Đây là một hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi. Tham gia Lễ hội, ngoài việc du khách sẽ có cơ hội được hòa mình vào không khí trang nghiêm của các phần lễ mang tính tâm linh với phần nghi lễ tôn nghiêm theo đúng nghi thức phong tục truyền thống; trước là để cáo yết các bậc tiền nhân, sau là để cầu mong cho Quốc thái Dân an - Phong điều vũ thuận - Mùa màng bội thu - Nhà nhà no ấm - Người người hạnh phúc. Bên cạnh đó, du khách được đắm mình vào không gian trưng bày tranh thêu, tranh lụa, sản phẩm tre nghệ thuật, nón lá, nón lá sen, áo dài truyền thống, thưởng thức văn hóa trà Vũ di..., một hoạt động gắn liền và được phát huy trong suốt thời gian qua được Ban tổ chức Lễ hội quan tâm đó là hoạt động cho chữ Thư pháp tại Lễ hội.
"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua"
Câu thơ nhắc đến tục xin chữ ngày xuân, vốn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt, bắt nguồn từ sự hiếu học, sự trọng chữ, trọng tri thức. Nét đẹp văn hóa ấy đến nay vẫn được trân trọng, lưu truyền ngày càng được nối tiếp, thừa kế và phát huy. Cho chữ và xin chữ là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà. Theo suy nghĩ của mỗi người “Bức tranh chữ” treo trong nhà sẽ mang đến may mắn, là điều mà người ta mong muốn có trong năm. Người xin chữ cũng vô cùng đa dạng, mỗi người có những ước nguyện khác nhau, vì thế có người xin chữ Tài, có người xin chữ Lộc, lại có người xin Trí, chữ Phúc, chữ Hiếu… nhưng tất cả cũng đều thể hiện mong ước của người xin chữ, cầu mong những tin mừng và vận hội mới trong cuộc đời.
Hoạt động cho chữ tại Lễ hội đền Huyền Trân đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách đến với Lễ hội. Thông quan hoạt động này, nét đẹp văn hóa cổ xưa vẫn được duy trì và phát huy, hình ảnh ông thầy đồ cho chữ - sự trân trọng của người xin chữ thể hiện được truyền thống hiếu học của người Việt.
Sự kính cẩn tưởng nhớ các bậc tiền nhân của người dân và du khách trong khói hương tại Lễ hội đền Huyền Trân thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” từ bao đời nay của người Việt Nam, nét đẹp văn hóa xin chữ - cho chữ thư pháp trong Lễ hội thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo trong mọi tầng lớp nhân dân đã đem đến cho Lễ hội đền Huyền Trân thêm phần ý nghĩa hơn.