Thơ thế giới viết về Bác chủ yếu thể hiện qua cảm nhận về tầm vóc, những cống hiến và sức lan tỏa từ cuộc đời vĩ đại của một lãnh tụ. Có thể nói, cảm hứng chủ đạo của các nhà thơ thế giới viết về Bác Hồ là sự ngợi ca, khâm phục, tự hào về một Con Người mà cuộc đời là sự hiện thân của của ý chí phấn đấu đến cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và hòa bình nhân loại:
"Những trái tim lớn trong lòng nhân loại
Thường vượt không gian, thời gian
Đến với trái tim ta..."
(Nhiêu Vi Chất - Bác Hồ của chúng con)
Những câu trên đây của nhà thơ Campuchia đã khái quát một vấn đề lớn trong thơ thế giới: với những bậc vĩ nhân của thời đại, bản thân cuộc đời và những cống hiến của họ đã trở thành bài thơ đẹp nhất, đáng ca ngợi nhất.
Cảm phục vô hạn một bậc vĩ nhân của thời đại, nhà thơ Paven Antôkônxki (Liên-xô) trong "Bức tượng đồng trong rừng sâu", thông qua một kỷ niệm có thực đã ví Bác như một bức tượng đồng ngàn năm vẫn còn là khuôn mẫu. Còn Phêlich Pitarôđơrighêt (nhà thơ Cu-ba) thì khẳng định: tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi là một niềm thơ ngân vọng lòng người bởi những dấu ấn lịch sử, những đổi thay lớn lao cho dân tộc và loài người yêu chuộng hòa bình trên thế giới do tài năng, phẩm cách của Người kiến tạo. Những dòng thơ buồn man mác, thấm đượm sự cảm thông đưa người đọc trở về với quá khứ cực nhục của ngày xưa khiến tình cảm trong nhà thơ càng thêm lắng đọng: "Bởi vì Người đã đói mọi cơn đói ngày xưa/ Vì Người đã chết hai triệu lần năm bốn nhăm khủng khiếp/ Bởi vì Người đã mặc lên mọi tấm áo xác xơ/ Đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của của người dân mất nước/ Bởi vì Người đã chất chứa nỗi tủi nhục của mọi người cùng cực/ Bởi vì Người đã từng chịu nỗi đau roi vọt đánh vào dân tộc/ ... Và như thế Người đã nhận ra rằng:/ Bất cứ ở đâu con người cũng chỉ là một và đói khổ cũng chỉ là một/ Và Người cũng biết: ở đâu cũng một lòng căm uất và đường đi chỉ có một mà thôi..."
Nhan đề bài thơ cùng điệp khúc “Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài thơ với tình cảm chân thành của thi sĩ đã làm cho hình tượng trở thành khúc tráng ca có âm vang trùng điệp. Bài thơ "Bác Hồ" của một nhà thơ Cu-ba khác - Lisanđơrơôtêrô - miêu tả Bác như một lãnh tụ thiên tài, một nhà chính trị, nhà tư tưởng và một nhà thơ lớn. Tác giả đã khái quát và cắt nghĩa bản chất của Người: "Để làm nên một người cộng sản/ Hồ Chí Minh gốc của dân và cũng chính là dân...".
Hình ảnh Bác còn là hiện thân của đức độ khiêm tốn, những phẩm chất cao quý nhất của một người cộng sản: "Trên ngực Người không đòi hỏi huân chương/ Tâm hồn Người bao trùm thế giới...". Phẩm chất đó cũng được nhà thơ Inđônêxia Đagiô thể hiện trong cách nói ẩn dụ về "vẻ bên trong của viên ngọc": "Khi đức độ đã ngời như ngọc quý/ Thì có nghĩa gì chiếc ghế phủ nhung êm". Dành trọn cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, với Bác, điều quý nhất, niềm mong mỏi sâu nặng nhất là cơm no áo ấm, tự do hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, cho hòa bình nhân loại. Người muốn đi tìm trong sự áp bức, bất công cái ý nghĩa chân chính nhất vẻ đẹp ngời sáng của phẩm giá con người - nói như Phêlich Pitarôđơrighêt: "Còn cao hơn miếng cơm, danh vọng/ Cao hơn cả trường tồn cuộc sống..."
Tầm vóc của một nhà tư tưởng chiến lược Hồ Chí Minh còn được cảm nhận từ góc độ một con người rất đỗi gần gũi. Phẩm giá "sống hiên ngang mà thân ái chan hoà" vừa vĩ đại vừa chân thành giản dị ấy được nhà thơ Pháp Mađơlen Ripphô miêu tả: "Người cầm hai bó hoa hồng/ Tựa như những đoá ta trồng vườn hoa/ Hỏi thăm tin tức chúng ta/ Hiểu dân tộc Pháp hơn là bạn, tôi…" Đó là hình ảnh đẹp nhất - hình ảnh một con người tỏa lòng nhân ái bao la và ánh sáng diệu kỳ từ một tâm hồn cao đẹp.
Viết về Người, đặc biệt các nhà thơ còn ca ngợi tình yêu thương sâu nặng của Người với trẻ thơ. Ghêoocghi Vêxêlinôp - một nhà thơ Bulgari có vinh dự được tiếp xúc và cảm nhận được điều đó qua tấm lòng bao dung mênh mông của Bác, đã kể lại ấn tượng có lẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí: "Một lãnh tụ và một trẻ thơ/ Đã hiểu nhau tự bao giờ/ Chân thành và bền chặt/ Và con tôi cứ tự hào nhắc mãi/ Hai bố con mình hôm ấy/ Đã cùng nói chuyện với Hồ Chí Minh..."
Sự giản dị, đức khiêm nhường và tình cảm gắn bó với trẻ thơ trong bài thơ này gợi nhớ một kỷ niệm mà lòng nhân hậu của vị lãnh tụ Việt Nam từng khiến cho kẻ thù của dân tộc và những người có lương tri trên thế giới hết lòng cảm kích. Đó là chuyện Bác Hồ gửi một quả táo cho một em bé Pháp sau hội nghị Phôngtenbơlô năm 1946.
Bên cạnh việc khắc họa hình ảnh một con người giàu lòng nhân ái, thơ thế giới còn tập trung ca ngợi Bác ở khía cạnh một nhà tư tưởng lớn của thời đại, một lãnh tụ thiên tài. Qua thơ, hình ảnh Bác hiện lên như một vị thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm, tự tin vững lái con tàu cách mạng Việt Nam vượt qua phong ba, bão tố đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Êoan Maccôn, nhà thơ Anh trong bài thơ "Hồ Chí Minh" đã viết: "Hồ Chí Minh - ông già thuyền trưởng/ Đã từng qua bảy biển năm châu".
Trong bài thơ "Hồ Chí Minh", Trabani Akhơmet - nhà thơ Angiêri khẳng định: tinh thần đấu tranh không mệt mỏi của Người kiên trì chống lại áp bức đến cùng đã trở thành một tấm gương, một biểu tượng khiến kẻ thù phải vô cùng khiếp đảm: "Tên của Người đồng nghĩa với danh từ chống đế quốc/ Tên của người cao hơn mây bay/ Tên của Người cao hơn đại bác/ Tiếng nói của Người dội vang đất nước/ Kêu gọi nhân dân cầm vũ khí đứng lên." Tiếng nói của Người khơi dậy sức mạnh tiềm tàng của cả dân tộc sau bao năm chìm trong khổ đau, quyết vùng lên đòi quyền sống, quyền hạnh phúc. Tiếng nói của Người là sấm sét trong giông tố cách mạng trút xuống kẻ thù - đó là ý chí quật cường của tủi cực, hờn căm chất chứa từ những đêm trường bị áp bức. Enxơtơ Sumakhơ, nhà thơ Đức ca ngợi Bác như hiện thân của sức mạnh tuyệt vời, mỗi nét phẩm chất cao quý của Người đều là một vũ khí chiến đấu sắc bén: "Ôi! Hiền dịu của Bác Hồ/ Chính là sức mạnh của lòng ta đó/ Đức vị tha của Người vạch mặt/ Sự đê hèn của quân thù nghịch/ Chí kiên cường của Người/ Chuyển rung trái đất."
Và, nếu như Enxơtơ Sumakhơ ví Bác như "người gieo mầm cách mạng" thì Amrita Pritam - nhà thơ nổi tiếng Ấn Độ lại thể hiện hình ảnh Bác như một con người cần mẫn gieo mầm sự sống, qua bài thơ "Hồ Chí Minh" với sự ngưỡng mộ tuyệt đối và vô cùng tôn kính.
Ca ngợi Bác, tình cảm của các nhà thơ trên khắp hành tinh đã có nhiều phát hiện độc đáo, thể hiện những khía cạnh phong phú trong bản chất vĩ đại của Người, phản ánh khá toàn diện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - người chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Nói như nhà thơ Ấn Độ Môninđra Ray: "Hồ Chí Minh/ Người đã hồi sinh cuộc sống/ Người là vầng dương/ Đang đem lại bình minh cho nhân loại."
Việt Nam là niềm tự hào của nhân loại tiến bộ chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế. Những chiến công của Việt Nam chẳng những đã đưa một đất nước từ trong đêm dài nô lệ đau thương lên vị thế ngang tầm vinh quang thế giới mà còn góp phần tìm lại cho nhân loại những giá trị chân chính của chính nghĩa, công lý, tự do, niềm tin và những giá trị tinh thần khác đã từng bị chà đạp. Niềm vinh quang của dân tộc Việt Nam gắn liền với sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người tượng trưng cho chiến thắng, ý nguyện hòa bình và hạnh phúc của loài người. Đêvit Anxơn, nhà thơ Mêhicô đã gửi đến Bác tâm tình của những người du kích khi còn đang trong cuộc chiến đấu ác liệt: "Chúng tôi những người du kích/ Ở châu Mỹ la tinh/ Trong rừng sâu/ Nghe tiếng bước chân Người/ Những bước chân đã dẫn đầu cuộc chiến tranh giải phóng/ Người luôn bên cạnh chúng tôi/ Vì tinh thần của Người vẫn còn mãi mãi/ Sẽ chiếu sáng/ Con đường của chúng tôi đi."
Đó là một niềm hy vọng lớn lao, niềm tin sắt đá của nhân loại nói chung và các dân tộc đang đấu tranh giải phóng áp bức nói riêng. Có lẽ vì thế, không nỗi đau nào xót xa hơn nỗi đau của người con mất cha, dân tộc phải vĩnh biệt lãnh tụ yêu kính của mình. Ngày Bác Hồ vào cõi vĩnh hằng, cả dân tộc và nhân loại tiễn đưa Người trong những dòng nước mắt tiếc thương vô hạn "đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa", nỗi đau thấu cả đất trời! Cụ Riôkêônisi - vị cao tăng hơn 100 tuổi, có uy tín lớn trong giới Phật tử và nhân dân Nhật Bản - khi được tin Bác mất đã đau xót, bỏ ăn và với lòng ngưỡng mộ đã viết lên những dòng thơ trĩu nặng nỗi lòng: "Trời xanh đón người cứu nước về/ Đau lòng, chúng sinh trên đường mê/ Xưa nay hiếm bậc lão anh kiệt/ Chiếc lá thu bay: trời ủ ê!"
Nữ thi sĩ Blaga Đimitơrôva nói thay cho nỗi bàng hoàng, sững sờ tưởng chừng không thể nào tin được của cả nhân dân Bungari khi nghe vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam đã qua đời. Nhà thơ Haiti Ranê Đêpêxtrơ đã gợi lại tiếng khóc, nỗi đau âm thầm vò xé trái tim người thanh niên yêu nước, người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc trên boong tàu lúc ra đi tìm đường cứu nước - đó là những giọt nước mắt vì đất nước đắm chìm trong cực nhục đau thương; còn "ngày nay, toàn thế giới không sao cầm được nước mắt trước thi thể của Người vừa lặng tắt" - đó là tiếng khóc thương tiếc một người thầy, một người đồng chí lỗi lạc. Sự đối lập hai hoàn cảnh nảy sinh tiếng khóc làm tăng thêm giá trị biểu cảm của bài thơ đồng thời thể hiện sự cảm nhận tinh tế của tác giả trước nỗi mất mát, đau thương của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, tên tuổi, sự nghiệp và công ơn của Bác vẫn mãi tượng trưng cho những giá trị tinh thần cao đẹp nhất, và bất diệt, như bài thơ của nhân dân Hy Lạp đề dưới bức ảnh Bác Hồ: "Người đã trở thành bất tử/ Người đã đứng vào hàng ngũ/ Những vị anh hùng của đỉnh Acôrôpôn."
Hình tượng Bác đã được quốc tế hóa, được kết tinh trong những dòng thơ ngân vang xúc động, những tình cảm trìu mến, chan chứa tự hào của loài người tiến bộ về Bác, về dân tộc Việt Nam. Điều đó thể hiện sự hiểu biết tinh tế, sức cảm nhận sâu xa và tình cảm chân thành của bầu bạn khắp năm châu đối với Bác Hồ - như nhận định của Phêlich Pitarôđơrighêt - "một trong những con người kỳ diệu ít có, những con người như những tảng đá lớn làm nền cho nhân loại, những con người qua cuộc đời của mình đã dạy cho mọi người hiểu rằng: đối với con người không có đỉnh cao nào là không thể đạt tới".