Ông Nguyễn Văn Chí, đã 70 tuổi, là trưởng thôn Đông Xuyên đồng thời là người quản lý nhà văn hóa thôn cho biết: Tại nhà văn hóa thôn có phòng đọc sách với gần 300 đầu sách các loại phục vụ các tầng lớp nhân dân, trong đó nhiều nhất là học sinh, nông dân, phụ nữ, thanh niên. Các Hội, Đoàn thể ở địa phương sử dụng nhà văn hóa thôn để tổ chức sinh hoạt các Câu lạc bộ như Dưỡng sinh của người cao tuổi, Bình đẳng giới của Hội phụ nữ, Gia đình văn hóa, Tổ chức các lớp xóa mù chữ, tập huấn chăn nuôi, thú y,… Hằng năm vào dịp đầu năm mới âm lịch, thôn tổ chức gặp mặt con em địa phương đi làm ăn xa. Xem đây như một cuộc hội nghị để tuyên truyền, vận động, giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của thôn, nhắc mọi người sống tốt, chấp hành pháp luật và đóng góp công sức xây dựng quê hương, thôn xóm ngày một giàu đẹp. Nhờ truyền thống hiếu học và tinh thần đoàn kết, việc vận động con em địa phương đang ở khắp nơi tham gia xây dựng quỹ khuến học thuận lợi. Qua đó đã xây dựng được nhà văn miếu của thôn hàng trăm triệu đồng. Mỗi năm chi 10 đến 12 triệu đồng khen thưởng con em địa phương có thành tích học tập tốt.
Ở thôn Đông Xuyên hiện có 18 xóm, 382 hộ. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa được địa phương hưởng ứng thực hiện hiệu quả. Đông Xuyên là một trong những địa phương được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn văn hóa sớm nhất. Ông Chí Trưởng thôn cho biết thêm: Người dân thôn Đông Xuyên rất thuần nên việc tuyên truyền, vận động thực hiện các tiêu chí văn hóa thuận lợi. Người dân có ý thức cao trong việc tham gia tố giác tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh thôn xóm thực hiện hiệu quả góp phần lớn trong việc ngăn chặn, xóa bỏ nạn trộm cắp, rượu chè quậy phá, gây mất trật tự. Đặc biệt người dân của thôn sợ nhất là “mâm cau, trầu, rượu phạt giữa làng”. Ở đây thể hiện ý thức bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Họ sợ bị bêu xấu giữa đám đông thì không còn mặt, mũi nhìn ai.
Hỏi về kinh phí xây dựng nhà văn hóa, ông Chí trưởng thôn cho biết: Qua vận động, một cá nhân là con em địa phương đã bỏ ra gần một tỷ đồng cộng với kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hỗ trợ 30 triệu đồng để hoàn thành nhà văn hóa thôn vào năm 2013. Hàng năm, từ việc cho thuê mặt bằng, sự đóng góp ngày công và thóc, lúa của các hội, đoàn thể ở thôn đã đảm bảo được kinh phí hoạt động thường xuyên và duy tu bảo dưỡng nhà văn hóa.
Qua khảo sát trên địa bàn huyện Quảng Điền, hiện toàn huyện có 90 trên 98 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, trong đó xây dựng mới là 60 nhà, tận dụng cơ sở cũ 30 nhà. Ông Nguyễn Ánh Cầu, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin Quảng Điền cho biết: Nhiều nhà văn hóa thôn trên địa bàn huyện chưa có đủ trang thiết bị hoạt động. Mô hình, tổ chức và nội dung hoạt động không thống nhất. Các nhà văn hóa chưa khai thác hết công năng, phần lớn dùng để hội họp của các đoàn thể, mặt trận và cấp ủy đảng ở địa phương. Mô hình hoạt động như Nhà văn hóa thôn Đông Xuyên được xem là hiệu quả và đây là điển hình cần nhân rộng. Hiện nay Phòng Văn hóa Thông tin huyện đang thống kê, đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Qua đó có cơ sở để tham mưu UBND huyện có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa thông tin; hỗ trợ trang thiết bị, nâng cấp, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhằm đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng huyện điểm văn hóa giai đoạn 2018 - 2020.