Tìm kiếm tin tức

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 !

Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.105.786
Truy cập hiện tại 10
Hoạt động Trung tâm Văn hóa Huyền Trân - một năm nhìn lại!
Ngày cập nhật 29/12/2017

Ẩn giữa rừng thông u tịch, tọa lạc dưới chân ngọn Ngũ Phong thuộc địa phận thôn Ngũ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây), thành phố Huế; Trung tâm Văn hóa Huyền Trân  - nơi thờ vị Công chúa nhà Trần là một quần thể kiến trúc tiêu biểu về văn hóa tín ngưỡng vừa đậm chất dân gian vừa pha nét cung đình, là nơi nối tiếp truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, một thiết chế văn hóa du lịch, có ý nghĩa sâu sắc trong việc tri ân, tưởng nhớ công đức Công chúa Huyền Trân - người đã có công mở mang bờ cõi vào đấu thế kỷ XIV. 

Được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý và tổ chức các hoạt động bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Trung tâm Văn hóa Huyền Trân từ ngày 01/01/2017, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh xem đây là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm rất lớn …

Đ/c Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTT tiếp nhận bàn giao Trung tâm Văn hóa Huyền Trân từ Công ty CPDL Hương Giang

“Vạn sự khởi đầu nan”, việc quản lý một khu vực Đền Đài, thờ cúng uy nghiêm bên trong một thiết chế văn hóa, nằm giữa một không gian rộng lớn, trải dài từ thấp đến cao với địa hình rừng núi bao quanh, phức tạp và cách xa Trung tâm… là công việc quá khó khăn đối với Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các cơ quan ban ngành cùng sự nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động, trong 01 năm qua Trung tâm Văn hóa Huyền Trân đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Những ngày đầu, với rất nhiều những trăn trở và lo lắng, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn về cơ sở vật chất, tài sản, phương tiện thiết bị, chống lấn chiếm đất đai, phòng cháy chữa cháy rừng cùng với các nhiệm vụ về bảo tồn, phát huy giá trị của Trung tâm Văn hóa Huyền Trân… Để vượt qua khó khăn đó, một trong các nhiệm vụ quan trọng tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được tập trung hàng đầu chính là công tác lựa chọn, tiếp nhận và bố trí, phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ và nhân viên lao động hợp đồng. Với phương châm tinh, gọn, chất lượng và hiệu quả, được sự đồng ý của Giám đốc Sở, đơn vị đã tiếp nhận hơn 2/3 cán bộ, nhân viên đã làm việc trước đây tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. Việc lựa chọn, bố trí công việc đúng, chính sách thỏa đáng, hợp lý, đặc biệt là cách thức tổ chức công việc theo hướng chuyên trách đối với từng bộ phận, từng người, cho từng vị trí công việc khác nhau… đã tạo ra một động lực mạnh mẽ cho việc hoàn thành nhiệm vụ tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. 

Bên cạnh đó, công tác chính trị tư tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật, khối đoàn kết nội bộ đặc biệt được quan tâm, chú trọng; các tổ chức chính trị như Tổ Đảng, Công đoàn, Đoàn TN, Cựu chiến binh được kiện toàn và tổ chức hoạt động tốt đã góp phần rất quan trọng cho công tác chuyên môn tại Trung tâm. Nhờ vậy, trong một năm qua, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh tiếp tục kế thừa và duy trì ổn định mọi hoạt động tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân… Trong đó có nhiều việc đã thực hiện rất tốt và có hiệu quả cao: sau khi tiếp nhận công việc, đơn vị đã tập trung bố trí lực lượng chuyên trách công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy chặt chẽ, nghiêm ngặt 24/24 giờ hàng ngày, do đó đến thời điểm này tài sản, phương tiện thiết bị tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được đảm bảo tuyệt đối an toàn, chưa xảy ra mất cắp và cháy rừng, đất đai không bị lấn chiếm, không có hiện tượng chôn cất, cơi nới, xây dựng mồ mả trái phép trong khu vực đất đã quy hoạch thuộc Trung tâm …
 
 
Sau gần 10 năm kể từ khi khánh thành đưa vào hoạt động, đến nay một số hạng mục các công trình đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp, do đó, lãnh đạo đơn vịTrung tâm văn hóa Thông tin đã thường xuyên kiểm tra và kịp thời sửa chữa, chống dột, chống mối, sơn quét, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại Đền thờ Công chúa Huyền Trân và Đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông, sửa chữa cấp thiết các nhà rường; sơn quét tượng Phật Di Lặc, chỉnh trang, tu bổ sân vườn, cây cảnh, các công trình vệ sinh… Thường xuyên làm sạch, đẹp, chống rêu phong các khu vực sân nền, đường đi từ ngoài vào trong Trung tâm Văn hóa huyền Trân.

Về cơ sở vật chất, máy móc, phương tiện đã được bổ sung, trang bị mới theo hướng ngày càng hiện đại và thuận tiện cho công việc. Hệ thống nước sạch, hệ thống điện chiếu sáng tiết kiệm điện đã được lắp đặt, hàng đêm đèn được bật sáng bên ngoài Đền thờ và các khu vực xung quanh, giúp cho công tác bảo vệ tốt hơn, đồng thời tiết kiệm được 50% điện tiêu thụ so với trước đây; hệ thống Internet cáp quang - Wifi tốc độ cao được Viễn thông tỉnh tài trợ lắp đặt, phủ sóng trên 90% các khu vực; hệ thống Camera hiện đại do một nữ doanh nhân tài trợ lắp đặt, đã góp phần giám sát, phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ an ninh, trật tự tại Trung tâm… Nhiều máy móc, thiết bị, vật dụng thông thường gần 10 năm nay chưa được mua sắm mới thì nay đã được trang bị, như thảm trải sàn các Đền thờ, máy bơm áp lực rửa sạch sân nền, máy hút bụi, máy tăng âm, máy bộ đàm…

Về khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị của Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đã trực tiếp tham mưu tổ chức thành công Lễ hội Đền Huyền Trân Xuân Đinh Dậu, 2017. Đây là Lễ hội tổ chức quy mô và chất lượng, được nhân dân địa phương và du khách đánh giá rất cao. Qua Lễ hội đã góp phần giới thiệu, quảng bá Trung tâm Văn hóa Huyền Trân nói riêng và văn hóa, du lịch Thừa Thiên Huế nói chung đến với du khách trong và ngoài nước. Ngoài Lễ hội nói trên, Trung tâm văn hóa Thông tin đã tiếp tục duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa và nghi lễ truyền thống tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân như Lễ cầu Quốc thái dân an (ngày 10 tháng Giêng), Tết Nguyên tiêu, Lễ Cầu an vào dịp Phật đản (14 tháng tư âm lịch), các ngày Tết cổ truyền và ngày rằm, mồng một âm lịch… 
 
 
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội Đền Huyền Trân
 
Xác định nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn, phát huy giá trị của Trung tâm Văn hóa Huyền Trân nên Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đặc biệt coi trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thông qua hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, chiêm bái tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân đã đón hơn 40 ngàn lượt người tham quan, tổng thu từ bán vé và các nguồn thu khác đạt gần 1,5 tỷ đồng, vượt trên 10 % so với cùng kỳ năm ngoái.
 
 
Du khách đến thăm Trung tâm Văn hóa Huyền Trân
 
Năm 2018 sẽ là năm có nhiều thuận lợi, thời cơ và đồng thời với những thách thức mới đối Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. Festival Huế - 2018 sẽ tạo điều kiện cho đơn vị tổ chức quảng bá giới thiệu mạnh mẽ hơn với công chúng và du khách song đây cũng là một giai đoạn sẽ có nhiều thay đổi, biến động về tổ chức và mô hình quản lý, tổ chức hoạt động, đòi hỏi sự vững vàng và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên trong toàn đơn vị.
 
 
Đ/c Nguyễn Thanh Hải - GĐ Trung tâm VHTT tỉnh báo cáo hoạt động Trung tâm VHHT năm 2017
 
Căn cứ Phương án tổ chức hoạt động đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; với những kết quả đạt được trên các mặt hoạt động trong năm 2017, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh xác định trong thời gian tới sẽ từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự với phương châm đào tạo cán bộ biết nhiều việc, giỏi một việc, nâng cao tính chuyên môn hóa trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động; Tiếp tục triển khai công tác tôn tạo, chỉnh trang, sửa chữa các hạng mục công trình có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng; đầu tư có trọng điểm một số hạng mục công trình phụ trợ theo thiết kế đã được phê duyệt trong khả năng tài chính có sẵn, đồng thời tăng cường kêu gọi nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, cá nhân để nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân…
 
 
Chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy; phối hợp với chính quyền địa phương tuần tra, kiểm soát toàn bộ khu vực đã được phân công quản lý, chống lấn chiếm đất và đất rừng, không để xẩy ra cháy rừng và chôn cất, xây dựng lăng mộ trong khu vực đã quy hoạch thuộc Trung tâm; Tập trung tổ chức tốt Lễ hội Đền Huyền Trân vào dịp tết Nguyên Đán - Mậu Tuất, góp phần vào sự thành công của Festival Huế - 2018, duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, nghi lễ theo truyền thống và định kỳ tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân với tinh thần tiết kiệm, chất lượng và hiệu quả;Tham mưu xây dựng Kế hoạch, Phương án, Đề án tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hội thảo khoa học, lễ hội văn hóa, trưng bày; Đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, duy trì, tổ chức hoạt động, phát huy hiệu quả của Trang Thông tin điện tử  để phục vụ tích cực cho việc quảng bá điểm đến; Tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị lữ hành, du lịch để đưa Trung tâm Văn hóa Huyền Trân vào trong các tour tuyến du lịch, đặc biệt là các tour du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, cùng với Học viện Phật giáo và Di tích chín hầm tạo thành một chuỗi liên kết của du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Phối hợp với các trường học trong toàn tỉnh tổ chức các hoạt động cắm trại, tham quan, dã ngoại kết hợp giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống cho các em học sinh, sinh viên… 
 
 
Với những kết quả đã đạt được trong năm qua, tin tưởng rằng Trung tâm Văn hóa Huyền Trân sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận hơn nữa, trở thành một điểm đến thu hút trong hành trình du lịch tâm linh Thừa Thiên Huế nói riêng, Việt Nam nói chung, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.

 

Minh Huy - TH
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

.
.