* "Mọi công việc đã sẳn sàng"
Với vai trò là địa phương đăng cai tổ chức Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn toàn quốc. Với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đoàn về dự Liên hoan, công tác chuẩn bị đã được Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh (Sở Văn hóa và Thể thao) triển khai từ rất sớm, ngay từ đầu năm. Theo đó, Cục Văn hóa Cơ sở đã chủ trì cuộc họp với Sở Văn hóa và Thể thao để phân công trách nhiệm, nhiệm vụ của mỗi bên nhằm đảm bảo cho Liên hoan được chuẩn bị chu đáo và tốt nhất, góp phần cho thành công chung của Festival 2018.
Liên hoan có sự tham gia của 16 đoàn trong cả nước gồm: Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lào Cai, Đoàn chèo Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nhà hát Chào Việt Nam, Lạng Sơn, Tuyên Quang cùng với 450 nghệ nhân, nghệ sĩ và diễn viên. Thông qua Liên hoan nhằm tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình Hát Văn, hát Chầu văn, góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, kế thừa, giới thiệu về những giá trị nghệ thuật của loại hình Hát Văn và Hát Chầu văn trong “Thực hành Tín ngưỡng và Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Về phía địa phương đăng cai, trên cơ sở trách nhiệm được giao Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì phân công cho các đơn vị trực thuộc, trong đó, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh là đơn vị chịu trách nhiệm chính cũng là địa điểm diễn ra liên hoan.
Xác định rõ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của Liên hoan Hát Văn, hát Chầu văn, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao, Cục Văn hóa Cơ sở, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đã triển khai, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, thành lập các tiểu ban, phân công cán bộ khảo sát hệ thống khách sạn trên địa bàn cung cấp cho các đơn vị; công tác thiết kế, lắp dựng sân khấu phục vụ cho liên hoan cũng được Trung tâm Văn hóa Thông tin triển khai từ rất sớm, đảm bảo tính thẫm mỹ, nghệ thuật, phù hợp với không gian diễn xướng hát văn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền quảng bá cho liên hoan cũng được triển khai quy mô, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, hệ thống các băng rol, cờ thả, pano tấm lớn được lắp dựng tại các vị trí trung tâm trên địa bàn thành phố, đặc biệt là phía trước Trung tâm Văn hóa Thông tin, làm việc và phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế để truyền hình trực tiếp lễ khai mạc liên hoan nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Mặt khác, nhằm tạo điều kiện ốt nhất cho các đoàn đến Huế tham gia Liên hoan, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh làm việc với Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế cử 30 tình nguyện viên cùng với cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin đón tiếp, hỗ trợ, hướng dẫn các đoàn tham quan di tích, tham dự liên hoan và các hoạt động khai mạc Festival Huế 2018 được thuận lợi nhât.
Sân khấu chính của Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn toàn quốc đang hoàn thiện
* Chương trình tham gia Liên hoan
Hầu văn Huế là một thể loại âm nhạc tín ngưỡng có từ lâu đời ở vùng đất cổ Thuận Hóa, còn giữ được gần như nguyên vẹn các nghi thức, bài bản âm nhạc cổ, vũ điệu cổ và trang phục hành lễ. Nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị nghệ thuật của Chầu văn Huế đến với các địa phương trong cả nước. Sau khi có Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đã nghiên cứu, tìm hiểu và đi thực địa tại các Đền, Miếu, Phủ... để tìm hiểu và thiết kế chương trình. Với sự cố vấn của các nhà chuyên môn, Hội Thánh Mẫu Thừa Thiên Huế, chương trình tham gia của Đoàn Thừa Thiên Huế gồm có 04 tiết mục phản ánh trình tự hình thành, phát triển và lan tỏa và có sức sống lâu bền trong cộng đồng dân cư của Chầu văn Huế. Bên cạnh những tiết mục bài, bản cổ, chương trình còn có các tiết mục sân khấu hóa hết sức đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước ... theo nội dung của liên hoan. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã bước vào giai đoạn hoàn tất, Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn toàn quốc, hứa hẹn mang đậm nhiều dấu ấn của Huế đến với các đơn vị trong cả nước.