Trong dịp này đã có 24 gia đình có công với cách mạng được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; 24 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (2 mẹ còn sống được trao tặng); đồng thời, tôn vinh 260 tấm gương tiêu biểu và UBND tỉnh tặng bằng khen cho 18 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Chương trình nghệ thuật chào mừng của Nhà hát NTCK Huế
Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, chung một khát vọng độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc, dưới thắng lợi vĩ đại, viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc ta, đất nước ta về đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Nhằm nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
Đ/c Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và Đ/c Nguyễn Văn Cao - PBT Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thay mặt Nhà nước trao tặng danh hiệu "Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng"
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao khẳng định, vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, hàng trăm ngàn người con ưu tú của tỉnh Thừa Thiên Huế, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cuộc sống của mình cho đất nước , họ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Thừa Thiên Huế có hơn 18.000 liệt sĩ; gần 13.000 thương binh, bệnh binh; hơn 2.000 mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 4.000 người hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày; gần 3.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và gần 50 ngàn người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.
Trao tặng danh hiệu người có công tiêu biểu
Những năm qua, toàn Đảng, toàn quân và nhân dân Thừa Thiên Huế đã thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng; triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” thiết thực và ý nghĩa đối với người có công. Từ những việc làm "Hiếu nghĩa bác ái" theo lời kêu gọi và theo gương Bác Hồ, kế thừa đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ ở tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện bằng nhiều hình thức, việc làm phong phú, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội. Trong gần 10 năm qua (2007-2017), toàn tỉnh đã thực hiện xây dựng hơn 7.375 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 167,8 tỷ đồng, trao tặng 8.005 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách; các cơ quan, đơn vị đã nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời tất cả các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống…Cùng với đó, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo, cấp thẻ bảo hiểm y tế, dạy nghề, tạo việc làm cho con em các gia đình chính sách...
Đáp lại sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự chăm lo trọn vẹn nghĩa tình của nhân dân, các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, người có công trên địa bàn tỉnh đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn bằng ý chí, nghị lực phi thường nhằm ổn định cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước, xứng đáng là “Người công dân kiểu mẫu”, là “gia đình cách mạng gương mẫu”.
Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.