Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.105.598
Truy cập hiện tại 102
Festival Huế 2018: Nơi hội tụ, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia
Ngày cập nhật 05/04/2018

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – 1 điểm đến 5 di sản”, Festival Huế lần thứ X sẽ diễn ra từ ngày 27/4 đến 02/5/2018 tại tỉnh Thừa thiên Huế.

Trước thềm Festival Huế 2018, phóng viên CINET đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung - Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2018.
 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung
 
PV: Festival Huế 2018 là một sự kiện văn hóa lớn có quy mô quốc gia. Trải qua 9 kỳ tổ chức, Festival Huế đã tạo được những hiệu ứng gì, thưa ông? Xin ông cho biết về ý nghĩa của sự kiện trên?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung: Festival Huế luôn giữ vững định hướng của lãnh đạo tỉnh đề ra từ kì đầu tiên đến nay là giới thiệu được bản sắc và các giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam nhưng cách thể hiện, cấu trúc chương trình và không gian diễn xướng thì luôn mới. Năm nay, với Chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản”, Festival Huế lần thứ X diễn ra từ ngày 27 tháng 4 đến ngày 02 tháng 5 năm 2018 là sự kế thừa và khẳng định thành công của các kỳ Festival trước đây; nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa nền văn hóa của nhiều quốc gia khắp các châu lục, nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế; giới thiệu quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Mỗi kỳ Festival, hàng trăm ngàn lượt du khách từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đến Huế. Đó là sức lan tỏa văn hóa, không dễ bỏ tiền ra mua được. Từ khi có Festival Huế, nhã nhạc cung đình, ca Huế, diều Huế, nón Huế, áo dài Huế... mỗi năm ít nhất có sáu, bảy lần đến với các sự kiện chính trị quan trọng, như Liên hoan nghệ thuật Festival quốc tế ở các nước. Ngược lại, Festival Huế cũng thu hút hàng trăm chương trình nghệ thuật khắp năm châu lục, trở thành điểm hẹn di sản văn hoá và nghệ thuật đương đại Huế, Việt Nam và nhiều nền văn hoá khác trên thế giới. Cách khác, thương hiệu Festival Huế góp phần quảng bá tiềm năng du lịch cố đô Huế, làm tăng sức hấp dẫn và sự ngưỡng mộ đối với bạn bè các nước. Qua Festival Huế, người dân Huế có nhiều cơ hội tiếp xúc với du khách nước ngoài, các tổ chức, chuyên gia kinh tế du lịch, cơ hội nắm bắt nhu cầu và khơi gợi cảm hứng cho những sản phẩm hàng lưu niệm mang bản sắc văn hóa Huế. Việc khôi phục, tái hiện các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo là cơ hội để người dân cảm nhận rõ hơn những giá trị văn hoá vô giá mà quê hương còn gìn giữ được. Trong dòng người đổ về tham dự các sự kiện, nghi lễ truyền thống tại Festival Huế, họ đã có dịp thấy lại hình ảnh quen thuộc và được hoà mình trong không khí trang nghiêm của các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian được dày công tôn tạo, gìn giữ và phát triển trong đời sống, trên một phương diện mới và vị trí mới.
 
 
Festival Huế là sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế (Nguồn: huefestival.com)
 
Festival Huế 2018 được tổ chức với qui mô quốc gia và quốc tế, qui tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, đại diện và mang dấu ấn của những vùng văn hoá khác nhau trên thế giới, trong đó, tập trung văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa Huế. Hiện nay, Cố đô Huế có 5 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận (Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế). Mới đây, Thừa Thiên Huế cùng 11 tỉnh thành khác là chủ sở hữu một di sản vừa mới được UNESCO công nhận là nghệ thuật Bài Chòi. Hai di sản phi vật thể cấp quốc gia, Ca Huế và Dệt Zèng (A-Lưới). Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, đặc trưng để giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế. Festival Huế 2018 với nhiều nét đặc sắc, mới lạ và hấp dẫn đang chờ đón du khách gần xa khám phá và trải nghiệm.
Nhìn chung, các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế lần này đều mang nhiều nét mới lạ, đặc sắc, thu hút du khách với ấn tượng sâu lắng, đậm đà. Đặc điểm có ý nghĩa lớn tại Festival Huế 2018 là sẽ có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các hiệp hội, cơ quan, nhân tố đảm bảo cho các lễ hội, sản phẩm du lịch tồn tại và phát triển bền vững.
PV: Ông có thể cho biết về các hoạt động chính tại Festival Huế 2018? Những nét mới và điểm nhấn của sự kiện này là gì, thưa ông?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung: Festival Huế diễn ra trong năm 2018, gắn kết với nhiều sự kiện lịch sử văn hóa có ý nghĩa của Thừa Thiên Huế và của đất nước: kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788-2018); 50 năm tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu thân (1968-2018); 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993-2018); 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003-2018).
Các chương trình chính và các điểm nhấn của Festival Huế 2018: 
Nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra trong 06 ngày đêm: Chương trình nghệ thuật Khai mạc, lúc 20h00 ngày 27/4/2018; Chương trình biểu diễn hàng đêm của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Ngoài 20 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ khắp các châu lục được BTC chính thức mời tham gia, nhiều cơ quan ngoại giao, đoàn nghệ thuật đã chủ động đăng ký tham dự với nhiều loại hình phong phú, đa dạng … hứa hẹn mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa như: Đoàn vũ công dân gian “Họa tiết Sibiri” – Nga; Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc Urpin – Slovakia; Đoàn nghệ thuật tổng hợp Triết Giang – Trung Quốc; Nghệ sỹ tạo khói và lửa Gwendoline Robin, của Wallonie - Bruxelles – Bỉ; Đoàn cà kheo vùng Flamans - Bỉ; Đoàn biểu diễn trống Serotonin – Hàn Quốc; Chương trình không gian văn hóa Hàn Quốc do Hiệp hội ngành nghề truyền thống Hàn Quốc thực hiện; Đoàn Nghệ thuật múa Lân Yaese, Okinawa và đoàn Fukushima - Nhật Bản…
Cùng với sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế, nhiều đơn vị nghệ thuật tiêu biểu đại diện các vùng miền trên cả nước, các nhóm nghệ sĩ có phong cách mới lạ từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, cùng với lực lượng văn nghệ sĩ của Thừa Thiên Huế sẽ phô diễn nét độc đáo, tinh tế và sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.
Ngoài ra, còn có các Lễ hội và chương trình văn hóa cộng đồng: Chương trình “Văn hiến Kinh kỳ”, lúc 19h30 các ngày 28/4 và 30/4/2018; đây là điểm nhấn lớn của Festival Huế 2018; Chương trình lễ hội Áo dài với chủ đề Festival Huế 2018 lấy ý tưởng từ nghệ thuật Huế trong tà áo dài và chất liệu lụa Việt Nam, lúc 20h00 ngày 29/4/2018; Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, lúc 20h00 ngày 28/4/2018; Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin” của Phật giáo Thừa Thiên Huế, lúc 20h00 ngày 01/5/2018; Chương trình nghệ thuật đường phố “Sắc màu văn hoá”, diễn ra từ 16h00 vào các ngày từ 28/4 đến 02/5/2018; Chương trình nghệ thuật “Tình khúc Huế”. Đặc biệt, Liên hoan “Hát văn, hát Chầu văn toàn quốc”, từ 26/4 đến 28/4/2018 sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên đến từ các tỉnh thành trong cả nước. Liên hoan được tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị nghệ thuật của loại hình hát văn, hát chầu văn, hình thức lễ nhạc gắn liền với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Chương trình nghệ thuật Bế mạc, lúc 20h00 ngày 02/5/2018.
Một chuỗi các lễ hội cung đình và các lễ hội khác được tổ chức trước và sau Festival sẽ tiếp tục được tổ chức suốt cả năm, trên cơ sở hoàn chỉnh nội dung và nâng cao chất lượng: Lễ Tế Giao, Lễ Tế Xã tắc, Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ hội Điện Hòn Chén, Lễ Phật Đản, tái hiện Lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế...
Các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất, từ Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới, đến vùng cao A Lưới, Nam Đông và vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai…
Festival Huế 2018 sẽ tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của các kỳ Festival Huế trước đây. Trung tâm Đại Nội là hạt nhân của các kỳ Festival Huế với các sân khấu ngoài trời và trong nhà, quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Các sân khấu ở Cung An Định, Quảng trường Ngọ Môn, Bia Quốc Học, các sân khấu cộng đồng trên địa bàn thành phố Huế và một số huyện, thị xã, các đoàn nghệ thuật đường phố nổi tiếng sẽ tạo không khí sôi động trong suốt thời gian diễn ra Festival.
PV: Xin ông cho biết về công tác chuẩn bị Festival của địa phương?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung: Có thể nói rằng, đến giờ phút này công tác chuẩn bị cho Festival Huế đã cơ bản hoàn tất các công việc để Festival Huế lần thứ 10 - 2018 diễn ra theo đúng kế hoạch từ kịch bản Khai mạc, Bế mạc, đến các Chương trình nghệ thuật, lễ hội cộng đồng… đã hoàn chỉnh các nội dung.
Về công tác vận động tài trợ: Liên tục các kỳ Festival Huế đều được sự tài trợ của các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt từ Festival Huế 2012 đến nay, Ban tổ chức Festival Huế luôn nhận được mức tài trợ vượt trội. Điều này đã chứng tỏ thương hiệu Festival Huế đã tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng. Chúng tôi cố gắng làm tốt công tác quảng bá cho Festival Huế, cũng là cách để góp phần quảng bá, giới thiệu thương hiệu các nhà tài trợ. Huy động kinh phí từ các nguồn lực xã hội để tổ chức là một trong những mục tiêu quan trọng mà Ban Tổ chức các kỳ Festival Huế hướng tới. Với Festival Huế 2018 cũng vậy. Hiện Ban tổ chức Festival Huế đã làm việc với nhiều đối tác ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số đơn vị trong tỉnh để kêu gọi tài trợ. Trong số các đơn vị dự định ký kết thỏa thuận tài trợ, nhiều đơn vị là nhà tài trợ truyền thống: Carlsberg Vietnam, VietinBank, Vietcombank, Agribank, VNPT, Mobifone, Vietnam Airlines, Vietravel... Ngoài ra, Ban Tổ chức Festival Huế 2018 còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng cách vận động các đoàn nghệ thuật chủ động lo liệu các chi phí liên quan đến đi lại, lưu trú, phương tiện biểu diễn... càng nhiều càng tốt, hoặc tạo điều kiện về cơ chế để các cá nhân, tổ chức kêu gọi kinh phí hỗ trợ cho chương trình nghệ thuật tham gia Festival. Điểm mới ở đây là Ban Tổ chức duyệt trước nội dung các chương trình nghệ thuật tham gia, đối tác tự lo kinh phí tổ chức; trong đó, UBND tỉnh tạo cơ chế để họ thuận lợi hơn trong quá trình vận động, kêu gọi tài trợ.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

 

Theo Cinet.vn (MH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.