Đây là cuộc triển lãm lần thứ 87 được tổ chức tại 58 tỉnh, thành phố, 11 điểm đảo, huyện đảo và 18 đơn vị lực lượng vũ trang trên toàn quốc. Tại triển lãm trưng bày gần 100 bản đồ cùng hàng trăm hình ảnh, tư liệu, công trình nghiên cứu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chương trình nghệ thuật biểu diễn chào mừng Lễ khai mạc
Triển lãm trưng bày những nhóm tư liệu chính gồm: Phiên bản của các văn bản Hán - Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn (từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại) ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đ/c Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế trong buổi khai mạc Triển lãm
Phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ban hành trong thời kỳ 1954 - 1975 tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phiên bản của các văn bản hành chính của nhà nước Cộng hòa XHCH Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay tiếp tục khẳng định thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Hình ảnh tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ những năm 1930 đến khi Trung Quốc xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng trận “Hải chiến Hoàng Sa” ngày 19/01/1974.
Khách tham quan chăm chú xem các tư liệu trưng bày tại Triển lãm
Ngoài ra, còn có bộ sưu tập gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay. Trong đó đáng chú ý là 4 cuốn Atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933). Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ đều thiết lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành phố của Trung Quốc; nơi nào không thuộc lãnh thổ của Trung Quốc sẽ không được thể hiện trong các bản đồ.
Các chiến sỹ tham quan Triển lãm
Trong các bản đồ này, cương giới cực nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795-1869), nhà địa lý học người Bỉ - người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ - biên soạn, gồm 6 tập, xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) vào năm 1827. Trong đó có bản đồ Partie de la Cochinchine ở tập 2 khẳng định Paracels (quần đảo Hoàng Sa) là thuộc Việt Nam. Đây là một tài liệu vô giá, không chỉ về mặt học thuật, mà còn là một tài liệu có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Diễn ra trong 4 ngày, triển lãm đã thu hút đông đảo khách nước ngoài, các lực lượng vũ trang nhân dân, an ninh nhân dân, cán bộ, thanh niên, học sinh và nhân dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến tham quan và nghe thuyết minh về các tư liệu và hình ảnh khẳng định “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”.Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” là một hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, ý nghĩa, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong nước, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên và kiều bào ta ở nước ngoài trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của đất nước.