phim tài liệu với tựa đề “Destination Hanoi” (Điểm đến Hà Nội). Trong suốt hành trình khám phá Hà Nội qua hình ảnh, khán giả đã được ghé thăm nhiều địa điểm văn hóa đặc sắc của Thủ đô như chương trình Tinh Hoa Bắc Bộ, Làng cổ Cự Đà, Bánh tôm Hồ Tây, Việt Phủ Thành Chương và đặc biệt là chiêm ngưỡng vấn đồng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu (Đạo Mẫu)…

Nghi thức vấn đồng trong Destination Hanoi được thực hiện bởi thanh đồng Nguyễn Đức Hiển đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả quốc tế bởi vẻ đẹp văn hóa đa dạng và đặc sắc của người Việt.

Toàn cảnh buổi vấn đồng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu

Những giá trị văn hóa độc đáo của di sản Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được thể hiện qua nhiều nghiên cứu. Trên phương diện khoa học, ông Phạm Tứ - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: “Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa của người Việt, chứa đựng những giá trị nhân văn cao cả, tôn vinh người phụ nữ Việt Nam qua hình tượng người mẹ tự nhiên. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển rộng khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, từ đô thị đến miền núi tạo nên một nét khá nổi bật trong bức tranh chung vốn đã hết sức đa dạng phong phú của đời sống tín ngưỡng tôn giáo của đất nước ta.” 

Thanh đồng Nguyễn Đức Hiển tái hiện lại nghi thức vấn đồng

Tục thờ Mẫu của người Việt không chỉ nhân hóa tự nhiên mà còn định tính hóa tự nhiên, nói cách khác việc tôn thần, thờ mẫu không chỉ hiện thân của bản thể mà còn là lực lượng cai quản tự nhiên. Nhận thức thế giới đó đã giúp cho con người hòa đồng với tự nhiên, cảm nhận tự nhiên, lắng nghe tự nhiên, rồi cuối cùng bảo vệ tự nhiên một cách hiệu quả hơn. Khác với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu hướng niềm tin con người vào thế giới hiện tại, đó là nhân sinh quan mang tính tích cực phù hợp với con người trong thế giới hiện nay. Trong hệ thống điện thần thờ mẫu, các vị thánh đều hóa thân từ những con người danh tiếng có công trạng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc như Trần Hưng Đạo trong Đức thánh Trần, mẹ Âu Cơ trong mẫu thượng ngàn, tướng quân Lê Khôi hay Nguyễn Chí trong ông Hoàng Mười, trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong vai ông Hoàng Bơ. Đây không phải là việc làm tùy tiện, ngẫu nhiên mà được sáng tác từ ý thức lịch sử và xã hội, ý thức hướng về cội nguồn, uống nước nhớ nguồn, tôn vinh những người có công với đất nước, bằng cách đó tục thờ mẫu gắn bó với cội nguồn, lịch sử dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa trong đó người mẹ, mẫu là nhân vật trung tâm.

TS Trần Đoàn Lâm - Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam cho biết, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một trong những thành tố rất đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Đạo đức nho giáo rất trọng nam kinh nữ, nhưng riêng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ lại đề cao vai trò của người phụ nữ. Đây là kho tàng văn hóa bao gồm nhiều yếu tố như nghi lễ, trang phục, âm nhạc… Chính vì vậy UNESCO đã công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại vào ngày 1/12/2016.”

Nghệ nhân thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Nguyễn Đức Hiển khẳng định “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là tín ngưỡng mang đậm dấu ấn của bản sắc sinh động của người Việt, gắn bó mật thiết với cội nguồn và lịch sử dân tộc, được sinh ra từ ước vọng của nhân dân mong mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no…”

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - một di sản văn hóa nghệ thuật trên cơ sở các nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan, kết tinh chắt lọc đã tạo nên một không gian tâm linh uy nghiêm. 

Vì sao hấp dẫn?

Những lý giải của các nhà khoa học và cũng chính từ những nghệ nhân thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã phần nào trả lời cho câu hỏi  Vì sao thực hành tín ngưỡng thờ mẫu lại hấp dẫn với đông đảo người dân và thậm chí là khán giả quốc tế. Ông Phạm Sanh Châu – Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đặc phái viên của Chính phủ về các vấn đề UNESCO, Tổng thư ký ủy ban UNESCO Việt Nam chia sẻ: “Ở Việt Nam có lẽ không có một tôn giáo nào mà sức hấp dẫn lại mạnh như Tín ngưỡng thờ Mẫu. Tại sao nó lại hấp dẫn như vậy, có lẽ bởi tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ khi tham gia thực hành, tính linh hoạt và tính mở của nó rất lớn. Cá nhân tôi không phải là người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng tôi cảm thấy rất thích thú mỗi lần được dự các hoạt động của cộng đồng này.” Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - một di sản văn hóa nghệ thuật trên cơ sở các nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan, kết tinh chắt lọc đã tạo nên một không gian tâm linh hàm chứa sự uy nghi, sang trọng, tràn ngập niềm vui và nét đẹp của một hình thức sân khấu độc đáo, một bảo tàng sống của văn hóa truyền thống Việt Nam. Chính điều này đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả quốc tế.

Cần ngăn chặn những biến tướng 

Bên cạnh những giá trị nhân văn, giá trị văn hóa độc đáo, hiện nay, không ít người lợi dụng di sản này vào mục đích khác, thậm chí đi ngược lại với tính nhân văn, tính văn hóa vốn có của nó. Bên cạnh đó, tình trạng sân khấu hóa nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu một cách tùy tiện cũng gây nên sự lo ngại về việc mai một bản sắc di sản. Ngay trong mùa lễ hội năm 2018, Bộ VH-TT&DL đã có công văn số 618/BVHTTDL-DSVH gửi các Sở VHTT/Sở VHTTDL các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động Hầu đồng trong Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Theo đó, văn bản nêu rõ, để triển khai hiệu quả và nghiêm túc Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được Bộ VHTTDL công bố, Bộ VHTTDL yêu cầu Sở VHTT/Sở VHTTDL kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh các hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, cụ thể: Chỉ tổ chức Hầu đồng ở những nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu; không tổ chức nghi lễ Hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người thực hành về giá trị của di sản, qua đó khuyến cáo hạn chế việc sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng. Đồng thời ngăn chặn, xử lý hiện tượng lợi dụng Hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng.

Thanh đồng Nguyễn Đức Hiển cho biết hiện nay vẫn còn những những nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa chuẩn về thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu. “Hiện nay trong xã hội ta nghĩ rằng đạo Mẫu rất mê tín, thậm chí những người thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có nhiều lệch lạc, chính vì vậy, chúng ta nên thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, giao lưu văn hóa, giữa các nghệ nhân, giữa Việt Nam và quốc tế để công chúng có thể hiểu đúng về đạo Mẫu, hiểu đúng giá trị nhân văn thực sự của thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Ý kiến của thanh đồng Nguyễn Đức Hiển cũng đồng nhất với nghệ nhân Lưu Ngọc Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa thờ Mẫu và hát văn Hà Nội, nghệ nhân Lưu Ngọc Đức cho biết, “Cái gì cũng còn có mặt trái. Đại đa số chúng tôi vẫn giữ đúng nghi lễ thực hành theo lối cổ truyền. Tôi rất mong có các cuộc họp với các đơn vị quản lý văn hóa, các chuyên gia để giữ gìn thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đúng bản sắc, không bị biến thái, bị lai căng”. Bên cạnh đó là việc phân định rõ định nơi nào đủ điều kiện tổ chức nghi lễ, nơi nào không và xây dựng quy chế thực hành nghi lễ nhằm tạo chuẩn mực cho việc tổ chức, thực hành./. 

Theo Cinet.vn (NN)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.