Cần một bộ tiêu chí mới
Theo bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Nghị định quy định về “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” nhằm xây dựng bộ tiêu chí mới trong việc xét hai danh hiệu này. Nội dung Nghị định gồm quy chế và quy trình bình xét rõ ràng nhằm khắc phục thực trạng nhiều năm qua ở một số địa phương, việc thực hiện công nhận hai danh hiệu này còn chưa thực chất.
Dự thảo Nghị định quy định về “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa" bao gồm 4 chương 18 điều, tập trung chủ yếu vào các nhóm tiêu chí để xét danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa. Trong đó có các tiêu chí bắt buộc, tiêu chí khuyến khích để cộng điểm hay tiêu chí bị điểm liệt... Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ xây dựng các mức thang điểm cho phù hợp với 100 điểm cho các tiêu chí được đề ra, nếu như đủ 90 điểm sẽ được đề nghị xét tặng. Đặc biệt, Nghị định không đưa ra chỉ tiêu số lượng các gia đình cần đạt danh hiệu. Tuy nhiên, vẫn có hội đồng bình bầu xét duyệt của chính quyền địa phương nhằm công tâm trong vấn đề chứng nhận "Gia đình văn hóa" và "Khu dân cư văn hóa".
Để cụ thể hơn về vấn đề này, Dự thảo Nghị định đã nêu rõ thời hạn để xét danh hiệu cho các “Gia đình văn hóa” là 3 năm và 5 năm đối với các danh hiệu Khu dân cư văn hóa (gồm “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”). Thêm vào đó, quy định mức tiền thưởng cho các gia đình bằng 0,3 lần lương cơ sở và đối với các bằng chứng nhận còn lại được xét theo điều 69 nghị định 91 năm 2017 do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, tiêu chí chỉ cần có trên 60% tổng số cử tri tại địa phương nhất trí tán thành thì các hộ gia đình sẽ được xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” đang là mối băn khoăn lớn cho các tỉnh, thành phố.
Ông Dương Hồng Cơ, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cho rằng: “Việc bình xét ở mức 60% là quá thấp. Bởi có các gia đình đã đặc biệt cố gắng phấn đấu, những điều này chỉ có những người dân địa phương mới có thể đánh giá một cách chính xác và khách quan nhất. Chính họ mới nắm rõ, đi sâu, đi sát với quần chúng. Nhưng nếu theo quy định trên thì việc xuất hiện thêm nhiều các gia đình văn hóa khác cũng đủ trên 60% là rất lớn. Như vậy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng các danh hiệu”.
Hiện nay việc xét chọn trên mức thang điểm là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, có sự chồng chéo nhau về việc bình xét. Như vẫn chưa quy định rõ đủ điểm là đạt danh hiệu hay chỉ cần đủ chỉ tiêu do hội đồng xét tặng là đủ. “Nếu như chỉ cần một trong hai là được chứng nhận Gia đình văn hóa thì chỉ nên dùng một tiêu chí cho cả hai thôi. Chúng ta cần nêu rõ về chỉ tiêu cho dễ hiểu hơn”- ông Cơ đưa ý kiến.
Lấy chất lượng hơn số lượng
Trên thực tế nhiều năm quản lý ở địa phương, ông Dương Hồng Cơ cho rằng, việc khen thưởng hiện nay khó khăn vì số lượng các Gia đình văn hóa quá đông, quy định trước đây mỗi Gia đình văn hóa được thưởng 30-50 ngàn đồng khiến nhiều địa phương không đủ kinh phí để thực hiện. Vì vậy, Nghị định lần này nên quy định, trong tất cả những danh hiệu đó nên chọn và bầu ra trong số các gia đình 3 năm đạt danh hiệu những hộ tiên tiến và xuất sắc để nhận thưởng và bằng khen. Như vậy mới đảm bảo được chất lượng và kích thích được quần chúng tham gia phấn đấu.
Cũng theo ông Cơ, việc tồn tại các danh hiệu như: Ấp văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, thôn văn hóa hay làng văn hóa … hiện nay là quá bất cập. Mà chỉ nên thực hiện bình xét trên hai phương diện là “Gia đình văn hóa” và “Khu dân cư văn hóa” cho hợp lý. “Bởi vì tất cả những danh hiệu trên đã được bao hàm trong cụm từ “Khu dân cư” rồi, không nên chồng chéo thêm cho rắc rối.
Đồng quan điểm, bà Đặng Hồng Linh - Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT TP. HCM) cũng chỉ rõ, so với số lượng và quy trình xét duyệt danh hiệu như hiện nay, nếu dựa vào Luật thi đua khen thưởng từ năm 2003 là “quá chật” so với những gì đang tồn tại. Cần phải có những tiêu chí mới, quy định mới cụ thể hơn nữa để hợp lý hơn cho từng giai đoạn. Không chỉ có vậy, việc bình xét, tặng thưởng cho các gia đình đạt danh hiệu cũng rất khó khăn về kinh phí, do nguồn ngân sách các địa phương hàng năm không đủ để thực hiện. Chỉ nên chọn lựa những hộ tiêu biểu, xuất sắc nhất trong 3 năm đối với danh hiệu Gia đình văn hóa hoặc 5 năm đối với các khu dân cư để trao bằng và tiền thưởng là đủ.
Ông Hà Văn Tăng – Nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thì cho rằng nên đơn giản và tinh gọn lại những thủ tục hiện nay để tránh rườm rà, rắc rối trong việc thực hiện các trình tự và thủ tục xét công nhận danh hiệu. “Chúng ta chỉ nên xét tặng danh hiệu, còn phong trào thi đua hay chứng nhận Khu dân cư văn hóa, Gia đình văn hóa thì nên để cho địa phương làm hoặc hội đồng bình xét địa phương làm. Như vậy mới sát với thực tế, vừa chất lượng, vừa công tâm. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tinh gọn lại tất cả các danh hiệu chỉ còn lại 2 là “Gia đình văn hóa” và “Khu dân cư văn hóa”. Không nên máy móc quá, tinh gọn lại sẽ dễ dàng hơn cho việc quản lý và bình xét sau này”- ông Tăng nói.
Bên cạnh đó, đại diện các sở văn hóa các tỉnh, thành phố cũng cho rằng, cần thiết trao danh hiệu văn hóa cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong khu vực. Bởi chính những tổ chức, doanh nghiệp đó có đóng góp không nhỏ trong việc động viên, khích lệ và là tấm gương cho quần chúng nhân dân trong việc thi đua phấn đấu trở thành những “Gia đình văn hóa” như hiện nay.
Bà Ninh Thị Thu Hương cho biết, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được tập hợp để ban soạn thảo Dự thảo Nghị định nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp. Sau đó, Dự thảo Nghị định quy định về “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” sẽ được đăng tải trên trang thông tin của Cục Văn hóa cơ sở, Cổng Thông tin của Bộ VHTTDL trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6 năm 2018./.