Phát huy kết quả qua các kỳ Festival chuyên đề về nghề truyền thống và thành công của Festival Huế 2016, Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VII với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” sẽ được diễn ra từ ngày 28/4 đến ngày 2/5/2017 tại thành phố Huế. Đây là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Cố đô Huế - Thành phố Festival của Việt Nam - Thành phố Văn hóa ASEAN.
Festival Nghề truyền thống Huế đã đem lại rất nhiều dấu ấn. Đó không chỉ là một không khí rộn ràng, vui tươi và đậm đà màu sắc Việt qua không gian nghề truyền thống được sắp đặt đầy thú vị mà còn là một sân chơi cho các nghệ nhân khắp mọi miền đất nước về trình diễn, thi thố. Tài năng của của các nghệ nhân bàn tay vàng qua Festival Nghề truyền thống được mọi người biết đến, ngưỡng mộ và từ đó tạo ra động lực mạnh mẽ tiếp sức cho những người trẻ, nghệ nhân trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề truyền thống của cha ông. Điểm nhấn trong lễ hội năm nay là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm không gian Văn hóa Hoàng Cung Huế về đêm tại Đại Nội; Lễ hội Khinh khí cầu của Công ty TNHH Ballooning Media tổ chức. Riêng về các làng nghề, sẽ có các sản phẩm nghề thủ công truyền thống đặc sắc của các thành phố đến từ Nhật Bản tại Bảo tàng Văn hóa Huế như thành phố Takayama, thành phố Saijo… và thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, Công ty TNHH Lục Thuận Đại Tử Sa (Trung Quốc)…
Không chỉ thành công ở khâu tổ chức, quảng bá thương hiệu làng nghề mà hàng chục cơ sở đã thành danh thông qua các kỳ festival. Nhiều làng nghề tưởng như mai một theo thời gian đã sống dậy như: gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên (Phong Điền); mây tre đan Bao La (Quảng Điền) hay nghề nón, hoa giấy Thanh Tiên (Phú Vang); thêu, đúc đồng, kim hoàn (thành phố Huế)…
Đến thời điểm này, đã có 65 cơ sở nghề và làng nghề trong và ngoại tỉnh (trong đó: trong tỉnh 41, ngoại tỉnh 24) đăng ký tham gia Festival Nghề truyền thống Huế 2017. Các cơ sở nghề tham gia trong không gian trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phầm nghề - làng nghề truyền thống như Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vĩnh Long… và chủ nhà Huế như các nghề: thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, dệt may, mây tre, pháp lam, và các sản phẩm trên chất liệu giấy...
Đặc biệt ở Fesival này còn giới thiệu hai làng nghề truyền thống mới đăng ký tham gia là làng dệt đũi, tơ tằm ở xã Nam Cao và làng gốm Mỹ Thiện. Đây là hai làng nghề có những sản phẩm độc đáo, đặc trưng của từng vùng miền trong cả nước.
Mặc dù đây là lần đầu tiên các làng nghề truyền thống này tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2017 nhưng những sản phẩm các làng nghề đem đến phô diễn, trưng bày tại Festival 2017 hứa hẹn mang lại cho du khách và công chúng những cảm xúc khó quên. Bên cạnh đó nhiều tour đến với các làng nghề, các điểm tham quan như tour du lịch trải nghiệm Đúc Đồng (phường Đúc), nhà vườn Thủy Biều, Kim Long; không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ kim hoàn Huế tại Tịnh Tâm Kim Cổ; tour giới thiệu trà và rượu Cung đình làng Chuồn, Trà Đình Vũ Di… sẽ cho nhiều du khách được trải nghiệm sâu về các làng nghề cổ tại Huế.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết, “Qua 6 kỳ tổ chức, Festival Nghề truyền thống Huế đã khẳng định thương hiệu và uy tín trong lòng công chúng và du khách cũng như nghệ nhân các làng nghề truyền thống trong cả nước. Bên cạnh đó, yếu tố quốc tế của Festival nghề đã từng bước được định hình, xây dựng. Đây là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Huế: Cố đô xanh - Di sản thế giới - Thành phố an toàn và thân thiện.
Kỳ vọng của thành phố Huế là biến các kỳ Festival Nghề truyền thống trở thành một sự kiện lớn, là nơi hội tụ, gặp gỡ, giao lưu các nghệ nhân cả nước. Qua các hoạt động Festival sẽ tăng tính cạnh tranh, thi đua và tôn vinh các nghề, các nghệ nhân, các sản phẩm đặc trưng, chất lượng, hiệu quả kinh tế, giá trị văn hóa, góp phần giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước nhằm phát triển kinh tế du lịch dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế và của các thành phố, tỉnh bạn trong cả nước”.Và chính ở đây, người dân và du khách sẽ nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh làng nghề Việt Nam thu nhỏ - Một bức tranh tinh hoa nghề Việt.